Thua lỗ, nợ thuế dai dẳng nhưng Tập đoàn Besra Gold (Canada) hiện đang là chủ sở hữu lớn nhất của 2 công ty khai thác vàng tại Quảng Nam gồm Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn vẫn đang tiếp tục xin gia hạn giấy phép khai thác.
Tính đến hôm qua 12.6, khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra VN) đã lên đến 410 tỉ đồng, theo số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam. Trong đó, Công ty TNHH vàng Phước Sơn (đóng ở H.Phước Sơn, Quảng Nam) nợ 314 tỉ đồng, còn lại là của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (H.Phú Ninh, Quảng Nam). Cả 2 doanh nghiệp (DN) vàng đang “sa lầy” nghiêm trọng về nợ thuế, càng ngày nợ càng gia tăng khi phải gánh thêm khoản phạt chậm nộp 0,05%/ngày.
Công nhân của Besra khai thác quặng trong mỏ vàng tại H.Phước Sơn, Quảng Nam |
2 lần bị áp dụng cưỡng chế
Sau 2 lần bị Cục Thuế Quảng Nam áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (lần đầu tiên vào năm 2014, lần mới nhất hồi tháng 3.2016), Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu lâm vào hoàn cảnh khá bi đát. Ngay cả đề xuất xin áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với vàng thỏi doré bán trong nước của vàng Bồng Miêu cũng bị Tổng cục Thuế bác bỏ trong một văn bản phản hồi hôm 3.2.2016, vì cho rằng kiến nghị này trái với quy định của luật Thuế GTGT (thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu).
Đề xuất mới nhất của vàng Bồng Miêu là xin xuất hóa đơn riêng lẻ cho mỗi lần bán sản phẩm (vàng), nhưng Cục Thuế Quảng Nam từ chối vì “thấy không ổn”, theo lời ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó cục Thuế tỉnh. Đối với Công ty Phước Sơn, những thông tin thu thập về tài sản của DN này (theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam) cũng không khá hơn. Do toàn bộ tài sản của DN đã thế chấp tại các ngân hàng, còn tiền và tài sản bên thứ ba đang nắm giữ quá ít nên phương án cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên sẽ rất phức tạp, khó có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, không phải đợi đến khi có báo cáo thua lỗ 2 công ty này mới nợ thuế. Ngay từ những năm 2010 khi công ty vẫn thu lãi hàng triệu USD mỗi năm thì cũng chây ì các khoản thuế. Theo ước tính, đến giữa năm 2014, Công ty vàng Bồng Miêu đã bị lỗ lũy kế đến 30,1 triệu USD (tương đương khoảng 673 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ chỉ có 3 triệu USD. Tương tự, Công ty vàng Phước Sơn cũng có mức lỗ lũy kế gần 16 triệu USD (tương đương gần 360 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ là 5 triệu USD. Như vậy tổng lỗ lũy kế tính đến giữa năm 2014 của 2 công ty này đã lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Sự xuống dốc của 2 công ty vàng đã kéo theo một số công ty góp vốn. Theo báo cáo tài chính năm 2015, Công ty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam (MIC) nắm giữ 10% vốn Công ty vàng Bồng Miêu với giá gốc là 1,568 tỉ đồng, nắm 15% của Công ty vàng Phước Sơn với giá gốc 15,397 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, MIC chưa nhận được báo cáo tài chính của 2 công ty này nên đã thực hiện trích lập dự phòng tài chính vào 2 công ty này với số tiền hơn 15,4 tỉ đồng, chấp nhận mất hết vốn đầu tư.
