Thứ Tư

Chiến dịch Gió lốc: Cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Sài Gòn

Câu chuyện về cuộc tháo chạy của Mỹ và những người Việt liên quan khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn 41 năm trước (30/4/1975).

Sài Gòn những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Gần 15 vạn quân giải phóng từ khắp các ngả đường đang rầm rập áp sát thành phố.

Trước đó, Mỹ đã bắt đầu di tản dần công dân nước mình ra khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên, khi quân giải phóng đã ngấp nghé ngoài cửa, vẫn còn hàng ngàn người Mỹ kẹt lại trong thành phố. Đấy là còn chưa kể gia đình, vợ con, và cả bồ bịch ở Việt Nam của họ. Rồi đám đồng minh của Mỹ, cả cánh phóng viên. Còn rất nhiều người Việt làm việc cho Mỹ hoặc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và cả những kẻ mua giấy tờ để được ra đi. Nếu di tản hết thì phải lên đến cả trăm ngàn con người.
Bức ảnh đi vào lịch sử: đám đông tranh nhau lên trực thăng trên 1 nóc nhà Sài Gòn
Cục Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) đã ra sức đồn thổi về những cuộc tắm máu, những trại tù cải tạo đày ải khi “cộng sản” vào tiếp quản thành phố. Giờ thì không chỉ những người làm cho quân đội và chính quyền VNCH (mà miền Bắc thường gọi là ngụy quân và ngụy quyền) và thân quyến của họ lo sợ muốn ra đi, mà một bộ phận dân chúng cũng hoang mang. Giá tiền để mua một giấy chứng nhận kết hôn với người Mỹ đã tăng chóng mặt trong những ngày cuối.

Chính quyền Mỹ đứng trước một bài toán vô cùng hóc búa. Đưa những ai đi? Bằng cách nào? Và khi nào? Làm sao để vẫn giữ được thể diện cho nước Mỹ?

Từng giờ trôi qua căng thẳng. Cả thế giới nhìn vào.

***
Từ chập tối ngày 28/4, quân giải phóng bắt đầu ném bom và nã pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mới đó đã 40 tháng từ ngày kí Hiệp định Paris, giờ người Sài Gòn mới lại nghe tiếng pháo. Con đường sơ tán chủ chốt bằng đường hàng không tại sân bay thế là đã bị cắt đứt, giờ sẽ đi bằng đường nào đây? Sự hoang mang như vết dầu loang ra khắp thành phố. Người Mỹ và những người Việt liên quan không ai còn có thể ngồi yên. Chỉ còn cách chuyển sang phương án dự phòng mạo hiểm cuối cùng: di tản toàn bộ những người còn lại bằng trực thăng, cái mà người Mỹ gọi là Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind).

CHUẨN BỊ

Kế hoạch chuẩn bị
Những người sẽ di tản (bao gồm người Mỹ, người nước ngoài, và những người Việt được lựa chọn) được phát 1 cuốn sách hướng dẫn nhỏ. Theo đó, ám hiệu bắt đầu chiến dịch là bài hát White Christmas được phát trên Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ. Khi nghe hiệu lệnh này, người di tản phải ngay lập tức tập trung tại 1 trong 28 điểm tập kết đã định khắp thành phố. Tại đây, các chuyến xe bus theo 4 tuyến đường khác nhau sẽ đưa họ đến Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) cạnh sân bay. Từ căn cứ này, trực thăng sẽ chở người di tản ra các tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đợi sẵn ở ngoài khơi biển Vũng Tàu.

Tòa đại sứ cùng nhiều nóc nhà khác ở trong thành phố cũng đã được Mỹ khảo sát và chọn làm điểm hạ cánh, nơi trực thăng sẽ đón người di tản ra căn cứ DAO.

Kế hoạch di tản

Sáng sớm ngày 29/4, đích thân đại sứ Mỹ ra sân bay giữa tiếng nổ ùng oàng của của đạn pháo để chắc chắn rằng không thể di tản bằng đường hàng không được nữa. Tới 10h48, khi không còn có thể chần chừ thêm được nữa, ông liên lạc về Mỹ xin khởi động Chiến dịch Gió lốc. Chỉ 3 phút sau, đề nghị nhanh chóng được chấp thuận. Giai điệu bài hát White Christmas vang lên trên sóng phát thanh. Cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử loài người chính thức bắt đầu.

HỖN LOẠN

Thế nhưng, chẳng mấy chốc, mọi việc trở nên hỗn loạn. Số người muốn di tản quá nhiều, đến mức mà các chuyến xe bus và trực thăng chỉ như muối bỏ biển. Cái “hiệu lệnh bí mật” là bài hát White Chrismas kia được rỉ tai nhau đến mức dường như cả thành phố đều biết. Người ta đổ dồn đến các điểm chờ xe bus, các tòa nhà cao tầng nơi có điểm đỗ trực thăng, các bến tàu trên sông Sài Gòn, và đặc biệt là bủa vây tòa đại sứ, hòng mong chen lấn được một chỗ để ra đi.

Hoàng Thị Oanh Oanh năm đó 12 tuổi đi cùng mẹ và các anh chị em. Cha cô bé là một trung tá VNCH đã mất liên lạc với gia đình. Cô hồi tường lại cái ngày 29 tháng 4 điên đảo ấy. Đầu tiên, cả nhà đến phi trường và bắt gặp một khung cảnh vô cùng hỗn loạn – người chạy tứ tán, kêu gào trong cơn hoảng loạn, rượt theo những chiếc xe chạy qua, van xin để được lên máy bay. Rồi cả nhà đi ra bến tàu. “Khi chúng tôi đến đó, cảnh tượng còn ghê hơn.” Oanh Oanh kể. “Người ta nhảy lên thuyền và rớt xuống nước. Có người bị thuyền nghiến lên; người thì khóc, kẻ kêu gào; trẻ con chạy tan tác vì lạc cha mẹ. Cảnh tượng như trong phim. Khói bốc lên khắp nơi. Chúng tôi nghe tiếng súng nổ … nên mẹ tôi quay đầu xe và lái về Tòa Đại Sứ Hoa kỳ.”

