Thứ Hai

Xin giấy phép, “doanh nghiệp thà bôi trơn 2 tỷ thay vì đợi 3-4 tháng”

Tại cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng doanh nghiệp diễn ra vào ngày 29/4 vừa qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc nhất là rủi ro về chi phí thủ tục hành chính.

Xin giấy phép, “doanh nghiệp thà bôi trơn 2 tỷ thay vì đợi 3-4 tháng”
Ông Lộc đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Riêng các rủi ro và chi phí về hành chính như giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp… đang ở mức cao so với các nước láng giềng.

Phản hồi về những kiến nghị được đưa ra liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết sẽ tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh thuận lợi, rà soát và công bố công khai những điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện này và kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp, nghiêm cấm ban hành những luật, Nghị định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời khẳng định, việc thanh tra phải hướng đến mục tiêu hướng dẫn doanh nghiệp chứ không phải mang tính chất điều tra, quy kết; phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội, chứ không nhằm vào tìm sai phạm. Không thanh tra chồng chéo, không kiểm tra khi không có lý do chính đáng. Thanh tra, kiểm toán thuế cần chống tiêu cực và tham nhũng.

Trao đổi với BizLIVE, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE cho biết, những điều tra về chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phản ánh chắc chắn chưa phản ánh hết thực tế vì trong điều tra các doanh nghiệp ngại không nói thẳng.

Chủ tịch VAFIE dẫn chứng về trường hợp Chủ tịch doanh nghiệp xây dựng có nói thẳng, để có thủ tục đầu tư nhà ở cần 50 con dấu, có 50 con dấu mất ít nhất 3-4 tháng, do đó doanh nghiệp đã chọn phương án chi 500 triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng để 3-5 ngày có được con dấu.

“Người ta sẵn sàng mất bằng đấy tiền vì nếu 3-4 tháng riêng tiền lãi còn quá chi phí bôi trơn như vậy. Nên vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào minh bạch, công khai, sự giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý nhà nước làm đúng thủ tục, không thể hô hào chung chung mà muốn như vậy đặt trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan đó, nếu không đảm bảo phải chịu trách nhiệm”, ông Mại nhấn mạnh.

Ông Mại cũng dẫn chứng khi Indonesia xếp hạng 114 trong các nước trên thế giới, Tổng thống Indonesia coi đây là nỗi xấu hổ của quốc gia và đặt mục tiêu 1 năm phải đưa thứ hạng lên 40, chỉ thị thực hiện chiến dịch cấp giấy phép đầu tư trong 3 tiếng đồng hồ và bây giờ đang làm. Theo đó, đầu tư của Mỹ, Nhật vào Indonesia nhiều hơn nhiều vào Việt Nam.

“Nếu không thấy cải cách hành chính không làm được là xấu hổ của quốc gia, không mạnh dạn cải cách là nguy hiểm cho đất nước trước mắt và lâu dài”, ông Mại cho hay.

Cũng tại cuộc tiếp xúc trực tiếp, các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội cũng kiến nghị chính sách cần nhất quán, không thay đổi, về vấn đề này, ông Mại đồng ý và cho rằng, đầu tư bao giờ cũng dài hạn.

“Một nhà đầu tư được cấp giấy phép vào năm nay, 2 năm nữa mới đi vào thực hiện trong 2 năm đã dựa vào chính sách hiện nay đặc biệt chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt… và nếu 2 năm đó thay đổi rõ ràng làm sao người ta tính được khi đưa vào vận hành”, ông Mại đặt vấn đề.

Cụ thể, hiện nay các nhà sản xuất ô tô đang quan tâm giảm thuế nhập khẩu ô tô về bằng 0%, nhà nước có dùng thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, không biết đầu tư thêm hay cắt giảm tiếp?

“Ổn định chính sách là yêu cầu dài hạn, ít ra Luật phải ổn định 5-7 năm, tất nhiên có trường hợp thay đổi nhưng thay đổi có lợi cho doanh nghiệp nên còn hại cho doanh nghiệp không nên”, Chủ tịch VAFIE kiến nghị.

Ông cũng dẫn ra một số liệu đáng quan ngại, một doanh nghiệp vận  tải trước đây đóng 30 triệu/năm phí cầu đường nhưng giờ là 180 triệu. “Ai mà chịu được?”, Chủ tịch VAFIE đặt câu hỏi.

NGUYỄN THẢO