'Đề án tinh giản biên chế lần này có mục đích cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...'
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã nhấn mạnh điều này khi nói về việc làm thế nào để Đề án mới đây về tinh giản biên chế thực sự đạt kết quả như mong muốn trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 22/3.
Theo đó ông cho rằng, tinh giản biên chế sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và cải cách chính sách tiền lương.
Việt Nam có 11 triệu người ăn lương Nhà nước |
"Trong thực hiện, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện. Thứ ba là kì này giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Không riêng gì các cơ quan trung ương mà cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường, thị trấn cũng nằm trong phạm vi áp dụng đề án này.
"Khi tiến hành triển khai đề án, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó tổ chức thực hiện và trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu rất quan trọng trong việc quyết định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định.
Để đạt được mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ có 6 giải pháp để thực hiện.
Thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện.
Giải pháp thứ hai là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giải pháp thứ ba là tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Giải pháp thứ tư là xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý.
Giải pháp thứ năm là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.
Giải pháp thứ sáu là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tinh giản biên chế là một chủ trương lớn của Nhà nước, đã được thực hiện liên tục, thường xuyên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế là sau nhiều năm thực hiện, việc tinh giản số lượng biên chế không giảm mà còn tăng thêm, có nghĩa là chính sách tinh giản biên chế chưa thật sự giảm được những người cần giảm.
Hiện nay cả nước có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương. Trong khi đó dư luận đặc biệt lo ngại về tình trạng bộ máy hành chính Nhà nước thì ngày một “phình” to, tỷ lệ nghịch với hiệu quả hoạt động.
Chính vì thế Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành bộ tiêu chí đánh giá công chức, tuy nhiên, đến thời điểm này hầu như các địa phương đều chưa xây dựng được và đều kêu khó.
Tuy nhiên trong nhiều phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính
Phương Nguyên/Baodatviet