TRÊN CÁC NÓC NHÀ

Air America, hãng hàng không dân sự thuộc sở hữu bí mật của CIA, được giao nhiệm vụ đón người di tản tụ tập trên các nóc nhà khắp thành phố. Phi công Tony Coalson vẫn còn nhớ như in: “Có quá nhiều nóc nhà và chúng tôi thực sự không biết cái nào ra cái nào. Chúng tôi chỉ còn biết chọn bừa 1 cái và đáp xuống.”

Nhiều quan chức và sỹ quan của VNCH, dù liên lạc và được trưởng chi nhánh CIA Tom Polgar tìm cách bố trí, cũng không thể chen chân giữa biển người bao quanh tòa đại sứ Mỹ. Trong số đó có cả phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn và con trai ông - một bác sỹ nhi khoa trẻ tuổi. Sau một hồi lòng vòng vô vọng giữa các điểm tập kết đông đặc, liên tục khản cổ gọi điện cho các nhân viên CIA, cuối cùng ông được chỉ điểm đến tòa nhà Pittman, số 22 Gia Long, nơi trước đó không được dự kiến là điểm đỗ trực thăng. Phi công Bob Caron của Air America được giao nhiệm vụ đi đón “ngài phó thủ tướng và gia đình”. Khi hạ cánh xuống nóc thang máy tòa nhà 6 tầng này, vẫn giữ quạt quay để trực thăng không đè nặng xuống nền vốn không được thiết kế để chịu lực lớn, nhìn qua cửa máy bay viên phi công la lên khi thấy phải đến 50 người đang leo lên thang. “Sao cái ông phó thủ tướng này có cái gia đình khủng vậy?!”

Không ai trong số những người trên nóc tòa nhà Pittman hôm đó biết mình là nhân vật của 1 trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất thời đại.
Bức ảnh ở góc nhìn rộng hơn
Phóng viên ảnh người Hà Lan Hubert Van Es, tác giả bức ảnh, hồi tường trên tờ New York Times.
Vào khoảng 2:30 chiều, khi tôi đang làm việc trong phòng tối, đột nhiên nghe Bert Okuley hét lên “Van Es, ra đây mau, có chiếc trực thăng trên nóc nhà kia!”. Tôi vớ vội chiếc máy ảnh và cái ống kính dài nhất trong phòng - nó chỉ là cái ống kính 300mm nhưng không còn cái nào hơn - và nhào ra ban công.
Nhìn sang tòa nhà Pittman, có khoảng 20 đến 30 người trên nóc đang trèo thang về phía chiếc trực thăng Huey của Air America. Ở phía trên, một người Mỹ trong bộ đồ dân sự, kéo từng người lên và đẩy họ vào trong trực thăng. Tất nhiên, không có cách nào nhồi nhét hết từng ấy người, vì thế máy bay cất cánh với khoảng 12 hoặc 14 người trên boong (số chỗ quy định của loại máy bay này chỉ là 8). Những người còn lại trên nóc đợi thêm hàng tiếng, hy vọng có chuyến trực thăng khác tới. Nhưng chẳng còn chuyến nào.
Người đứng trên nóc và kéo những người khác lên là nhân viên CIA Oren B. Harnage. Do đây là trực thăng “đi đón gia đình phó thủ tướng” nên mới có người hỗ trợ như vậy. Rất nhiều phi công khác trong cái ngày lịch sử đó phải bay mà không có cả lái phụ. Việc “đón khách” khi đó thật không dễ dàng, vì bạn không được rời buồng lái. Phi công Coalson, người đã bay một mình liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ hôm đó kể lại “bạn phải để ý cánh quạt phía sau, phòng trường hợp có ai đó không biết chẳng may đi vào”. Khó nhất là khi cất cánh, vì luồng người vẫn trèo lên trực thằng không ngừng nghỉ. “Bạn phải bay lên thật từ từ chậm rãi, và dòng người sẽ nhận ra và tự ngắt”.

Cũng có những người vẫn cố bám lấy càng máy bay dù biết nó đang cất cánh, và phi công chỉ còn cách lắc trực thăng cho đến khi họ buông ra.

Cứ như vậy, các phi công bay đi bay lại liên tục không nghỉ trong tình trạng đói mệt và căng thẳng tột cùng.

Trời tối dần, bắt đầu có mưa và sấm chớp, tầm nhìn giảm, các nóc nhà thì tối thui. Ở phía dưới, thỉnh thoảng súng lại nổ đì đùng.

Tới 9 giờ tối thì các chuyến bay đón người từ các nóc nhà dừng lại. Từ sau đó, việc di tản chỉ còn tập trung ở tòa đại sứ.

Ở TÒA ĐẠI SỨ

Nằm cách tòa nhà Pittman vài khu phố là tòa đại sứ Mỹ, nơi có thể coi là “mắt bão”, trung tâm của sự hỗn loạn. Theo kế hoạch ban đầu, đây cũng chỉ là một điểm tập kết thông thường, xe bus sẽ chở những người di tản ra căn cứ DAO trước, sau đó 2 trực thăng sẽ đón vị đại sứ, đám tùy tùng và lính gác từ nóc nhà. Thế nhưng, biển người kéo đến vây quanh khiến kế hoạch sớm bị phá sản. Khốn nỗi, khác với căn cứ DAO nơi có tới 6 điểm đỗ trực thăng, tòa đại sứ chỉ có 1 điểm duy nhất trên nóc vốn chỉ chịu được sức nặng của trực thăng vận tải hạng trung. Vì thế, đám lính gác nhanh chóng chặt hạ “cây me của ngài đại sứ” ở bãi đỗ xe trong sân sau để lấy chỗ cho trực thăng lớn hơn đáp xuống. Cây me lớn này trước đó được vị đại sứ ví “vững chắc như thỏa thuận giữa Mỹ và VNCH”.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn

