Thứ Sáu

“Vỡ trận nhân sự” Eximbank

Đòi bầu thêm thành viên HĐQT có hợp lệ?

Với tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự chỉ đạt 50,19%, không đủ tỷ lệ 65% theo quy định do vắng mặt của 02 nhóm cổ đông lớn đã làm nên một ĐHĐCĐ bất thành.

Tại sao 02 nhóm cổ đông lớn này lại không tham dự? 

Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất trong nội dung chương trình nghị sự ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 bất thành vừa qua có đến 2 tờ trình về số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 là: 09 hoặc 11 thành viên.

Tuyên bố hủy ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank - Ảnh: BizLIVE.
Trước đó, theo Eximbank, HĐQT đã nhận được thư của bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và thư đề nghị của ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần biểu quyết tại Eximbank.

Được biết, bà Nguyễn Thị Xuân Loan nguyên là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

Ông Phạm Hữu Phương nguyên là Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM.

Khi báo chí hỏi vì sao 2 nhóm cổ đông lớn trên đòi bầu bổ sung thêm 02 thành viên HĐQT? Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT đã trả lời: “Tôi không biết, nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng và đưa vào chương trình nghị sự”.

Đã có nghi ngờ chính sự mâu thuẫn về nhân sự trong Eximbank khi có đến 2 tờ trình về số lượng thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015 – 2020) là nguyên nhân khiến 02 nhóm cổ đông lớn đó không tham dự?

Vì theo quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014, nội dung của một số tờ trình được thông qua khi đủ tỷ lệ 51% số cổ phần tham dự chấp thuận, trong đó có tờ trình về số lượng thành viên HĐQT.

Trong khi đó, thông tin về các nhóm cổ đông của Eximbank cho thấy nhóm cổ đông của bà Ngô Thu Thúy, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Âu Lạc, cố vấn cấp cao của Eximbank và nhóm liên quan chiếm khoảng 50% tỷ lệ phiếu bầu.

Nếu 2 nhóm cổ đông lớn mà đại diện là bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Phạm Hữu Phương không được sự đồng thuận của nhóm bà Ngô Thu Thúy thì tỷ lệ phiếu bầu đạt 51% cho tờ trình 11 thành viên HĐQT sẽ khó xảy ra.

Bên cạnh đó, việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT theo phương thức bầu dồn phiếu, số người trúng cử sẽ lấy theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số thành viên HĐQT cũng khiến cho nhóm 02 cổ đông trên bất lợi. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến 02 nhóm cổ đông lớn này bỏ tham dự ĐHĐCĐ vừa qua.

Mặc dù, theo Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần có quyền biểu quyết trong vòng 6 tháng có quyền đề cử thành viên tham gia HĐQT.

Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Eximbank, số lượng thành viên HĐQT từ 05 – 11 thành viên.

Hiện HĐQT của Eximbank có 09 thành viên. Như vậy, 2 nhóm cổ đông lớn của Eximbank hoàn toàn có quyền đề cử người vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Thế trận dường như không thuận lợi nên 02 nhóm cổ đông lớn trên phải “hoãn binh”. Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ là 50 – 50, sự giành giật số phiếu bầu đang gay cấn khi còn nhiều “ẩn số” về cổ đông của Eximbank.

Cơ cấu cổ đông tổ chức theo báo cáo thường niên Eximbank năm 2015 là 65,41%, riêng 02 cổ đông lớn là Vietcombank và Sumitomo Mitsui Banking Corporation là 23,19%. Có vẻ như còn nhiều dư địa cho các nhóm cổ đông "chiếm lĩnh thị phần".

“Một năm sóng gió” nhân sự cấp cao

Nhân sự cấp cao Eximbank đã bị xáo trộn từ cuối năm 2015 khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện Eximbank vào đầu năm 2015. Đến nay, các vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát đều được thay mới.

Vị trí nhân sự ở HĐQT và Ban kiểm soát thay đổi nhiều nhất, đến một nửa bị thay so với cơ cấu nhân sự tại thời điểm ngày 31/12/2014.

Số lượng nhân sự HĐQT và Ban điều hành cũng giảm nhiều nhất. Có thời điểm nhân sự của HĐQT lên đến 12 thành viên trong nhiệm kỳ 2010 – 2015. Ban điều hành cũng lên tới 16 thành viên (không kể Kế toán trưởng).

Hiện HĐQT của Eximbank có 9 thành viên, trong đó ông Cao Xuân Ninh đã từ nhiệm nhưng chưa được ĐHĐCĐ thông qua. Chủ tịch mới là ông Lê Minh Quốc, một thành viên bất ngờ cho vị trí này tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 khi ông Lê Hùng Dũng không ứng cử HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Trưởng Ban kiểm soát là ông Trần Lê Quyết, đại diện vốn góp của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và có đến 3/5 vị trí đến từ các nhóm cổ đông mới.

Vị trí Tổng giám đốc của Eximbank hiện là ông Lê Văn Quyết, một nhân sự của Vietcombank Biên Hòa, thay cho ông Trần Tấn Lộc, Quyền Tổng giám đốc. Trước đó, ông Lộc đảm nhiệm vị trí này thay cho ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm và không ứng cử nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Hiện Ban điều hành còn lại 14 thành viên sau khi ông Cao Xuân Lãnh, ông Nguyễn Thúc Vinh và ông Mitsuaki Shiogo thôi làm Phó tổng giám đốc.

Trả lời câu hỏi của báo chí trong buổi ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 bất thành về việc có phải Eximbank đang khủng hoảng nhân sự?

Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên của HĐQT Eximbank cho biết: “Chúng tôi coi đây là việc cần sàng lọc, chọn lựa để tìm kiếm người tài đóng góp cho Eximbank ở các cấp, tạo điều kiện cho họ đóng góp đúng sở trường. Từ nay trở đi, các quy trình tại Eximbank sẽ được minh bạch, rõ ràng. Chúng tôi muốn chấn chỉnh quản trị rủi ro”.

LAN ANH/Bizlive