Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ xung quanh biển hiệu đồng bộ ở con đường kiểu mẫu của Hà Nội.
Cho một đô thị ngăn nắp
Trên trang cá nhân của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nêu ý kiến của mình xung quanh việc Hà Nội tiến hành thống nhất mẫu, màu sắc biển hiệu đồng bộ ở con đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.
Sự việc biển hiệu đồng bộ mày xanh đỏ này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
GS Ngô Bảo Châu khen biển hiệu đồng bộ ở đường Lê Trọng Tấn |
"Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ quê quê. Nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp.
Đi dọc phố phường Hà nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi.
Phố Huế yêu quý của tôi ngày một giống một phố quê luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với một cuộc sống ngày một xập xệ", Giáo sư Châu viết.
Cũng theo Giáo sư Châu, việc dễ nhất trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là quy định kích cỡ, gam mầu, mẫu chữ cho biển báo cho từng khu phố buôn bán.
"Dường như chính quyền Hà nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơn là không làm. Tất nhiên có nhiều gam mầu khác nhau, không nhất thiết cứ phải cơ bản như thế này", Giáo sư Châu nêu ý kiến.
Nên có thảo luận với thành phố
Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội cho rằng, biển quảng cáo là diện mạo thẩm mỹ, văn hóa.
Vì thế cần có sự hài hòa, đồng bộ, chứ không thể tùy ý thích nổi trội của cá nhân hay tổ chức nào đó.
Ông Nghiêm dẫn chứng một số nước tiên tiến như Pháp đã quy định biển quảng cáo cùng kích cỡ với 4 màu khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông cần phải hài hòa lợi ích của người dân với việc quản lý của Nhà nước để tránh tình trạng "đơn điệu và khó nhận diện thương hiệu" như hiện tại.
"Ở một tuyến phố kiểu mẫu, trong khi cơ quan chức năng muốn lập ra một kiểu mẫu với hình thức là mọi thứ phải theo một màu sắc, hình dáng, kích thước biển hiệu giống nhau, xếp cạnh nhau.
Nhưng khi người dân bắt đầu có phản ứng thì chúng ta phải tìm ra giải pháp để giải quyết", ông Nghiêm nói
Ông cũng thông tin về việc có nhiều khách hàng không tìm vào được các cửa hàng cũ của mình, không phân biệt được các cửa hàng bán cùng sản phẩm, vì thế việc Kinh doanh trở nên chậm trễ, ế ẩm.
Thậm chí, nhiều trẻ nhỏ cũng khó tìm về được nhà của mình, cứ phải chạy lòng vòng mới thấy được ngõ.
Thành phố đã có hảo ý khi muốn tạo ra một con phố kiểu mẫu, đồng bộ, thống nhất theo một quan niệm nào đó, nhưng trên thế giới người ta xem trọng sự sáng tạo trên những con phố và càng sáng tạo càng tạo ra được sự sống động đặc trưng cho đường phố đó.
"Không biết lãnh đạo Hà Nội có ý định mở rộng ra kiểu mẫu đường phố này sang các tuyến phố khác nữa không.
Nhưng phải đặt ra câu hỏi là việc mở rộng như thế có cần thiết hay không, nhất là khi nó đang vấp phải sự phản ứng của nhiều người?
Tôi đề nghị nên có cuộc thảo luận và thành phố nên giải thích là đã căn cứ vào đâu, thảo luận nơi nào, đã lấy ý kiến của các chuyên gia chưa? Được quyết định bởi văn bản Pháp luật nào để áp dụng cho việc hình thành kiểu mẫu một con phố như thế này?
Ngoài ra, việc tài trợ cho các hộ kinh doanh làm biển hiệu quảng cáo cũng cần phải làm rõ", ông Nghiêm nêu.
Một chuyên gia trong lĩnh vực marketing cũng cho rằng, việc chỉnh trang, xây dựng các khu phố vào quy củ là việc nên làm.
Tuy nhiên, khi thực hiện cần phải lấy ý kiến người dân một cách kỹ càng và sau này đưa vào thực hiện rồi cũng vẫn cần tiếp tục lắng nghe để sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
"Hơn nữa, phải cố gắng hạn chế tối đa thiệt hại trong việc kinh doanh của các đơn vị, đồng thời đảm bảo được nhận diện thương hiệu cho họ tốt nhất.
Thêm vào đó, chúng ta có thể làm đồng bộ về chiều cao, chất liệu của biển hiệu chứ không nên can thiệp quá sâu vào nội dung, màu sắc", chuyên gia này nói.
Theo Daubao