Đó là 20 ngày của sự vừa thiếu vừa thừa thông tin kể từ khi một ngư dân phát hiện ống xả thải ngầm dưới biển và bắt đầu cho những thông tin mù mờ, khó hiểu, bất nhất.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng xuống biển tắm để trấn an người dân và du khách. ảnh: zing. |
Tàu thuyền lại ra khơi, chúc bà con những chuyến biển thành công.
Nếu tinh ý, chúng ta sẽ thấy Thủ tướng gần đây ít cười hơn khi xuất hiện trước công chúng, nhất là trong các cuộc họp xử lý khủng hoảng truyền thông vụ thảm họa môi trường kéo dài trên 20 ngày vùng ven biển một số tỉnh miền Trung.
Đó là 20 ngày của sự vừa thiếu vừa thừa thông tin kể từ khi một ngư dân phát hiện ống xả thải ngầm dưới biển và bắt đầu cho những thông tin mù mờ, khó hiểu, bất nhất phát đi từ cơ quan công quyền.
Cả nước đổ xô đi điều tra, ngư dân lặn biển, phóng viên lặn biển, rồi bắt cá bỏ xô nước làm thí nghiệm…sinh tử, thông tin loạn cào cào trên cả mạng xã hội và truyền thông làm cho công chúng rơi vào trạng thái lo sợ chưa từng có, công chúng có cảm giác bị bỏ rơi vì không thấy tiếng nói bảo hộ từ cơ quan công quyền.
Thiên tai, thảm họa và cách ứng phó của chính quyền thể hiện khả năng quản trị của mọi chính phủ.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn chia sẻ cách mà người Nhật ứng phó với thảm họa môi trường với tư cách người chứng kiến trực tiếp:
“Mùa đông năm 1997, tôi đang du học ở tỉnh Shimane (Nhật Bản). Có một chiếc tàu chở dầu của Nga bị nạn ở gần bờ biển vùng Trung bộ Nhật Bản, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường của 5 tỉnh Trung bộ Nhật Bản là Hiroshima, Yamaguchi, Tottori, Shimane và Okayama.
Chính quyền 5 tỉnh này liền phối hợp với nhau ứng cứu chiếc tàu và đối phó nguy cơ tràn dầu ra biển. Tuy nhiên do sóng lớn nên tàu đã bị đánh chìm và vỡ một phần. Dầu tràn ra biển, lan tới bờ biển 5 tỉnh trên. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Hashimoto Ryutaro lập tức đến hiện trường thị sát, nhanh chóng ban hành những biện pháp rốt ráo, huy động mọi nguồn lực từ trung ương đến địa phương để cứu nguy môi trường.
Chính quyền địa phương cử lực lượng chức năng hút dầu ra khỏi tàu chìm và làm vệ sinh bờ biển, còn người dân ở vùng Trung bộ Nhật Bản thì tình nguyện ra biển giúp dọn dầu loang, làm sạch bờ biển. Khi đó nhiệt độ ngoài trời thường xuyên từ -6 đến 1 độ C.
Có vài người Nhật lớn tuổi do không chịu nỗi cái rét và thời tiết khắc nghiệt và do nhiệt tình làm việc “lau dọn” bờ biển nên kiệt sức và qua đời. Vậy là chính quyền địa phương yêu cầu người trên 65 tuổi không được tham gia công tác tình nguyện này. Ai có tiền sử tim mạch, chịu lạnh kém, cũng không được tham gia. Vậy nhưng từng đoàn người Nhật vẫn ngày ngày đổ ra bãi biển dọn cặn dầu loang trên cát, lau chùi từ mỏm đá. Nhờ vậy mà đến cuối tháng 2.1998, sự cố này đã được cơ bản khắc phục.”
Những mệnh lệnh mang tính hành chính, bảo ban sẽ vô nghĩa dẫn tới hệ lụy bất tuân nếu không có những hành động xắn tay vào cuộc từ chính quyền, nhất là chính quyền địa phương, nơi gần dân nhất.
Cũng vậy, công chúng phần nào an tâm khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuộc quyết liệt, cả bộ máy chuyển động rần rần với nhiều động thái thiết thực và kể cả một số nặng tính tuyên truyền như đi…tắm biển.
Không sao cả, công chúng nhận thấy mình có sự bảo hộ của Chính phủ, họ có thể chịu nhiều khó khăn hơn nữa miễn là có ánh sáng cuối đường hầm, miễn là được công chứng niềm tin.
Việc quan trắc, xác định mức độ ô nhiễm tồn dư, có hoặc không và mức độ an toàn đang diễn ra hàng ngày, chợ búa bắt đầu có kẻ bán người mua hải sản, tàu thuyền bắt đầu ra khơi, biển có người đi tắm…
Vấn đề quan trọng hiện nay là tìm ra nguyên nhân gây thảm họa môi trường, công bố minh bạch và xử lý bằng quan hệ pháp luật phù hợp công pháp quốc tế nếu có yếu tố nước ngoài thì nụ cười ngư dân sẽ rạng rỡ hơn, gương mặt Thủ tướng sẽ tươi hơn đó cũng là hành động mang tính biểu tượng và xác nhận niềm tin cho công chúng.
Người dân đang chờ và mong.
Dân Việt