Khung cảnh tòa đại sứ (mặt cổng chính ở đường lớn phía ngoài cùng bên trái). Hai điểm đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà chính và dưới bãi đậu xe (hình chụp khi cây me vẫn còn). Ở phía sau (không thấy trong hình) vẫn còn rộng, có cả hồ bơi
3 loại trực thăng chính tham gia chiến dịch là Huey (nhỏ, có thể đậu trên các nóc nhà trong thành phố), CH-46 (trực thăng vận tải hạng trung, đậu được trên nóc tòa đại sứ) và CH-53 (trực thăng vận tải hạng nặng, chỉ đậu được dưới sân tòa đại sứ). Huey được lái bởi phi công Air America (CIA) còn CH-46 và CH-53 là của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

***
Mẹ của Oanh Oanh bỏ ra một ít vàng để mua giấy tờ giả từ một người bán dọc đường. Khi họ đến tòa đại sứ, đám đông hung hãn đang trèo qua các cánh cổng. Bà mẹ cầm nắm giấy tờ vẫy những người lính gác. “Hai người lính đi ra, tách đám đông, cố để cho chúng tôi đi qua. Dù vậy, người ta nắm, kéo và đạp vào chúng tôi. Mẹ ráng lôi được chúng tôi qua cổng, đi vào bên trong tòa đại sứ.”
Đám đông trèo tường vào tòa đại sứ
Các lính Mỹ đứng gác trên tường, đẩy người này xuống, kéo người kia lên. Những người được kéo vào có thể do người lính gác biết mặt, hoặc họ có giấy tờ hay thư tay gì đó. Đôi khi mọi thứ không rõ ràng, và tùy gã lính gác quyết định. Quyền sinh quyền sát trong tay, chẳng khác gì người soát vé ở một sân vận động bát nháo.

Tướng Richard E. Carey, người chịu trách nhiệm điều hành cuộc di tản, lúc đó ở trên tàu chỉ huy USS Blue Ridge. Mãi đến chiều, ông mớ được biết về tình trạng rối ren ở tòa đại sứ. Kế hoạch lấp tức phải thay đổi, cần rất nhiều trực thăng tới ngay đó. Tuy nhiên, cần phải giải quyết đống người lổn nhổn ở căn cứ DAO trước, nên mãi tới gần 6 giờ chiều, 4 chiếc trực thăng CH-46 đầu tiên đáp mới xuống tòa đại sứ. Từ đó cho đến gần mờ sáng hôm sau, các chuyến trực thăng liên tục đi đi về về chở người di tản ra các tàu ngoài khơi, mặc cho trời đã tối và mưa sấm chớp làm giảm tầm nhìn, và cả nỗi lo lắng bị bắn hạ bởi quân đội các phía.
Một chiếc CH-46 trên nóc tòa đại sứ
Phi công 30 tuổi Gerry Berry của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ hôm đó lái chiếc CH-46 biệt hiệu Lady Ace 09. Anh được giao 1 nhiệm vụ khá “giản dị”: đón đại sứ Graham Martin ra tàu chỉ huy USS Blue Ridge ngoài khơi. Nhưng việc đó hóa ra không hề đơn giản: vị đại sứ quyết chỉ ra đi khi tất cả những người trong tòa nhà được di tản hết. Berry nhớ lại lần nào đáp xuống nóc nhà, anh cũng hét to ‘tôi đến đây để đón ngài đại sứ’. Và lần nào cũng như nhau, đám lính Mỹ ở đó chẳng thèm đếm xỉa, lạnh lùng sắp xếp những người khác đầy máy bay. Chẳng còn cách nào khác, gã phi công trẻ đành cất cánh chở họ ra các tàu ở biển. Hết lần này đến lần khác. Vậy mà lượng người dường như không hề thuyên giảm.
Một chiếc CH-53 đang cất cánh từ bãi đỗ xe. Đến buổi tối thì đám lính gác phải huy động tất cả xe hơi bật đèn để chiếu sáng ở đây.
Ngồi ở Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Gerald Ford và ngoại trưởng Henry Kissinger theo dõi vô cùng sốt ruột. Ai cũng tự hỏi đến bao giờ bao giờ cuộc di tản căng thẳng ở tòa đại sứ này mới kết thúc?

2h10 rạng sáng ngày 30/4, đại sứ quán đưa ra con số ước tính là cần khoảng 19 chuyến nữa. Rõ ràng là con số này là không đủ. Người đã vào sân tòa nhà còn rất nhiều, và bất chấp lực lượng bảo vệ, người ta vẫn đang trèo tường trốn vào thêm. Một nhóm người của Sứ quán Hàn Quốc trong lúc đợi đến lượt đã lấy rượu trong quầy uống đến say xỉn.

3h27 sáng, tổng thống Ford yêu cầu không được đón thêm quá 19 chuyến nữa, và đại sứ Martin phải rời đi trên chuyến cuối cùng.

4h30 sáng, con số 19 chuyến đã vượt quá, vẫn còn gần 500 người nữa. Phía đại sứ quán vẫn cố gắng tiếp tục đón đến người cuối cùng. Nhưng phía quân đội thì chỉ muốn dừng. Các phi công đã quá mệt mỏi, còn các chỉ huy thì lo lắng sợ điều gì tệ hại có thể xảy ra. Tướng Carey, người chỉ huy chiến dịch, chỉ thị dứt khoát: từ giờ chỉ được phép đón nốt những người Mỹ còn lại!

Khoảng 20 phút sau, Berry lại đáp chiếc Lady Ace 09 xuống nóc tòa đại sứ. Không biết đó là lần thứ bao nhiêu trong ngày. Như thường lệ người lại được nhét đầy. Thật điên tiết, Berry gọi gã thượng sỹ lại gần buồn lái. “Cho những người này xuống hết! Tôi sẽ không cất cánh khi không có đại sứ trên boong!”, viên phi công hét lên. “Đây là mệnh lệnh của tổng thống”, Berry thêm vào.

