Thứ Bảy

Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?

Chuyện “đa quan” ở ta hiện nay không hiếm, thậm chí là “chuyện thường ngày”, nhiều nơi có. Thế nhưng, chuyện “quan” nhiều hơn dân, tức là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên như ở Gia Lai thì cũng hơi lạ (hơi hơi thôi).

Theo phản ánh từ báo Dân trí, Sở Xây dựng Gia Lai có 33 cán bộ, nhân viên thì trong đó có tới 17 người là cán bộ. Gồm 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc, 12 Phó, Trưởng phòng.

Ở Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, tình hình khả quan hơn khi có 45 cán bộ, nhân viên nhưng “chỉ có”… 21 lãnh đạo (1 Giám đốc, 5 Phó Giám đốc, 15 Phó, Trưởng phòng).

Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?
Điều “vui” nhất là trả lời phóng viên Dân trí, ông Huỳnh Văn Tâm - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho biết, tất cả các cơ quan ban ngành tỉnh Gia Lai đều bổ nhiệm lãnh đạo đúng quy trình và không vượt quá quy định.

Nói “vui” là bởi chắc chắn ông Giám đốc Sở Nội vụ nói đúng, rất đúng, có thể đúng đến từng chi tiết nhỏ nhất trong qui trình bổ nhiệm. Thậm chí, đúng đến 101%.

Nhiều “quan” thế, không biết đám nhân viên “tép riu” ở đó sống thế nào nhỉ? Có bị cảnh “thành tích thì anh - khuyết điểm thì chú” không? Ui cha, chẳng biết những chuyện đó thế nào nhưng chỉ nghĩ đến chuyện sáng ra… chào sếp chắc cũng đã “mỏi mồm” rồi.

Về công việc, chẳng biết “đông quan” liệu có đồng lòng hay “ông chẳng, bà chuộc”, đám nhân viên suốt ngày lĩnh hội ý kiến chỉ đạo, nghe ông A thì chết với ông B và ngược lại.

Rồi chả biết công việc có bị chồng chéo, “dẫm đạp” lên nhau không?

Đó là chưa kể chuyện bổng lộc “trong chính sách, ngoài luồng lạch” nữa.

Nhắc đến Gia Lai, chợt nhớ cách đây mấy năm, một vụ án đã làm “rúng động” phố núi.

Đó là vụ mất trộm tại nhà bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai (vợ ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum). Nghe nói, riêng số vàng đã là 65 cây và tổng số tài sản lên đến gần 3 tỉ đồng. Kinh! Vợ chồng hai bác công chức nhà nước này giầu thế!

Trở lại chuyện “đông quan” ở Gia Lai, không biết cái “qui trình, qui định” mà ông Giám đốc sở Nội vụ nó thế nào nhưng gì thì gì, một đơn vị, một cơ quan mà “quan” đông hơn dân, sếp nhiều hơn lính thì cái qui trình, qui định đó cần phải xem lại.

Sử sách kể lại rằng cách đây hơn 700 năm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho vua con Trần Anh Tông về Yên Tử ở ẩn. Một lần, Nhà vua trở về triều đình đòi xem sổ sách ghi chép việc phong quan, đọc cuốn sổ ghi chép, Đức Vua cả giận, cầm cuốn sổ vứt ra sân rồi quát lên: "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi"(!).

Hình như lời của Đức Vua Trần Nhân Tông còn vang vọng đến hôm nay!

Theo DÂN TRÍ