Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm (2016-2026), toàn bộ nội thất trang trí bên trong và 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonexia và Ấn Độ chế tác.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, Công ty xây dựng Xuân Trường do ông Nguyễn Văn Trường làm giám đốc vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về ý tưởng thiết kế, xây dựng chùa Tháp trong tổng thể của Dự án thành phần Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc tại khu vực Đền Gàn, thuộc xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ).
Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp gồm 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonexia và Ấn Độ chế tác. Sau khi hoàn thiện xong tượng phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonexia và Ấn Độ sẽ được Doanh nghiệp Xuân Trường đưa về Tháp lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Theo kế hoạch, Doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết sức để có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng chùa Tháp khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Mô hình chùa Tháp sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một Tháp phật giáo lớn nhất thế giới |
Sau khi nghe phương án thiết kế chùa Tháp và những đề xuất của nhà đầu tư Xuân Trường, ông Trần Quốc Tỏ - Chủ tịch UBND tỉnh cho đánh giá dự án thành phần Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc, trong đó điểm nhấn là chùa Tháp sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử của Thái Nguyên với khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Đại diện tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định về phía chính quyền địa phương, tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất, chia sẻ và đồng hành cùng nhà đầu tư trong điều kiện có thể để giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện Dự án.
Được biết, dự án Tháp Phật giáo là một phần quan trọng trong dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc vừa được Xuân Trường động thổ xây dựng vào tháng 2/2016 vừa qua. Dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ.Diện tích quy hoạch sử dụng đất: khoảng 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha).
Dự kiến phân khu chức năng chính của khu du lịch Hồ Núi Cốc gồm: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