Câu thêm vào đó lấp tức tỏ ra có hiệu quả. Gã lính đi xuống và một lúc sau đại sứ Martin cùng những người tùy tùng xuất hiện. Vị đại sứ trông mệt mỏi phờ phạc.

“Hổ đã rời chuồng”, Berry nói vào bộ đàm sau khi trực thăng cất cánh cùng với vị đại sứ trên boong. Lúc đó là 4 giờ 58 phút sáng.

Còn khoảng hơn 60 lính gác Mỹ đang ở khắp nơi: trên tường, ở cổng, trên nóc tòa nhà chính. Dưới sân là khoảng 420 người đang chờ đến lượt – những người đã được hứa chắc nịch bởi người Mỹ là “đã vào tòa đại sứ là vào lãnh thổ Mỹ và yên tâm là sẽ được đi”. Ở phía ngoài tường tòa đại sứ, biển người mênh mông vẫn hy vọng sẽ đến lượt được vào trong.

Thiếu tá Jim Kean, chỉ huy đội lính gác, bí mật lệnh cho đám lính rời vị trí và xếp thành 3 vòng bán nguyệt, từ từ đi lùi rút từ ngoài sân vào trong tòa nhà chính. Đám người trong sân hiểu ngay ra chuyện gì, cũng xếp thành vòng theo sát. Họ nhìn chằm chằm vào nhau, đám lính chĩa súng ra, lùi vào 1 bước, đám người tiến theo 1 bước, nhịp nhàng. Không gian căng thẳng như dây đàn. Khi khoảng hơn nửa số lính đã vào được trong thì rầm 1 tiếng. Ai đó hét lên “họ vào rồi!”. Đám đông bên ngoài đã phá được cổng ngoài và ùa vào sân như dòng nước.

Chị Nguyễn Thu Minh cùng 6 đứa con cũng có mặt tại tòa đại sứ lúc đó. “Lính Mỹ xếp thành một hàng, chĩa súng về phía chúng tôi, rồi lui dần vào trong nhà.”, chị Minh nhớ lại, “Trước khi vào hết bên trong, tên lính cuối cùng bắn lựu đạn cay vô chúng tôi, rồi họ đóng cửa lại. Chúng tôi không thấy đường và không thở được. Người ta chạy tứ tán, kêu gào, và đạp lên những người ngã.”

Sau khi đã chốt chặt cửa tòa nhà chính, lính Mỹ khóa thang máy, rút lên nóc theo đường thang bộ, qua mỗi tầng lại cẩn thận khóa cửa song sắt dẫn lên tầng trên.

Dưới mặt đất, đám đông giận dữ lái một xe bồn nước húc sập cửa tòa nhà chính, rồi ùa vào, túa lên cầu thang theo.

Cần khoảng 3 chuyến CH-46 nữa mới có thể di tản hết đám lính còn lại. Ở dưới cầu thang, đám đông nổi giận lần lượt phá cửa từng tầng một, tiếng răng rắc vang lên ở nóc nhà cũng có thể nghe thấy. Tiếng súng đùng đoàng từ dưới đất hoặc các nóc nhà gần đó chốc chốc lại vang lên.

Trên tàu chỉ huy USS Blue Ridge, tướng Carey giật mình nhận ra một sai lầm chết người. Mọi người đã hiểu nhầm thông báo “Hổ đã rời chuồng” của Berry, và tất cả các trực thăng đang bay đều đã quay về và hạ cánh trên các con tàu. Các phi công đã hoàn thành và nghỉ ngơi. Không ai quay lại đón toán lính còn trên nóc.

Tàu đã đi ra xa ngoài khơi hơn, thời gian bay đến tòa đại sứ cũng dài hơn.

Nhưng Berry và phi công yểm trợ của mình thì chưa nghỉ, họ biết đám lính còn ở đó. Hai người liền lái 2 chiếc CH-46 lại quay trở lại. Nhưng 2 chiếc không đủ chỗ cho hơn 60 còn lại. Khi chiếc Lady Ace 09 rời đi, vẫn còn 11 lính Mỹ cuối cùng trên nóc. Lúc đó đã là 7 giờ sáng.

Đám đông đã lên đến thang bộ tầng trên cùng, ở ngay lối lên nóc. Toán lính dùng lựu đạn hơi cay để ngăn cản, vớ lấy các thiết bị chữa cháy và bất kì thứ gì có ở đó để chặn cửa.

Tại Washington, ngoại trưởng Henry Kissinger họp báo, thông báo chiến dịch đã hoàn thành, người Mỹ đã được sơ tán hết. Bỗng một phóng viên hỏi. “Thưa ngoại trưởng, có báo cáo là vẫn còn lính Mỹ trên nóc tòa đại sứ, xin ông xác nhận và giải thích tại sao?”. Kissinger chết trân trong giây lát.

Cách đó nửa vòng trái đất, tại tòa đại sứ, đã gần 1 tiếng trôi qua, những người lính Mỹ còn lại trên nóc nhà đã nghĩ là mình bị bỏ rơi. Họ bắt đầu tuyệt vọng và nghĩ đến viễn cảnh khi quân giải phóng tấn công lên nóc thì sẽ chiến đấu hay đầu hàng… Bỗng 1 lính gác chỉ tay lên nền trời. Từ xa, hình 1 chiếc CH-46 dần dần hiện rõ. Đó là chiếc CH-46 biệt hiệu Swift 22, lần này thậm chí được dẫn đường bởi 4 trực thăng chiến đấu Cobra. Tiếng động cơ máy bay kích thích đám đông người đang mắc ở trong thang bộ. Họ lại ra sức phá. Cánh cửa lên sân thượng cong lên chực vỡ. Đám lính Mỹ vội vàng lên leo máy bay. Một tên luống cuống ném vội 2 quả lựu đạn cay. Ngay sau đó, gã này đã nhận ra đó là 1 sai lầm ngu xuẩn. Hơi cay bị động cơ hút vào trong trực thăng, cay xè mắt. Máy bay lảo đảo, nâng lên hạ xuống mấy lần. Một lính Mỹ lăn ra ngoài nhưng trèo vào lại được.

