Với quy trình hiện hành, con kiến mà không biết cách thì cứ loay hoay, nhưng những ông ba mươi, ông voi có chống lưng lại dễ dàng chui qua.
TS Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) nhận xét như vậy khi trao đổi với Đất Việt về quy trình bổ nhiệm 'con ông cháu cha'.
PV: - Thưa ông, quy trình bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo Sabeco của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang gây nhiều tranh cãi.
Bổ nhiệm ''con ông cháu cha'': Kích thích sinh trưởng đột biến? |
Tuy nhiên, cả cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và con trai Vũ Quang Hải đều khẳng định "Sabeco xin người, việc bổ nhiệm là đúng quy trình" và chứng minh điều này. Ông bình luận ra sao trước những thông tin này? Có thể hiểu băn khoăn của dư luận rằng có sự ưu ái trong việc bố trí nhân sự trong trường hợp này như thế nào?
TS Lê Hồng Sơn: - Không chỉ đến bây giờ mới có chuyện dư luận xôn xao về "con ông cháu cha". Đây là chuyện vừa mới vừa cũ. Tuy nhiên ở thời nào, vấn đề này cũng có tính thời sự và đặc biệt nó gây ra ý kiến trái chiều, đồng thuận hay không đồng thuận. Tôi đã có bài viết ở báo này về câu chuyện "con ông cháu cha" và giải pháp nào để khắc phục, hạn chế hiện tượng này.
Tôi nói ý vừa mới, vừa cũ. Mới, bởi vì gần đây, rộ lên một loạt chuyện bổ nhiệm một số người thuộc diện “ con ông cháu cha” ở nơi này, nơi kia. Cũ, vì đây là câu chuyện của ngàn đời nay rồi. Đến mức người ta đã tổng kết thành câu "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa" có ý mỉa mai.
Từ câu chuyện này làm tôi nghĩ đến một vấn đề khác có liên quan, đó là, tại sao từ xa xưa các cụ đã đưa ra quy định "cáo tỵ" và "hồi tỵ" hàm ý, là những quan tòa, những người cầm cân nảy mực khi họ có liên quan tới công việc đang xử lý, đến đương sự của vụ án thì buộc phải rút lui, không cho tham gia xử lý vụ án, công việc đó? Hoặc ngay từ thời kỳ phong kiến cũng đã có quy định không cho phép làm quan, đảm nhiệm chức vụ, quản lý ở ngay quê hương, bản quán. hoặc cấm, hạn chế việc sử dụng người thân, hành xử kiểu “dĩ công vi tư”?
Vậy đấy, từ xa xưa người ta đã biết, đã nói và quan trọng hơn là đã có giải pháp để ngăn ngừa hiện tượng trục lợi cá nhân, trong đó có giải pháp ngăn chặn, hạn chế việc đưa con cháu, người thân quen vào vị trí dưới quyền hoặc ngăn ngừa hiện tượng xử lý công việc liên quan tới gia đình, người thân. Hiện nay, nhà nước ta cũng đã có những quy định nhằm hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực này, nhưng tôi thấy nó chưa đủ độ cần thiết. Người cơ hội, thực dụng vẫn có thể lách qua một cách dễ dàng. Những vụ việc xảy ra gây xôn xao dư luận vừa qua có thể được chia làm hai dạng cơ bản.
Dạng thứ nhất, chính bản thân những người có quyền cao, chức trọng trực tiếp dùng quyền lực của mình tham gia vào quy trình lựa chọn và quyết định bổ nhiệm con, em, vợ hoặc chồng. Ở dạng này, người ta rất dễ nhận biết, dễ "đọc vị". Điều kiện hiện nay, dù vẫn có ở nơi này, nơi khác, nhưng thường người ta ít khi dùng cách này để đưa con, cháu vào vị trí thơm ngon, có quyền thế, vì họ biết cơ quan có thẩm quyền và công luận sẽ dễ dàng nhận ra, ngăn cản họ thực hiện.
Dạng thứ hai, là những người quyền cao, chức trọng hành xử dưới dạng "bất tác vi", im lặng, không trực tiếp tham gia vào quy trình lựa chọn, bổ nhiệm. Còn việc xử lý, quyết định lại do các “đàn em, đệ tử”, tay chân thân tín thực hiện. Mà ai cũng biết, tuy người có quyền cao chức trọng tuy không xuất đầu lộ diện, nhưng dấu hiệu mang tính đặc định "con ông cháu cha" lại là tín hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để cho người ta quyết định việc bổ nhiệm một cá nhân vào một chức vụ lãnh đạo cụ thể.
Theo Dất Việt