Kiệt sức, mất ngủ, ế vợ ế chồng vì phải ngồi nhận xét học sinh như “chép phạt”… là những nỗi buồn bực mà nhiều giáo viên tiểu học đang đau đầu từ ngày có Thông tư 30 (có thầy cô ví von là... Ông 30).
Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15.10.2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Theo Thông tư 30 giáo viên tiểu học sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh thay vì đánh giá bằng điểm số như những năm trước.
Vì Thông tư 30, giáo viên nhận xét như "chép phạt"... văn mẫu |
Vừa phải chấm điểm cuối kỳ, vào điểm bài kiểm tra, lên danh sách học sinh được khen thưởng, làm phiếu đánh giá xếp loại học sinh, bảng tổng hợp thi đua.... Kinh khủng nhất là nhận xét vào học bạ cho học sinh. Bây giờ mà còn thủ công ngồi kỳ cạch gõ họ tên, trường lớp, nơi ở... rồi ngồi nghĩ hình dung xem em đó năm học qua có gì nổi bật, khiếm khuyết, chọn từ ngữ để nhận xét sao không làm xấu học bạ của các em, lại có không trùng lặp với bạn khác”, cô M. thở dài mệt mỏi.
Cũng theo cô M, thời gian này đến lớp hầu hết là giao bài tập cho học sinh ngồi tự làm, tự quản. Còn giáo viên thì chỉ cắm mặt vào đống giấy tờ để hoàn tất các sổ sách. Làm ở lớp không xong thì về nhà “ăn cắp” thời gian cơm nước dạy dỗ, chăm sóc của chồng con, không xong nữa thì phải “lọ mọ” đến nửa đêm gà gáy. “Sáng nào tỉnh dậy cũng uể oải vì mất ngủ làm sổ sách, mắt như cú vọ đêm. Cứ mỗi lần như vậy lại bị sút vài cân, nghỉ hè là lăn ra ăn, ngủ để... hồi sức”, cô M. chia sẻ.
Trên các diễn đàn giáo viên, những câu chuyên “dở khóc dở cười” về Thông tư 30 cũng là chủ đề được các giáo viên chia sẻ nhiều nhất. Nhiều giáo viên cùng chung quan điểm, việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét, sau 2 năm đã làm cho rất nhiều học sinh trở lên lười biếng, trong khi đó giáo viên thì quá khổ vì hồ sơ, sổ sách. Có thầy cô còn ví von Thông tư 30 chẳng khác nào “Ông 30”, khiến các thầy cô bị dọa… khóc thét.
Một cô giáo trẻ ở Nghệ An đã viết: “Mình dạy 1 điểm trường lẻ ở vùng sâu vùng xa của Nghệ An, việc đi lại hết sức khó khăn. Muốn vào điểm trường phải đi thuyền qua sông. Từ ngày áp dụng mô hình trường học mới VNEN lại thêm Thông tư 30 thấy bất cập vô cùng. Đã phải nhận xét trong sổ viết bằng tay còn phải vào mạng vnedu (một mạng giáo dục) để nhận xét. Dạy một điểm trường lẻ phải đi bao nhiêu chặng đường mới có thể ra ngoài thị trấn để vào mạng. Cả tuần có mỗi ngày nghỉ trọn vẹn là thứ 7 vì trưa chủ nhật phải đi cho kịp thuyền. Với cái thời tiết thất thường mưa gió đùng đùng như thế này mình và một số thầy cô suýt bỏ mạng trên sông”.
Cô giáo N.T.T giáo viên tại Bắc Giang cho biết: “1 năm chỉ cái phần năng lực và phẩm chất, mỗi giáo viên phải chép lại 10 lần/ 1 học sinh (4 lần sổ chất lượng, 4 lần sổ liên lạc, 2 lần vào học bạ), chưa kể các môn chuyên. Ngồi chép mà cứ nghĩ lại thời đi học, bị làm sai cái gì phải chép phạt ấy”.
Để đối phó với sổ sách, nhiều giáo viên đã phải cầu cứu đến những tài liệu các câu nhận xét mẫu. Tài liệu “Cách ghi nhận xét trong học bạ cho học sinh lớp 4 theo Thông tư 30” của tác giả Lê Thang Giang ở Phúc Thọ - Hà Nội đã được thầy cô chia sẻ chóng mặt.
Tài liệu này đưa ra các mẫu câu nhận xét trong học bạ của từng môn tương ứng với từng mức điểm. Nhiều giáo viên cho rằng việc tham khảo mẫu câu nhận xét cũng giống như học sinh ... chép văn mẫu, có vẻ rất “chống đối” nhưng đó lại được coi là những “phao cứu sinh” giúp thầy cô khỏi bị chết chìm trong đống sổ sách cuối năm.
Theo Danviet