Rồi cuối cùng, chiếc Swift 22 vẫn cất cánh thành công. Lúc đó là 7h53 sáng. Chừng 40 phút sau, nó hạ cánh an toàn xuống tàu USS Okinawa.

Đám đông ngay sau đó ùa lên nóc nhà, rồi kiên nhẫn chờ nhưng chẳng còn chuyến nào. Họ dần giải tán.

Chỉ tầm 3 tiếng sau, cách đó chưa đầy 1 cây số, những chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng húc đổ cánh cửa sắt của dinh Độc lập, chính thức đặt dấu chấm hết cho chế độ VNCH.

TỔNG KẾT CHIẾN DỊCH

Điểm lại các mốc thời gian chính của chiến dịch:

29/5/1075

10:48
XIN BẮT ĐẦU CHIẾN DỊCH

Đại sứ Martin liên lạc về Mỹ xin bắt đầu.
10:51
TỔNG THỐNG MỸ ĐỒNG Ý

Bài "White Chrismas" sau đó vang lên.
12:15
CHUYẾN XE BUS ĐẦU TIÊN TỚI CĂN CỨ DAO

Cũng thời điểm này, phía quân đội mới nhận được lệnh bắt đầu.
2:25
2300 NGƯỜI

Đã có mặt tại căn cứ DAO.
2:30
BỨC HÌNH LỊCH SỬ

Chụp người di tản chen nhau lên trực thăng trên nóc tòa nhà Pittman.
3:12
149 NGƯỜI

Đầu tiên lên trực thăng ra tàu ngoài khơi.
4:00
956 NGƯỜI

Đã được sơ tán ra tàu.
5:35
4 CHIẾC CH-46

Đầu tiên đến tòa đại sứ.
6:30
4580 NGƯỜI

Đã được sơ tán ra tàu từ nhiều địa điểm.
9:07
2 CHIẾC CH-46 GẶP NẠN NGOÀI BIỂN

2 phi công thiệt mạng, 2 thành viên tổ bay được cứu.
11:00
6393 NGƯỜI

Đã được di tản.
11:59
LÍNH MỸ CHÂM LỬA

Đốt căn cứ DAO, hoàn tất di tản tại đây.
2:10
ĐSQ ƯỚC TÍNH CẦN 19 CHUYẾN NỮA

Mỗi 10 phút có 1 chuyến.
3:37
TỔNG THỐNG FORD YÊU CẦU

Không quá 19 chuyến nữa, Đại sứ lên chuyến cuối.
4:30
19 CHUYẾN ĐÃ HẾT

Yêu cầu chỉ đón nốt người Mỹ.
4:58
ĐẠI SỨ LÊN MÁY BAY

Còn hơn 60 lính gác Mỹ, đám đông nổi giận.
7:00
CÒN 11 LÍNH MỸ TRÊN NÓC

Đám đông ở ngay cầu thang phía dưới đang phá cửa.
7:53
11 NGƯỜI ĐƯỢC ĐÓN

Chiến dịch kết thúc.

Cuối cùng, khoảng 7 ngàn người đã được di tản xuyên đêm trong vòng chưa đầy 20 tiếng đồng hồ.
Kết quả
Con số này chưa kể đến những người được di tản bằng trực thăng của Air America, hoặc tự đi trên các trực thăng của không quân VNCH.
Air America với dàn trực thăng gồm 20 chiếc Huey của mình (chưa kể 2 chiếc bị hỏng và 6 chiếc bị lính không quân VNCH cướp để tháo chạy) đã chở tổng cộng 1000 người tới căn cứ DAO, tòa đại sứ, hoặc trực tiếp ra các tàu. Tuy nhiên, trong khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ được nhận nhiều công lao vì chiến dịch này thì Air America lại ít được nhắc tới. Cũng bởi nó là hãng hàng không “dân sự” và mối liên hệ của nó với CIA là bí mật. Sau cuộc chiến ở Việt Nam, Air America hết nhiệm vụ và giải tán vào năm 1976.
Ngoài 2 lính Mỹ chết vì đạn pháo ở căn cứ DAO rạng sáng ngày 29/4, có 2 phi công khác thiệt mạng ngoài khơi khi trực thăng của họ đâm xuống biển. Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, chỉ thỉnh thoảng có tiếng súng nhỏ tầm thấp không gây hậu quả gì lớn. Quân giải phóng quan sát cuộc di tản nhưng không can thiệp. Các máy bay chiến đấu được chuẩn bị sẵn trên các tàu sân bay Mỹ đã không cần cất cánh yểm trợ.

Đại sứ Graham Martin là người có vai trò then chốt trong việc quyết định cách thức, thời gian, và danh sách người di tản. Vị đại sứ đã luôn nấn ná, bởi chính ông là người từ sau hiệp định Paris đã nhiều lần lên tiếng trấn an giới chức Sài Gòn rằng Mỹ sẽ không để yên nếu quân miền Bắc đe dọa chế độ. Mà có lẽ chính ông cũng tin vào cái điều không thể xảy ra đó. Ông đã đặt hy vọng vào phòng tuyến Xuân Lộc. Rồi ông lại hy vọng rằng phút cuối Mỹ sẽ can thiệp thế nào đó để có thể đạt được giải pháp chính trị giữ quân giải phóng ở lại bên ngoài Sài Gòn. Ông ngăn cản một cách quyết liệt bất kì hoạt động nào có thể khiến người dân nghi ngờ là người Mỹ sẽ bỏ đi. Không cho dọn chướng ngại vật và vẽ chữ H cho trực thăng đỗ trên các nóc nhà. Không cho chặt cây me trong sân tòa đại sứ để dọn chỗ làm bãi đỗ trực thăng. Không cho lập danh sách đầy đủ những người Việt cần di tản. Ông sợ Sài Gòn sẽ loạn nếu biết người Mỹ chuẩn bị bỏ đi.

