Xung quanh kết quả 189 cá nhân người VN liên quan “Tài liệu Panama”, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ba doanh nhân người Việt cả ba đều khẳng định đó là chuyện bình thường.
Cụ thể, theo chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo, do quá trình đầu tư mua công ty ở nước ngoài nên tên bà xuất hiện trong danh sách này là bình thường.
*Mời bạn đọc xem đầy đủ cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Thảo TẠI ĐÂY
Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn cũng khẳng định việc này là bình thường, không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế.
Doanh nhân Việt có tên trong tài liệu Panama nói gì? |
Cũng như thế, bà Đàm Bích Thủy - người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam cũng cho rằng việc bà có tên trong danh sách là một việc hoàn toàn bình thường.
Theo bà Thủy, ANZ có thành lập một công ty cho thuê tài chính tên là ANZ/V-Trac International Leasing Company đăng ký tại British Virgin Island (BVI). Công ty là một công ty thành viên của ANZ, hoạt động tại VN, có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
"Tôi từng là Tổng giám đốc của ANZ nên cũng là người phụ trách công ty, đứng tên trong đăng ký hoạt động của công ty. Tương tự như người tiền nhiệm của tôi, ông Adhil Admad cũng có tên trong danh sách" - bà Thủy giải thích.
Cũng theo bà Thủy, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở những nơi có ưu đãi về thuế như vậy không có gì sai trái. Trong kinh doanh, doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh tế và lợi ích. Có sai phạm gì hay không phụ thuộc vào từng hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, cá nhân. Không thể chỉ căn cứ vào danh sách tài liệu này để đánh giá có sai phạm hay không. Muốn đánh giá điều này cần phải có điều tra đầy đủ của các nhà chức trách đối với những trường hợp cụ thể.
Là bạn đọc, bạn có suy nghĩ gì về cách trả lời này và muốn góp ý gì xung quanh vụ việc đang gây xôn xao dư luận, xin mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn.
Hồ sơ Panama nói gì về những cá nhân, công ty Việt Nam?
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) hôm 9-5 (giờ Mỹ) đã tung ra cơ sở dữ liệu bí mật về gần 214.000 pháp nhân ở nước ngoài.
Dữ liệu này là một phần của cuộc điều tra Hồ sơ Panama, được coi là vụ tiết lộ thông tin lớn nhất về các công ty hải ngoại và những người đứng sau chúng.
Dữ liệu này có cả tên của những người chủ thật sự đằng sau các công ty bí mật này.
Theo ICIJ, dữ liệu đưa lên trang web cũng bao gồm thông tin liên quan đến hơn 100.000 pháp nhân nước ngoài mà hiệp hội này đã công bố trước đó trong cuộc điều tra có tên Offshore Leaks năm 2013.
ICIJ nói họ công bố thông tin này vì sự quan tâm của công chúng. Hiệp hội này nói trong thông cáo rằng họ không tung ra toàn bộ nội dung Hồ sơ Panama và cũng không công bố các tài liệu thô.
Dữ liệu lần này bao gồm các thông tin về chủ công ty, các công ty đại diện và các công ty trung gian bí mật. Dữ liệu không công bố tài khảon ngân hàng, trao đổi thư tín và các giao dịch tài chính có trong Hồ sơ Panama.
Theo dữ liệu trong Hồ sơ Panama được công bố (không bao gồm dữ liệu cũ từ Offshore Leaks), có 7 pháp nhân hải ngoại liên quan đến các cá nhân hay công ty Việt Nam, 99 cá nhân liên quan đến Việt Nam (bao gồm cả tên người Việt Nam và tên người nước ngoài), 6 cá nhân/công ty trung gian liên quan đến VN.
Danh sách địa chỉ 68 công ty liên quan đến Việt Nam cũng được công bố.
ICIJ nói nhiều tên công ty/cá nhân trong dữ liệu này có thể bị trùng lặp và đăng hai lần.
Khi nhấp chuột vào tên công ty hay cá nhân trong dữ liệu này, người đọc cũng có thể xem được sơ đồ về mối liên hệ giữa các cá nhân và các công ty trong Hồ sơ Panama và Offshore Leaks. (VÕ VĂN THÀNH)
Nhóm PV/Tuoitre