Sinh mệnh chính trị của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường có lẽ đã kết thúc ngay trong chiều nay, khi mà các cơ quan ban ngành đã có đủ bằng chứng khoa học để xác định, “Formosa xả thải gây cá chết và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD”. Trước đó, trong cuộc họp báo vào tối 27-4, ông Võ Tuấn Nhân lạnh lùng thông báo, “ Thủy triều đỏ và độc tố hóa học là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt, chưa phát hiện sự liên quan của Formosa”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Anh chuyển công tác lâu rồi, BRT đéo gì”.
Câu chửi thề này được ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội), dành tặng cho phóng viên Báo Tiền Phong khi nhà báo này muốn đặt vấn đề về trách nhiệm của ông Tú trong quá trình vận hành dự án buýt nhanh nghìn tỷ đang có nguy cơ vỡ trận.
Một câu chửi thề tóm tắt đầy đủ bản chất của “tư duy nhiệm kỳ”, thứ mà chúng ta đã rất lo ngại sẽ phá vỡ toàn bộ sự phát triển của xã hội trong nhiều năm qua.
Trong câu chuyện là Lê Thị Công – Nguyên Giám đốc Sờ Tài nguyên – Môi trường Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tố cáo bốn sai phạm lớn tại tỉnh này, thông tin mà tôi nắm được một trong các tố cáo này là có cơ sở. Tuy nhiên, trách nhiệm lại thuộc về những lãnh đạo tiền nhiệm của Tỉnh. Và hiện tại, những người kế nhiệm đang rất lay hoay vì không biết phải giải quyết sao.
Đó là chuyện cấp tỉnh, ở cấp Bộ, dư luận đã mãn nhãn với câu chuyện của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Tháng 4-2016, Quốc hội miễn nhiệm ông Vũ Huy Hoàng. Đến tháng 6-2016, hàng loạt chuyện lạ ở Bộ Công thương xuất hiện tràn trên khắp các mặt báo.
Bộ Giao thông Vận tải, 5 năm dưới thời của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tạo ra sản phẩm là con ngựa bất kham có tên BOT. Con ngựa chứng này đã nhai luôn dây cương để đẩy người kế nhiệm của ông Đinh La Thăng vào thế đã rồi. BOT bao vây bốn phía, BOT khiếm khuyết thiếu minh bạch khắp nơi, báo giới chạm đâu lòi ra sai phạm đó, đến mức ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nguyễn Hồng Trường phải phát cáu, “Đã là người dân thì không thể vào kiểm tra hoạt động của BOT được. Bởi vì anh (người dân) muốn làm gì phải được sự cho phép của pháp luật. Làm sao có chuyện một tổ chức, cá nhân nhảy vào trạm thu phí để kiểm tra”.
Đáp lại ông Trường, GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, lập luận của Thứ trưởng đang mâu thuẫn. Theo ông, tuân theo pháp luật là đúng, nhưng pháp luật không cấm các tổ chức dân sự kiểm soát”. Ông Trường là người từng thoát vụ doanh nghiệp tố cáo ông có “bút phê lạ” liên quan đến tiền bạc.
Cao hơn Bộ, ở Trung ương. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận vị trí Thủ tướng từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng. Gần 10 năm cầm quyền của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông điều hành như thế nào thì hiện thực là câu trả lời rõ nhất, có tính thuyết phục hơn con chữ hay lập luận ngôn từ soái ca.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những bước đi ban đầu hết sức được dư luận động tình, đầu tiên là chỉ đạo vụ dừng khởi tố quán cà phê “Xin chào”, tiếp đến là thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nữa là chỉ đạo quyết liệt điều tra đưa ra thủ phạm khiến cá chết, đóng cửa các khu rừng tự nhiên…
Ở thời điểm này, tôi rất ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi lại càng ủng hộ hơn nếu ông kiên quyết đưa ra ánh sáng công luận cá nhân, tổ chức nào đã bao che, lơ là giám sát để Formosa thoải mái gây ra thảm họa môi trường này. Vì tiền bồi thường là một chuyện, khôi phục môi trường lại là chuyện khác.
Quan trọng hơn, từ lâu lắm rồi người dân mới chỉ thấy một cán bộ cao cấp về hưu phải chịu trách nhiệm khi còn đương chức là Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Còn lại, những cán bộ lãnh đạo đã hạ cánh an toàn vì vẫn đang vô cùng thanh thản để cố gắng xem tivi mong thành người tử tế.
Làm được thêm điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn có thể trấn an được nhân dân trong bối cảnh hết sức khó khăn về nhiều mặt như hiện tại.
Quan trọng hơn, tiến một bước dài tới cơ hội xóa bỏ hoàn toàn tư duy nhiệm kỳ trong tương lai. Đơn giản là điều tiên quyết nhất, bắt buộc phải quy trách nhiệm, phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ thì mới hy vọng vào một sự phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai.
Theo nhà báo Ngô Nguyệt Hữu