Martin đã luôn muốn ra đi đàng hoàng, giữ thể diện cho nước Mỹ. Và cho cả cá nhân ông nữa. Ông mong mỏi chính quyền Mỹ giữ những lời hứa mà ông đã thay mặt họ phát ngôn. Nhưng chẳng ích gì. Nếu quyết định di tản được chuẩn bị cẩn thận và đưa ra sớm hơn có lẽ còn giữ được chút ít thể diện hơn.

Khi bị ép buộc lên trực thăng rời tòa đại sứ, ra đến tàu chỉ huy USS Blue Ridge, ông đã cố gắng nài nỉ thêm các chuyến bay mới để đón nốt tất cả những người còn lại, nhưng không thành công.
Đại sứ Martin mỏi mệt trả lời phóng viên trên tàu USS Blue Ridge
Trước khi làm đại sứ ở Việt Nam, Martin có thời gian làm đại sứ ở Thái Lan và Ý. Trong thời gian ở Thái Lan, con nuôi ông, trung úy Glenn Dill Mann chết trên chiến trường Việt Nam, năm 1965. Sau này về Mỹ, ông làm trợ lý cho ngoại trưởng Henry Kissinger một thời gian, rồi nghỉ hưu năm 1977. Martin mất năm 1990 ở tuổi 77.

VỀ BỨC ẢNH TRÊN NÓC NHÀ

Trong nhiều năm, người ta không biết chắc chắn ai là những người trong bức ảnh. Trong ngày hôm đó, có vài trực thăng khác nhau cùng đáp trên nóc tòa nhà đó. Mãi sau này, khi nhiếp ảnh gia Pháp Philippe Buffon công bố một loạt ảnh ông chụp cùng vị trí, người ta mới phân tích và xác nhận đây chính góc máy khác chụp cùng một thời điểm và vị trí với tấm hình nổi tiếng. Đó chính là chiếc Huey (Bell 205) mang số hiệu N47004 do Bob Caron lái, và người đứng trên nóc là nhân viên CIA Oren B. Harnage.
Một trong những tấm ảnh của Philippe Buffon
Tuy nhiên, không ai biết phó thủ tưởng Trần Văn Đôn có mặt đúng trên chuyến bay trong ảnh hay không. Theo các câu chuyện về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người đã giúp trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến di tản cũng ở tòa nhà Pittman cùng chuyến trực thăng với ông Đôn, thì có vẻ chuyến đó vào lúc chập tối. Trong khi bức ảnh nổi tiếng lại được tác giả kể là chụp vào 2h30 chiều (và theo ông đó là chuyến cuối cùng ở tòa Pittman). Thực ra, theo tài liệu của Air America, còn 2 chuyến cuối của phi công R.W. Hitchman thực hiện vào chập tối, ở tòa nhà gần tòa đại sứ, có lẽ chính là tòa Pittman. Có thể, ông Đôn đã lỡ chuyến bay hồi chiều và đã lên chuyến chập tối đó.

Tác giả bức ảnh Hubert Van Es, trong một thời gian dài, luôn bứt rứt và tìm cách cải chính thông tin về tấm hình. Ông khẳng định đã đặt tiêu đề rất rõ ràng là chụp ở nóc “một tòa nhà trong thành phố” nhưng các báo đều cố tình sửa thành “những người Mỹ chen nhau lên chuyến bay cuối cùng trên nóc Tòa Đại Sứ để rời khỏi Việt Nam”. Sự thực thì đó không phải là tòa đại sứ mà là tòa nhà Pittman ở số 22 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), nơi ở của phó chi nhánh CIA. Những người chen lên máy bay cũng phần lớn là người Việt. Còn chuyến trực thăng cuối cùng rời tòa đại sứ những 17 tiếng sau đó.

Dù sao thì điều đó cũng không quá quan trọng, có lẽ số phận của bức ảnh là được lựa chọn để trở thành biểu tượng. Ngày nay, mỗi khi Mỹ phải rút quân khỏi đâu đó, như Iraq chẳng hạn, các tờ báo châm biếm lại vẽ lại bức ảnh này với những bình luận đầy mỉa mai.

Hubert Van Es mất năm 2009 tại Hồng Kông. Khi đó ông 67 tuổi.

NGOÀI BIỂN

Không thể trông chờ gì vào các chuyến trực thăng của Mỹ, rất nhiều người Việt phải tự lo cho mình và gia đình.

KHÔNG QUÂN. 

Khi Berry đến đón toán lính cuối cùng trên nóc tòa đại sứ vào bình minh ngày 30/4, từ trên máy bay nhìn về phía xa, ông thấy chi chít các đốm nhỏ nhìn rõ trên nền trời hửng sáng, trông như đàn chuồn chuồn rời tổ. Đó là các trực thăng của không quân VNCH đang tìm đường ra các tàu của Mỹ ngoài khơi. Từ tối ngày 28/4, không quân VNCH đã bắt đầu mạnh ai nấy chạy từ cấp chỉ huy. Thậm chí họ còn cướp 6 máy bay đang đỗ trong căn cứ của Air America. Ai có máy bay đi được xa thì mang gia đình bay sang căn cứ không quân của Mỹ tại Thái Lan, còn không thì ra biển tìm các con tàu để đáp.

Hải quân Mỹ đã không lường trước việc này. Do không có đủ chỗ trên các boong tàu cho đống trực thăng ngoài dự kiến này nên thủy thủ đoàn phải cùng nhau đẩy nhiều chiếc xuống nước để lấy chỗ. Các chuyến đến sau, phi công được yêu cầu nhảy ra ngoài và cho máy bay đâm xuống nước, sẽ được vớt lên tàu. Bởi không phải ai cũng thạo món này nên đã có trực thăng bị va chạm với thành tàu.
Đẩy trực thăng trên boong tàu xuống biển để lấy chỗ trống
Có một câu chuyện vẫn được kể lại nhiều là vụ hạ cánh của chiếc máy bay trinh sát L19 trên boong hàng không mẫu hạm USS Midway. Boong tầu không được thiết kế cho loại máy bay này đáp. Tuy nhiên, trên cabin vốn chỉ được thiết kế cho 2 người khi đó, ngoài thiếu tá Lý Bửng còn có vợ và 5 đứa con của ông chen chúc nhau. Không thể đáp xuống biển vì sẽ không giữ được tính mạng cho lũ trẻ, mà xăng thì không thể đủ để bay qua Thái Lan.

