Chủ Nhật

Việt Nam hay nói “chạy thi với thế giới”, nhưng lại toàn “nhìn xuống chân mình”

 “Việt Nam hay nói là chạy thi với thế giới, nhưng toàn nhìn xuống chân, bây giờ phải nhìn xa chứ đừng nhìn xuống chân sẽ bị vấp ngã. Vì vậy, Quảng Ninh cần có cách tiếp cận dài hạn”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói.

Tại hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng Ninh sáng 7/5, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có những lý giải vì sao đầu tư FDI vào nông nghiệp gặp khó.

Tọa đàm tại hội nghị Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp Quảng Ninh sáng 7/5
Theo ông Mại, khi còn nhận cấp phép đầu tư, các ông đã tổng kết và thấy rằng đầu tư vào nông nghiệp không thành công như công nghiệp, thậm chí thất bại vì Việt Nam không nghiên cứu được sự khác nhau giữa đầu tư nông nghiệp và công nghiệp.

 “Tôi đi sang Đài Loan thấy họ đầu tư nông nghiệp rất bài bản, nông dân hầu như không phải làm gì nhiều trên mảnh đất của mình. Đầu tư vào nông nghiệp của Đài Loan rất có hiệu quả. Họ gắn với thị trường thế giới bởi vì các nhà hoạt định chính sách ở đó đề cao việc gắn với thị trường cao cấp”, ông Mại nhấn mạnh.

Phương thức đầu tư vào nông nghiệp khác với đầu tư vào công nghiệp. Nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp do không nắm được lợi ích của nhà đầu tư và nông dân đã bị thất bại.
Ví dụ, có thể một doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ tốt, nhưng sau người dân lại bán sản phẩm cho thương lái với giá cao hơn, không quan tâm tới hợp đồng.

“Quan điểm đầu tư vào nông nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện hơn”, GS Mại nêu quan điểm.
Theo ông Mại, ngoài lợi thế, quan trọng là chính sách có cách tiếp cận toàn diện. Ví dụ nhà đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh tạo ra sản phẩm, công nghệ việc làm cho nông dân và vị thế cho Quảng Ninh. Tôi cho rằng thời kì đầu không cần quan tâm nhiều đến lợi ích tài chính, đòi hỏi thuế này thuế khác sẽ mất đi tính hấp dẫn.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách nhìn nông nghiệp rất phức tạp, đặc biệt là cách xử lý quan hệ với nông dân. Trước đây, nếu chỉ có Nhà nước đầu tư, thì hiện nay quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân phức tạp hơn nhiều.

“Cách chúng ta tư duy về lợi ích của nông dân phải rất cẩn trọng và cơ bản. Nhà nước phải như thế nào trong việc tạo lập một văn hóa xử lý quan hệ này?" Ông Thiên đặt câu hỏi.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nói, Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan tâm đến nông nghiệp. Chương trình phát triển nông nghiệp của Quảng Ninh được học hỏi từ những nước này và Thái Lan.

Đơn cử như ở Hàn Quốc, cán bộ được cử đi "nằm vùng" với nông dân trong một vài tháng, sau đó quay trở về xây dựng chính sách. "Chính sách không gắn với thực tiễn thì không đi vào cuộc sống", ông Hậu nói.

Khi đề ra một chính sách, lãnh đạo tỉnh luôn đặt ra câu hỏi: "Chính sách này này có tiêu hóa được không? Không ứng xử thực tiễn trong nông nghiệp thì không thể phát triển được”.
Nghị quyết 210 của Chính phủ về hỗ trợ nông nghiệp rất khó triển khai, nên tỉnh Quảng Ninh đã có những điều chỉnh và linh hoạt.

Nghị quyết 210 của Chính phủ thực ra rất khó vào, vì vậy Quảng Ninh cần điều chỉnh điều này. Đầu tư nông nghiệp khác hoàn toàn. Lợi nhuận rất chậm, bỏ ra tiền tỷ, thu lại rất lâu.

“Bây giờ chúng tôi kêu gọi dự án về nông nghiệp thì rất khó khăn, đây là vấn đề thực tiễn, nếu không giải quyết được thì không thể phát triển được”, ông Hậu trình bày.
Tiếp đó, ông Thiên lưu ý, có hai điểm của GS. Nguyễn Mại nhắc đến là khoa học công nghệ và tầm nhìn – lợi ích giữa ngắn hạn và dài hạn.

“Việt Nam hay nói là chạy thi với thế giới, nhưng toàn nhìn xuống chân, bây giờ phải nhìn xa chứ đừng nhìn xuống chân sẽ bị vấp ngã. Vì vậy, Quảng Ninh cần có cách tiếp cận dài hạn”, ông Thiên nhấn mạnh.

MẠNH NGUYỄN/Bizlive