Tỉnh Phú Thọ quyết tâm tăng tốc cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2020 ở mọi lĩnh vực, trên cơ sở mục tiêu “thực hiện hiệu quả khâu đột phá về CCHC” được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, tỉnh chú trọng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn còn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp; từng bước hệ thống hóa các thể chế, cơ chế chính sách quản lý; triển khai quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác “một cửa”, sẵn sàng thay thế cán bộ đối với những sở, ngành, cá nhân trong quá trình làm việc bị người dân, doanh nghiệp phàn nàn nhiều; rà soát những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Phú Thọ tăng tốc cải cách hành chính |
Cơ chế “một cửa” được triển khai tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước; cơ chế “một cửa liên thông” cũng được triển khai tại nhiều lĩnh vực nhạy cảm, như cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bảo hiểm y tế... Mô hình “một cửa” điện tử hiện đại được triển khai có hiệu quả tại TP Việt Trì và một số phường. Tuy nhiên, mức độ xếp hạng CCHC chưa thật sự bền vững, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Thọ chỉ đạt mức trung bình của cả nước (xếp thứ 39 trên 63 tỉnh, thành phố).
* Đác Nông tiếp tục tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đác Nông xác định mục tiêu tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững đối vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, chương trình 135, đào tạo giải quyết việc làm…
Đặc biệt, Đác Nông tiếp tục giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm, nước sạch) gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Năm năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, Đác Nông đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Học sinh người dân tộc thiểu số đều được đến trường, nhiều em sau khi tốt nghiệp trở thành cán bộ nguồn của địa phương. Chất lượng chăm sóc sức khỏe được nâng cao, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, từ 26,8% (năm 2011) xuống còn 19,26% (năm 2015); an ninh chính trị, an ninh biên giới cơ bản ổn định.
PV và TTXVN