Ông kể lại với tờ Viễn Đông ở hải ngoại.
Tôi xin nó cho mình đáp xuống, nhưng khổ nỗi trên máy bay của tôi không có vô tuyến để liên lạc với dưới hàng không mẫu hạm, nên tôi cứ bay vòng vòng xung quanh nó và dùng các phương pháp mình đã học để áp dụng cho nó hiểu mình xin đáp nhưng chẳng thấy dấu hiệu trả lời! Sau đó tôi nghĩ ra cách viết ghi chú cho họ hiểu là tôi xin đáp.
Đầu tiên tôi cột vào con dao và bay sát con tàu, tôi mở cửa liệng dao xuống. Nó đụng sàn tàu, tưng lên rơi xuống biển. Sau đó tôi làm cái thứ hai, thứ ba, cột vào dây súng thảy xuống, cũng rơi luôn xuống biển. Lần thứ tư, tôi cột vào khẩu P38, bay thật thấp và liệng xuống. Lần này nó không rơi xuống biển. Tôi nhìn thấy một người chạy lại lượm lên coi và chạy biến đi, không biết đi đâu. Sau khi xuống tàu, được biết khi lượm và đọc ghi chú của tôi, họ chạy ngay lên báo cho hạm trưởng.
Tôi bay mấy vòng nữa quan sát thì thấy họ đang dọn dẹp mấy chiếc trực thăng đậu trên phi đạo cho gọn lại, lúc đó tôi biết họ đồng ý cho mình xuống.
Thiếu tá Lý Bửng hạ cánh trên boong USS Midway
Chiếc L19 bay là là rồi đáp xuống boong, chạy thêm 1 đoạn rồi dừng lại an toàn. Đám đông trên tàu bâu lại chúc mừng và giúp bế mấy đứa nhỏ ra.

Thiếu tá Nguyễn Văn Ba, một phi công khác, lái chiếc Chinook (CH-47) bay về hạ cánh ở một sân chơi để đón gia đình. Ông cùng các đồng đội nấn ná đợi lệnh ở cấp trên, nhưng chẳng có lệnh nào cả, các chỉ huy đã mạnh ai nấy chạy hết cả. Chiếc Chinook tổ chảng đành lần tìm ra biển, cố gắng tìm một tàu chiến để hạ cánh. Cuối cùng, ông tìm được khu trục hạm USS Kirk, nhưng chiếc tàu quá nhỏ. Các thủy thủ xua tay đuổi, thậm chí rút súng dọa. Nhưng chiếc trực thăng vẫn kiên trì bám theo – họ thật sự không còn đường nào khác.
Thủy thủ tàu USS Kirk ra hiệu không được đáp
Cuối cùng, các thủy thủ đành chào thua. Máy bay là là trên boong và từng người nhảy xuống từ độ cao dăm mét. Rồi một bà mẹ thò ra, một tay bám lấy ô cửa máy bay, tay kia là bé gái chưa đầy 1 tuổi. Bà thả xuống. Tất cả mọi người nín thở. Rất may, các thủy thủ đã đỡ cháu bé an toàn.
Em bé được 1 thủy thủ đỡ an toàn
Khi chỉ còn một mình, viên phi công vòng máy bay ra xa, loay hoay chừng 10 phút mới cởi được bộ đồ bay mà đáng ra anh phải nhờ ai đó cởi hộ trước đó. Chiếc Chinook nặng nề nghiêng sang một bên sà xuống mặt biển, phi công lao ra ngoài phía bên kia, lặn sâu để tránh các mảnh vỡ, rồi trồi lên. Anh được vớt lên tàu an toàn, trừ việc vài cây vàng cất trong áo thì đã rơi ra biển.
Chiếc Chinook sà xuống nước
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như thế. Trong cái ngày hôm đó, có lẽ có nhiều máy bay khác không tìm được tàu để đáp, xăng dần cạn kiệt, và không ai biết những người trên đó đã về đâu.

HẢI QUÂN. 

Trong khi lực lượng không quân hoảng loạn như rắn mất đầu thì phía hải quân VNCH vẫn còn ít nhiều giữ được sự kiểm soát. Vào 7 giờ tối ngày 29/4, các hạm đội được lệnh di chuyển ra tập hợp tại Côn Sơn (Côn Đảo). Trên các boong tàu, ngoài thủy thủ đoàn, còn có người thân gia đình họ, và hàng chục ngàn người dân. Rất nhiều người phân vân: đi hay ở? Có người thì lạc gia đình không muốn đi một mình, kẻ chỉ đơn giản là muốn ở lại. Những ai không muốn đi được cho lên tàu để vào lại bờ. Dẫu vậy, cho đến phút khởi hành, vẫn còn tàu họp nội bộ dùng dằng chưa quyết.
Một trong những con tàu tập trung tại Côn Sơn
Richard Armitage (người sau này trở thành thứ trưởng ngoại giao Mỹ), khi đó 30 tuổi, được giao nhiệm vụ hỗ trợ và dẫn đường cho các chiến hạm VNCH di tản. Ông đáp trực thăng xuống tàu USS Kirk và cùng thủy thủ đoàn tiến thẳng ra đảo Côn Sơn. Tới nơi, ông không tin vào mắt mình khi thấy những gì còn lại của hải quân VNCH, đủ loại tàu to nhỏ, nhiều cái hư hỏng, ộp ẹp, gỉ sét, trên boong chất hàng đống người, có cái gấp cả chục lần sức chứa. Kế hoạch buộc phải thay đổi. Đội tàu này không thể nào đi tới đảo Guam xa xôi như dự kiến được nên điểm đến được thay đổi thành căn cử Hải Quân Mỹ ở vịnh Subic, Philippines.

