Một số địa phương huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán...
Sáng 25/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kết quả triển khai giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: “Ta cứ nói là cả nước xây dựng nông thôn mới, vậy trách nhiệm của công dân ở các vùng khá hơn thì thế nào?”. |
Tại đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu - trưởng đoàn giám sát - rất lo ngại trước con số nợ đọng xây dựng cơ bản của 35/41 tỉnh, thành theo báo cáo của Chính phủ lên tới khoảng 8.600 tỷ đồng.
Con số này được ông Giàu nhấn mạnh là quá lớn.
“Ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước”, ông Giàu nói.
Cùng nỗi lo về nợ đọng, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi, liệu việc này có dẫn đến hội chứng như ở Thái Bình năm 1997 (dân tụ tập khiếu kiện đông người, đập phá nhà cán bộ… - PV) không?
Theo ông, bài học ở Thái Bình năm đó chính là từ nguyên nhân dư nợ của xã cao.
“Nguồn thu của xã chỉ trông vào đất thôi, mà đất thì cũng không phải vô hạn, nếu do dư nợ này mà ông xã tính quy hoạch cái này cái kia để bán, thì được cái này mất cái khác”, ông Phúc phân tích.
“Tôi rất lo, rất cần mổ xẻ cái này”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
“Nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là nợ công, nếu để quá đà thì có thể phát sinh những vấn đề xã hội không tốt”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải góp ý.
Ông Hải cho rằng cần quan tâm hơn tới ngân sách cấp xã, và nên học tập kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
Cũng đề cập vấn đề huy động nguồn lực, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phản ánh với Chủ tịch Quốc hội rằng, khi đi tiếp xúc, cử tri chất vấn một vấn đề rất khó trả lời.
“Họ nói đời sống nông dân đã rất khó khăn mà vẫn phải đóng góp để xây dựng nông thôn mới, còn ở thành thị dân đã sướng như thế rồi, mà Nhà nước làm hạ tầng như đường, điện, nước đến tận nhà, thì công bằng ở đâu?”, Phó thủ tướng nói.
“Mặt khác, ta cứ nói là cả nước xây dựng nông thôn mới, vậy trách nhiệm của công dân ở các vùng khá hơn thì thế nào? Họ hỏi thế cũng có lý, và đây là câu hỏi khó trả lời”, ông Huệ nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến của Phó thủ tướng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng phải đảm bảo công bằng, người đô thị cũng phải đóng góp chung để xây dựng nông thôn mới, đó là vấn đề rất quan trọng.
“Ý kiến Phó thủ tướng có nhiều điều cần quan tâm làm rõ hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Chủ tịch lưu ý cần phân tích kết quả đạt được gần 20% lại rơi vào những xã điểm, ven đô, có điều kiện kinh tế xã hội khá hơn. Vì thế mục tiêu đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó.
Liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, cập nhật con số mới là 10.200 tỷ đồng, Chủ tịch cho rằng nếu tính chung thì tỷ lệ này không cao nhưng nếu tỉnh tỷ lệ nợ trên tổng mức đầu tư của 11 tỉnh phía Bắc - nơi có số nợ cao - thì chắc sẽ rất cao.
Và, đây là điều cần được làm rõ tại báo cáo.
Bà Kim Ngân cũng đề nghị báo cáo giám sát phải nêu giải pháp sắp tới làm gì để duy trì và phát triển chuẩn nông thôn mới ở những xã đã đạt, bởi nếu không thì lại sớm quay về nông thôn cũ.
Từ góc nhìn khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, giám sát tối cao cần chỉ ra địa chỉ làm tốt cũng như làm chưa tốt, và trách nhiệm thuộc về ai.
“Nếu cứ nói có nơi có lúc có địa phương có bộ có ngành… thì chả có ai “sợ” giám sát tối cao của Quốc hội cả”, bà Nga nhận xét.
5 năm, hơn 850 nghìn tỷ
Về nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo báo cáo, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng chiếm 51%, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng chiếm 4,9%, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng chiếm 12,62%.
Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp là 98.664 tỷ đồng chiếm 11,59%, trong đó, ngân sách Trung ương là 16.400 tỷ đồng (vốn sự nghiệp kinh tế là 3.480 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 2.420 tỷ đồng, Trái phiếu Chính phủ 10.500 tỷ đồng), ngân sách địa phương là 82.264 tỷ đồng.
Quốc hội đã ban hành nghị quyết phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2014-2016.
Đến 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 3/2016, cả nước đã có có 1.761 xã (19,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; 1.223 xã (13,7%) đạt từ 15-18 tiêu chí; 3.155 xã (37,5%) đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.123 xã (25,4%) đạt từ 05-09 tiêu chí và 326 xã (chiếm 3,9%) dưới 5 tiêu chí.
Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 182 xã. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010.
Đã có 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Vneconomy