Tôi, hay bất kỳ ai trong số các bạn, đều có thể dễ dàng lập một công ty như vậy...
Khi tôi đăng một thông điệp ngắn trên trang Facebook cá nhân, bình luận về vụ “hồ sơ Panama”, một người bạn phóng viên đã nói với tôi rằng nên viết cụ thể hơn thành bài, vì điều đó có thể giúp thêm nhiều độc giả có cách nhìn khác về vụ việc này.
Tôi nghĩ, ý kiến đó hợp lý. Bởi, đọc các bài báo và bình luận liên quan tới việc “hồ sơ Panama” tiết lộ tên nhiều cá nhân và công ty Việt Nam, tôi có cảm giác, phần lớn người đọc tại Việt Nam sẽ đều có suy nghĩ rằng những cá nhân và công ty này “phạm pháp”.
Tôi, hay bất kỳ ai trong số các bạn, đều có thể dễ dàng lập một công ty như vậy... |
Việc đăng ký một công ty tại một nơi mà dân tình quen gọi là “thiên đường thuế”, thực ra, rất đơn giản và hợp pháp. Cũng nên nói thêm rằng cụm từ “thiên đường thuế” tuy được dùng phổ biến, nhưng có thể đã bị dịch nhầm từ, vì bản chất của nó là “nơi trú ẩn thuế” (tax haven).
Tôi, hay bất kỳ ai trong số các bạn - thông qua sự trợ giúp của một công ty luật hiểu việc - đều có thể dễ dàng lập một công ty như vậy. Người chủ của các công ty đó cũng hoàn toàn có thể không cần phải lộ danh tính chính thức.
Vấn đề chỉ nằm ở chỗ, tại sao lập và lập rồi thì làm gì.
Có nhiều lý do, chẳng hạn như để tạo ra một công ty công cụ để đầu tư ra nước ngoài, nhưng một lý do đã trở thành hình mẫu chuẩn trong sách giáo khoa theo đúng tên gọi dành cho nó: tránh/trốn thuế một cách tạm thời, theo đúng nghĩa “trú ẩn thuế” của hành động này.
Điều này sở dĩ có được, là do tại các vùng lãnh thổ này không yêu cầu phải khai báo thuế và đóng thuế. Công ty đặt ở đó chỉ là cái tên vỏ bọc, mà không có bất kỳ dấu hiệu gì của một công ty bình thường: không nhân viên, không văn phòng.
Tôi cho rằng vấn đề chính yếu của việc tránh/trốn thuế nằm ở đạo đức/sự thông minh của người chủ. Còn để làm điều đó thì quả thực nó quá đơn giản, chỉ là một cách hạch toán thông qua hai bước: (1) chuyển tài sản, tiền ra công ty vỏ bọc; (2) khi cần tiền, công ty vỏ bọc cho vay với lãi suất 0% là sẽ trốn/tránh được nhiều loại thuế.
Trong bước (1), vì công ty vỏ bọc là công ty nước ngoài, nên trong điều kiện Việt Nam, chúng ta sẽ nói với nhau là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong nước.
Còn để tránh/trốn thuế, người ta chỉ việc bán cho công ty vỏ bọc với giá đủ rẻ. Việc này sẽ càng có lợi nếu có sự phân biệt về đánh thuế thu nhập lớn giữa yếu tố trong nước và nước ngoài không thường trú.
Trong bước (2), khi cần tiền, người chủ thực sự có thể chỉ định công ty vỏ bọc bán tài sản như một nhà đầu tư nước ngoài bình thường cho một nhà đầu tư khác và cho chính mình vay với lãi suất bằng 0% để đỡ phải hạch toán.
Bước này sẽ tiết lộ bản chất của công ty vỏ bọc, giống như con lợn đất đựng tiền tiết kiệm, khi cần tiền thì người chủ đập để lấy ra tiêu. Nó cũng đồng thời thể hiện bản chất của việc trú ẩn thuế tạm thời theo từng lần hiện thực hóa thu nhập (tất nhiên là nếu khai báo đầy đủ).
Hai bước nêu trên cũng là điển hình nếu các công ty vỏ bọc được lập ra để rửa tiền. Tiền vào công ty vỏ bọc có thể là bất hợp pháp, nhưng thông qua việc đầu tư và cho vay lại, nó sẽ trở thành hợp pháp. Tất nhiên là việc này quá phức tạp, nằm ngoài chuyên môn tôi có thể hiểu.
Với bài viết này, tôi chỉ muốn đưa ra một quan điểm rằng, việc ai đó có tên trong danh sách “hồ sơ Panama” không lập tức ám chỉ hành vi xấu. Hành vi xấu có hay không, phụ thuộc vào đạo đức/sự thông minh của người chủ.
Nếu lập ra các công ty vỏ bọc để đầu tư ra nước ngoài, đó là việc hết sức bình thường.
Nếu các công ty vỏ bọc đó quay lại nắm giữ các tài sản trong nước, đó là việc không bình thường. Nhưng ngay cả trong tình huống này, nếu họ khai báo thuế và minh bạch giao dịch đầy đủ, thì nó cũng trở thành bình thường.
Về mặt cá nhân, kể cả trong trường hợp thuế là mục tiêu, tôi vẫn cho rằng họ là những người thông minh khi làm điều đó. Còn việc họ có đạo đức hay không, lại là một phạm trù khác, không liên quan đến bài viết này, và chỉ chính họ mới có thể phán xét.
* Tác giả bài viết hiện là giảng viên ngành tài chính tại Đại học Lincoln, Anh quốc.
Theo Vneconomy