Chủ Nhật

Phiên tòa đám đông và “dân phòng trên mạng”

Dường như có ai đó luôn rình mò, vồ chụp sự sơ suất như thợ săn mồi và biến nó thành “bữa tiệc máu” cho đám đông mất kiểm soát.

Như những người sử dụng mạng xã hội, tôi tham gia những diễn đàn nghề nghiệp hoặc theo sở thích.   Thật sảng khoái làm sao khi chính mình đóng vai quan tòa nhân danh sự tử tế để trừng phạt ai đó.

Phiên tòa đám đông và “dân phòng trên mạng”
 “Đừng tỏ ra nguy hiểm, không ai nắm chặt tay suốt ngày”, đúng luôn, vì ngay trên diễn đàn đó tôi đã từng bị đưa ra bỏ phiếu bình chọn làm “kền kền” vì một bài báo về nghề luật sư. Cho đến lúc đó,  tôi mới biết cảm giác phải chịu sự phán xét một chiều của đám đông là như thế nào!

Cũng may với số click chuột ít hơn nên tôi không thành “kền kền” mà thành chim sẻ hay loại chim nào tương tự, nhỏ bé và đầy sợ hãi trước đám đông trên mạng.

 Tôi cũng muốn nói hình thức poll (thăm dò) mà diễn đàn áp dụng chỉ thích hợp với facebook marketing, facebook trends và quá nguy hiểm khi nó được sử dụng để thăm dò, đánh giá những vấn đề mang tính nhân cách hay chính trị vì nó mang bóng dáng của “phiên tòa đám đông” vốn đã kết thúc khi con người bước vào thời kỳ có nhà nước và pháp luật.

 Nhưng poll không chỉ là những bảng thăm dò chính danh trên các diễn đàn mà còn biến hóa thành những dòng chia sẻ có mặt thường xuyên trên mạng xã hội với hình thức kể ra câu chuyện sai trái sau đó nhân danh sự tử tế lên án cá nhân để cộng đồng hưởng ứng và cùng ném đá.

 “Nhân danh cha và con và thánh thần…”, “Nam mô a di đà Phật….”, khi nhân danh thượng đế, nhân danh sự thật  luôn là để tha thứ chứ không phải lợi dụng căn tính nhạy cảm của công chúng, nhân danh sự tử tế  để làm điều ác là dồn con người ta đến đường cùng.

 Trên thế giới nhiều người đã tìm đến cái chết, không phải vì hành vi trước đó của mình mà vì những “phiên tòa đám đông” trên mạng xã hội.

 Tháng 10.2008, nữ diễn viên nổi tiếng người Hàn Quốc Choi Jin Sil đã bị căng thẳng nặng do những lời đồn đại, những tin nhắn mang tính phỉ báng cô và các con của cô trên mạng. Chịu không nổi áp lực quá lớn từ những kẻ vô danh trên mạng và dư luận, nữ diễn viên nổi tiếng đã tìm đến cái chết.

Tháng 8.2013, bé gái có tên Hannah Smith đã treo cổ tự vẫn vì nhận được những câu hỏi trêu đùa ác ý trên trang ask.fm. Sau đó cha của Hannah Smith đã kêu gọi nên đóng cửa trang ask.fm vĩnh viễn.

Tháng 9.2013, bé gái Rebecca Ann Sedwick (12 tuổi, ở bang Florida, Mỹ) đã nhảy lầu tự tử. Cảnh sát đã kết luận bé gái này chết vì bị tác động bởi những lời bắt nạt trên mạng xã hội. Rebecca Ann Sedwick liên tục bị những người tương tác trên mạng nguyền rủa, đề nghị: “hãy hủy hoại bản thân”, “hãy tự chết đi”, “tại sao mày vẫn còn sống trên đời”…

Tại VN cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân tìm đến cái chết không bởi sự sai lầm trong hành vi của mình, vốn có thể khắc phục được mà bị đám đông nhân danh sự tử tế “ném đá” trên mạng xã hội.

 Tháng 6.2013, P.U.N., nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà N. may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N. bị 1 fanpage viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ trên facebook. Nhiều dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết.

 Cách đây vài năm, N.T.A.T., nữ sinh lớp 9 của một trường THCS ở Đồng Nai đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Cái chết tức tưởi này vì lý do T. phát hiện đoạn video clip ghi lại cảnh ân ái của T. và người yêu bị phát tán và lan truyền trên mạng. T. tự tử vì cảm thấy tủi hổ và không chịu nỗi áp lực từ những bình luận ác ý của dân mạng.

 Tiếng nói của đám đông trên mạng căn bản là để đấu tranh cho cái thiện, chống lại cái ác vì an toàn cá nhân và lợi ích chung như xuất phát ban đầu đang có nguy cơ biến thành các buổi hiến tế bộ lạc của thời hồng hoang.

 TS Đặng Hoàng Giang còn đưa ra khái niệm mới mà tôi nghĩ khá chính xác: “những dân phòng trên mạng”. Dường như  có ai đó luôn rình mò, vồ chụp sự sơ suất như thợ săn mồi và biến nó thành “bữa tiệc máu” cho đám đông mất kiểm soát.

 Không ai có thể nắm chặt tay trọn đời, vì thế đừng tỏ ra nguy hiểm!

 Và xin đừng nhân danh sự tử tế để câu dẫn, tập hợp đám đông ném đá một cá nhân vì một sai lầm nào đó mà họ và bất kỳ ai cũng có thể khắc phục được.

 Dân gian có ngày lễ Xá tội vong nhân, tha tội cho người chết để vong hồn họ được siêu thoát, lẽ nào với người sống chúng ta không thể tha thứ, đó mới là sự tử tế thật, là căn tính lương thiện của con người chứ không phải là sự nhân danh để làm điều ác.

Theo Dân Việt