Cân nhắc gia hạn đầu tư
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải có giải trình trách nhiệm khi VN vừa bị mất tài nguyên, vừa không thu được thuế. Nếu giải thích vì lý do giá vàng thế giới giảm khiến công ty bị thua lỗ nên xin khất nợ thuế là không thể chấp nhận. Bởi giá vàng biến động lên xuống là rủi ro trong hoạt động kinh doanh và công ty nào cũng phải gánh chịu. Ví dụ các công ty khai thác dầu khi giá dầu giảm mạnh sẽ có những giải pháp hạn chế thua lỗ như giảm bớt nhân viên, tạm ngưng sản xuất chứ không phải là xin được miễn giảm thuế. “Vấn đề cần làm rõ là sản lượng khai thác, nguồn thu bao nhiêu và đã nộp ngân sách nhà nước bao nhiêu. Trách nhiệm của đơn vị quản lý giám sát như thế nào? Đây cũng là bài học để VN càng sớm thực hiện công khai việc quản lý, khai thác khoáng sản của đất nước để tránh thất thoát tài nguyên”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đặt vấn đề câu chuyện thua lỗ nặng của 2 công ty khai thác vàng này cũng là một dấu hỏi lớn. Bởi khai thác vàng có lợi nhuận cao nên mới hấp dẫn hàng trăm phu vàng chấp nhận nguy hiểm lặn lội vào rừng sâu hiểm độc. Trong khi đó, với lợi thế địa hình thuận tiện hơn, được cấp phép khai thác và công nghệ hiện đại... thì 2 công ty này lại bị thua lỗ. Quan trọng nhất là các thông tin xoay quanh việc khai thác, sản lượng vẫn còn mù mờ.
“Giả sử công ty bị thua lỗ, bị nợ thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập DN thì còn hiểu. Nhưng nếu nợ cả thuế tài nguyên thì không chấp nhận được. Bởi theo quy định, nếu công ty có hoạt động khai thác thì phải nộp thuế tài nguyên ngay lập tức. Hơn nữa, theo nguyên tắc thông thường, nếu giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất thì công ty sẽ chủ động xin tạm ngưng sản xuất và khi đó sẽ không bị bắt nộp thuế tài nguyên. Như vậy nếu tiếp tục gia hạn khai thác mỏ thì có đảm bảo nguồn thu trong tương lai để trả hết nợ thuế hay không? Vì vậy nếu không thể bắt trả hết nợ để được gia hạn hoạt động thì nên đưa ra đấu giá quyền khai thác 2 mỏ vàng này để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng nhận xét bản chất khi cấp phép đầu tư cho một DN nước ngoài vào hoạt động tại VN thì phải đánh giá được những lợi ích gì mang lại cho đất nước. Ví dụ như tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân; góp phần tăng thu cho ngân sách quốc gia hay đầu tư cải thiện được hạ tầng trong khu vực. Vì vậy cần phải cân nhắc và xem xét lại VN đã có lợi ích gì khi cấp phép hoạt động cho Tập đoàn Besra Gold thông qua hai liên doanh khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đề nghị làm rõ việc 2 công ty vàng được 2 công ty ở “thiên đường thuế” đầu tư vào trước khi gia hạn lại giấy phép đầu tư. Trong trường hợp Công ty Bồng Miêu không được gia hạn giấy phép đầu tư sẽ phải giải thể, công ty bán tài sản trả nợ theo trình tự. Ông Xoa nhấn mạnh: “Một nghịch lý là “đại gia” nước ngoài khai thác tài nguyên khoáng sản nợ nần thuế đầm đìa, vàng “tặc” khai thác chỗ nọ chỗ kia nhưng vì sao DN Việt chưa tham gia mặn mà vào lĩnh vực này. Cần xem lại chính sách cho DN trong nước vì sao vẫn chưa thu hút được?”.
Dấu vết từ “thiên đường thuế”
Đến nay, Công ty Besra vẫn đang là DN nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại VN. Công ty vàng Phước Sơn là công ty liên doanh giữa đối tác trong nước là Công ty cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam và Công ty New Vietnam Mining (được thành lập tại quần đảo Virgin thuộc Anh), một công ty con gián tiếp thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Besra Gold. Trong khi đó, Công ty vàng Bồng Miêu là công ty liên doanh giữa 2 công ty trong nước và Bong Mieu Holdings Limited, một công ty được thành lập ở Thái Lan và là công ty con của Tập đoàn Besra Inc.
M.Phương - T.Xuân - H.X.Huỳnh/ Thanh Niên