Ám ảnh với cảnh những ruộng lúa của gia đình và xóm làng năm nào cũng bị chuột phá hoại hoang tàn, nông dân (ND) Đặng Thanh Lâm ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã mày mò sáng chế ra một máy “độc nhất vô nhị” có thể bắt hết chuột lớn, chuột bé tận từ trong hang ổ của chúng…
Máy bắt chuột của ông Đặng Thanh Lâm hiện được nông dân huyện Lệ Thủy sử dụng rộng rãi và đạt kết quả cao. Ảnh: Phan Phương |
Lệ Thủy, nơi có những cánh đồng cò bay thẳng cánh được xem là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Người ND nơi đây sống bằng cây lúa nên hàng năm ngoài thiên tai bão lũ họ sợ nhất là nạn chuột phá hoại mùa mùa màng. Cũng là một ND sống bằng cây lúa nên ông Đặng Thanh Lâm không khỏi ám ảnh khi năm nào những thửa ruộng của gia đình cũng bị chuột phá hoại.
Ông Lâm kể, xã Mỹ Thủy là một xã vùng trung du của huyện, hàng năm người ND quê anh vẫn sản xuất 2 vụ lúa- đông xuân và hè thu. Trong khi vụ đông xuân ít bị chuột phá hoại hơn thì vụ hè thu thực sự là một thảm họa. Đã nhiều vụ mùa, gia đình anh Lâm và nhiều bà con trong xã dù làm cả mẫu ruộng mà không thu về được hạt thóc nào cũng chỉ vì bị chuột tàn phá. Nguyên nhân là những năm gần đây, ND các xã vùng trũng của huyện Lệ Thủy chỉ sản xuất vụ đông xuân, sau khi gặt xong họ để lúa tái sinh mà không sản xuất hè thu vì sợ lũ.
Khi đang còn lúa tái sinh, đàn chuột vẫn sinh sống ở những cánh đồng này, nhưng khoảng tháng 8 hàng năm, bà con gặt xong lúa tái sinh, đàn chuột hết nguồn thức ăn, chúng bắt đầu hành quân “di cư” lên những cánh đồng lúa hè thu tại các xã vùng trung du như Mỹ Thuỷ, Dương Thuỷ, Mai Thuỷ… để có nguồn thức ăn, đồng thời tránh những cơn lũ sớm. Người ND nơi đây cho biết, khi đàn chuột hàng ngàn con lũ lượt “di cư” về đây, chúng đào hang, làm tổ và mặc sức cắn phá những thửa ruộng hè thu của bà con.
Để bảo vệ mùa màng, chống lại sự phá hoại ghê gớm của đàn chuột, những năm qua, bà con ND và chính quyền địa phương các xã đã có nhiều biện pháp quyết liệt như đặt bả, làm bẫy, đào hang… để diệt chuột nhưng xem ra kết quả vẫn không ăn thua. Đã nhiều vụ hè thu trôi qua, nhiều nông dân nhìn ruộng lúa của mình chỉ sau một đêm đã bị chuột phá hoại tan tành mà trở nên ám ảnh, nhiều người sau đó đành bỏ ruộng hoang mà không dám sản xuất nữa…
Bắt tận gốc, diệt tận hang ổ
Sinh ra từ làng, lớn lên mưu sinh bằng hạt lúa, hơn ai hết ông Lâm thấu hiểu được nỗi đau mất mùa của người ND. Đặc biệt, nhiều mùa vụ trôi qua, người ND quê ông mất mùa không phải vì thiên tai, bão lũ mà vì bị chuột phá hoại. Nhiều lần đi thăm ruộng, ông Lâm quặn đau khi thấy những đám lúa tươi xanh đang mơn mởn làm đòng, thế mà chỉ sau một vài đêm đã bị chuột tàn phá đến xác xơ, như vừa bị quân giặc oanh tạc.
Chứng kiến cảnh ấy, nhiều đêm về ông Lâm không tài nào chợp mắt được, cứ vắt tay lên trán mà suy nghĩ mãi. Chuột năm nào cũng phá, người ND quê ông cũng đã làm hết cách để diệt chuột mà nó vẫn không hề thuyên giảm. Nhiều ngày bỏ công tìm hiểu, ông Lâm đã phần nào hiểu được đặc tính của loài chuột. Sẵn có nghề cơ khí trong tay, ông Lâm bắt đầu mày mò sáng chế một cái máy mà theo ông có thể bắt tận gốc, cả chuột bố, chuột mẹ và chuột con ở trong hang ổ của chúng.
Cũng theo ông Lâm, máy bắt chuột do ông sáng chế có thiết kế gọn nhẹ, đơn giản, hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. Nguyên lý của máy là dùng bột ớt thổi vào hang làm cho bọn chuột cay mắt không thể chịu nổi mà chui ra ngoài và dính vào tấm lưới đơm sẵn…
Để minh chứng cho hiệu quả của chiếc máy trong khá giản đơn này, ông Lâm dẫn chúng tôi ra cánh đồng của làng để thử nghiệm. Sau khi xác định hang của chuột, ông Lâm đặt cái ống dẫn hơi vào miệng hang và dùng tấm lưới phủ lên và ghim chặt các mép. Tiếp đến, ông đổ bột ớt vào bồn chứa thông với ống dẫn hơi, bật công tắc điện đốt nóng bột ớt và dùng tay quay liên tục hệ thống quạt tạo gió…
Được một lúc, chúng tôi thấy hàng chục con chuộn lớn nhỏ lóp ngóp chui từ hang ra vướng cả vào tấm lưới giăng sẵn. Ông Lâm cứ thế tóm cổ từng chú chuột một cho vào lồng sắt. Mới chỉ một vài chỗ đặt máy mà số chuột ông Lâm bắt được đã lên đến hàng ngàn con, bao gồm chuột lớn, chuột bé, chuột mẹ, chuột con đều phải chui ra hết.
Chứng kiến cảnh ông Lâm bắt chuột, ông Đỗ Văn Sơn, một ND đến từ xã Liên Thủy tỏ ra rất thích thú. “Lâu nay để bắt chuột phá hoại mùa màng, người ND thường dùng thuốc, đào hang, đặt bẫy… để bắt chuột nhưng không ăn thua. Với cái máy này của anh Lâm, tôi thấy hoạt động đơn giản mà rất hiệu quả, có thể diệt tận gốc lũ chuột phá hoại. Tôi sẽ đặt anh Lâm một cái để về sử dụng tại cánh đồng của gia đình” – ông Sơn chia sẻ. Trong khi đó, ông Mai Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình cũng đánh giá rất cao cái máy bắt chuột của ông Lâm.
“Tôi thấy phương pháp diệt chuột này rất hiệu quả mà lại rất an toàn với môi trường. Chất dùng để diệt chuột rất đơn giản chỉ có ớt bột, bà con ND có thể tự trồng lấy được. Trước đây chúng ta diệt chuột bằng phương pháp dùng bả độc sẽ để lại tác hại rất lớn đến môi trường…” – ông Ngọc nói.
Theo Dân Việt