Không biết rồi đây, sự việc sẽ được xử lý theo hướng nào? Có thể lại phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo mấy vị đã về hưu? Có lẽ điều người dân quan tâm nhất, đó là hãy thu hồi số tiền họ đã ăn tiêu. Không thể dùng tiền thuế của dân cho những “ông vua con” thẳng tay đập phá, nhà hàng, con hát phải không các bạn?
Đừng để người dân phải đứng lên như vụ việc Thái Bình 20 năm trước |
Cũng cùng thời điểm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói một câu rất nổi tiếng “cả một bầy sâu”.
Chỉ với hai câu nói của hai vị đứng đầu nhà nước, đủ thấy “tầm” tham nhũng của Việt Nam ta “hoành tráng” đến mức nào, người ta “ăn” của nước, của dân “tàn bạo” đến độ nào.
Xin kể về một chuyện “ăn“ đúng nghĩa đen của nó mà báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phản ánh.
Theo nhà báo Văn Hùng, bài “Quan xã tiêu hoang, nợ chồng chất lên đến hàng chục tỷ” thì hình như một số lãnh đạo của xã Đồng Thái không làm việc gì ngoài thời gian để…. ăn và họ không chỉ ăn không còn thứ gì mà còn để lại khoản nợ không biết lấy gì mà trả.
Theo số liệu từ bài báo, tính đến tháng 6/2016, dư nợ tín dụng ở hai ngân hàng trên địa bàn xã lên đến gần 34 tỷ đồng. Khi ông Chủ tịch UBND nhiệm kỳ trước bàn giao, số nợ lên đến 38.024.904.610 đồng.
Không chỉ nợ ngân hàng, có dạo, xã nợ lương đến 3 tháng liền. Không chỉ nợ lương mà còn nợ bảo hiểm. Đặc biệt, có nhiều người được tăng lương nhưng không hề hay biết, trong đó có cả Chủ tịch HĐND xã. Sau cuộc bàn giao Chủ tịch xã, đến tháng 9, UBND huyện cho kiểm tra tài chính tại xã Đồng Thái. Lúc này, toàn thể cán bộ, nhân viên mới tá hỏa biết rằng, không những xã nợ lương mà còn “ém” cả bảo hiểm, chính sách nâng lương của họ.
Song, đáng chú ý là những khoản chi ăn uống, lễ hội, du lịch, đình đám… bị chủ nhà hàng đến làm rùm beng trụ sở. Có 3 nhà hàng mà lãnh đạo xã hay tổ chức ăn uống là Tư Lùn, Phượng Ớt và Nga Nguyên. Không chỉ ủy ban nợ mà các ban, ngành, đoàn thể cũng nợ. Dù ai nợ thì cũng nhìn vào túi ngân sách xã mà thôi… Sau mỗi sự kiện hay ăn uống xong là lại kéo nhau đi hát…
Trong khi đó, Đồng Thái với 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%).
Đọc những dòng này, không khỏi nhớ lại sự kiện Thái Bình cách đây 20 năm (1996). Khi đó, tại một số địa phương trong tỉnh, đã hình thành một lớp cường hào mới. Motyp của cán bộ xã thời đó là chiều chiều, từng đoàn xe máy lũ lượt kéo nhau lên thị xã hoặc các trung tâm lớn để ăn tiêu, đập phá.
Cách để “nhận diện” họ khá dễ bởi mùa đông thì áo lông, quần ka ki, đầu đội “nồi cơm điện”, đi dép lê loẹt quẹt. Mùa hè, trang phục thay đổi đôi chút, áo lông được thay bằng áo bay.
Họ ăn uống xô bồ, bặm trợn và nói năng thường là rất thô lỗ…
Tất nhiên, tiền thì ở đâu ra ngoài tham ô, tham nhũng và hậu quả những việc làm của họ là hàng vạn nông dân đứng lên biểu tình để rồi hàng ngàn cán bộ đảng viên bị xử lý kỉ luật, trong đó không ít người dính tù đày. Một bài học đau xót vẫn còn nguyên giá trị.
Trở lại với sự việc ở Đồng Thái, khó có thể nói khác, những “ông vua con” ở đây không chỉ “ăn không từ một thứ gì” và cũng không chỉ “ăn không còn một thứ gì” mà còn để nợ cho tương lai.
Không biết rồi đây, sự việc sẽ được xử lý theo hướng nào? Có thể lại phê bình, khiển trách hoặc cảnh cáo mấy vị đã về hưu? Có lẽ điều người dân quan tâm nhất, đó là hãy thu hồi số tiền họ đã ăn tiêu. Không thể dùng tiền thuế của dân cho những “ông vua con” thẳng tay đập phá, nhà hàng, con hát phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám/ Dân Trí