Món canh chua củ hũ dừa mang đậm dư vị ẩm thực dân gian, sự kết hợp hòa quyện vị chua, ngọt làm cho bữa ăn của người miền quê thêm ngon miệng, no lòng.
Ở miền Tây Nam Bộ, phía dưới những hàng dừa nước mọc tự nhiên thẳng tắp ven sông là những căn nhà mái lá. Tuy đơn sơ, nhưng cũng là nơi che nắng che mưa của biết bao con người bình dân tâm hồn phóng khoáng, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng sông nước.
Canh chua củ hũ dừa. |
Dừa xiêm cho trái với nước ngọt lịm, lá dừa cho trẻ con tước về thắt thành hình bông, chim, cò để đùa chơi. Đọt lá dừa non cũng dùng để gói thành những cái bánh lá dừa quen thuộc, no lòng.
Cho trái nhiều năm cây dừa sẽ đến lúc giã cỗi, hoặc khi cần có khoảnh đất để làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, người ta phải đốn dừa đi. Khi ấy, người ta lại chặt, đốn củ hũ dừa (còn gọi là cổ hủ dừa) để … ăn.
Củ hũ dừa là phần non, mềm trên thân, dưới ngọn của cây dừa. Củ hũ dừa có màu trắng ngà, ăn ngọt hơn cả củ sắn (củ đậu); có thể làm nhưn bánh xào, hay đem củ hũ dừa xào thịt bò, lòng heo, làm gỏi chua, hoặc ăn sống. Từ thực tế điền dã, về Hậu Giang chúng tôi còn gặp được món củ hũ dừa nấu canh chua cơm mẻ rất ngon.
Củ hũ dừa |
Bắc xoong nước nóng, cho cơm mẻ vào lược sạch, rồi trút cá vào. Nước sôi, hớt sạch bọt, cho các loại rau với củ hũ dừa vào để nấu.
Người dân miền Tây Nam Bộ, nhất là vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu hay nêm canh chua bằng đường, muối, chứ ít khi dùng bột ngọt. Cuối cùng, thêm rau cần, quế, ớt vừa tạo mùi vừa tạo màu cho nồi canh, trước khi nó được nhắc khỏi bếp.
Món canh chua củ hũ dừa mang đậm dư vị ẩm thực dân gian, sự kết hợp hòa quyện của vị chua, ngọt làm cho bữa ăn của người miền quê thêm ngon miệng, no lòng.
Theo Dân Việt