Sáng mùng 1 tháng 5, 43 con tàu “đủ sức khỏe” được chọn lựa để rời bến, chở theo 4000 thủy thủ và 30 ngàn người dân. Dẫn đường là tàu Mỹ USS Kirk.
Người di tản trên 1 con tàu
Dương vận hạm Thị Nại (HQ-502), con tàu từ thời thế chiến thứ 2 được Mỹ chuyển cho hải quân VNCH, lúc đó đang hư hỏng và sửa chữa trong Hải Quân công xưởng. Dù vậy, người ta vẫn tranh nhau theo chiếc cầu tàu duy nhất, vừa nhỏ vừa dốc, để lên tàu.

Nhiều người có mặt hôm đó đến nay vẫn không sao quên được tiếng kêu thất thanh của 1 người phụ nữ “ối con tôi con tôi rơi rồi”. Trên cầu tàu chen chúc, đứa bé trượt tay mẹ rơi xuống dòng nước tối tăm. Không ai có thể giúp, ngoài việc kéo người mẹ rã rời ngất lên ngất xuống trên tàu. 40 năm sau, cô vẫn không thôi ám ảnh bởi tiếng đứa bé hoảng hốt gọi “mẹ ơi” lần cuối đó.

5000 người đen đặc khắp các xó xỉnh bên boong dưới hầm và trong các phòng trên tàu Thị Nại. Sau khi sửa tạm bợ, tàu nhổ neo ra khơi. Phía trên cao, từng đợt trực thăng vẫn từ Sài Gòn túa ra biển. Một chiếc bay sát tàu Thị Nại, cửa mở, bên trong chật ứ đàn bà trẻ con, đồng loạt chắp tay về phía tàu mà lạy. Phi công mò được tần số của Thị Nại, cầu xin “Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. Nhưng tới điểm hẹn chỉ thấy biển mông mênh, tàu Mỹ đâu không thấy, nên phải quay về. Tàu tôi chỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi…”. Các mùng màn vật dụng ngổn ngang trên boong tàu được thu dọn cấp tốc, trực thăng đáp xuống an toàn. Dọc đường, tàu Thị Nại còn vớt thêm một xà lan đầy phụ nữ và trẻ em, cho 1 trực thăng nữa đáp xuống, 2 phi công thám thính khác nhảy khỏi máy bay xuống biển nhưng chỉ vớt được 1 người, người còn lại va chạm khi nhảy và chết mất xác.

Cứ như vậy, đoàn tàu ì ạch vừa đi vừa đợi nhau, vượt ngàn hải lý mất cả tuần trời. Tưởng tượng mấy chục ngàn con người chen chúc, ăn uống, bài tiết, ốm đau, khổ sở thế nào. Đủ loại trải nghiệm, đủ loại cảm xúc trên đời.

Chiều ngày mùng 7 tháng 5, đoàn đến vịnh Subic. Lại thêm 1 rắc rối: phía Philippines không cho các tàu của VNCH vào. Cuối cùng quyết định được đưa ra: hạ cờ và biển hiệu VNCH xuống và dựng cờ Hoa Kỳ. Vũ khí trên tàu cũng phải dỡ bỏ hết, thậm chí người chết phải quẳng xác xuống biển vì không được đem vào.

Khi cờ hạ xuống, mọi người đồng thanh hát quốc ca. Nhiều người khóc. Sau đó, tàu được vào bến. Trong những ngày sau đó, đoàn người lần lượt được sắp xếp để lên các chuyến tầu khác, chủ yếu là tàu Mỹ, để đi đảo Guam.

Trong lần ra đi đó, không chỉ có các tàu quân đội mà còn rất nhiều tàu dân sự. Tàu Việt Nam Thương Tín vốn là một tàu thương mại, sau khi xuất bến Bạch Đằng với 650 người trên boong, ra đến biển đã nhập vào với đoàn tàu của hải quân VNCH. Thương thuyền này được tận dụng để đi tiếp sang đảo Guam, không ngờ sau này nó được lãnh một sứ mệnh quan trọng khác: chở những người đã đi quay trở lại.

Số là, trong số hơn 11 vạn người Việt tập trung tại các trại tạm cư ở đảo Guam chuẩn bị để di cư tiếp (chủ yếu sang Mỹ), có 1600 người xin quay lại (có cả 100 người đã sang đến Bắc Mỹ cũng muốn trở lại Guam để hồi hương). Rất nhiều trong só đó là các quân nhân ra đi trên các con tàu tàu hải quân VNCH, trong lúc đoàn nhổ neo họ bị buộc đi theo mà chưa tìm được gia đình. Có cả các lính không quân theo đơn vị sang căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Lan, rồi muốn quay về mà không được cho phép (thậm chí có 13 người tố cáo họ bị phía Mỹ tiêm thuốc mê cho khỏi “lằng nhằng”, và chuyển từ Thái sang thẳng đảo Guam). Ở đảo Guam, họ đã biểu tình, tuyệt thực, cạo đầu, treo ảnh bác Hồ cùng khẩu hiệu “tinh thần cụ Hồ Chí Minh bất diệt”, làm đủ mọi cách đấu tranh để được hồi hương. Điều này khiến một số người bị cho là “Việt Cộng nằm vùng” còn phía Việt Nam lại nghi ngờ là gián điệp CIA cài vào để quay lại “phá hoại”.

Hãy giết chúng tôi hoặc trả chúng tôi về 
(chữ trên áo một người đòi hồi hương)
Người di tản cạo đầu và tuyệt thực đòi hồi hương
Ngày 16/10/1975, đúng 1546 người lên tàu Thương Tín khởi hành quay về Việt Nam. 11 ngày sau, tàu cập bến Vũng Tàu. Trong khi phía cựu binh VNCH cho rằng đa số người hồi hương bị cho vào các trại giáo dục cải tạo nhiều năm, thì phía Việt Nam cho rằng phần lớn được trả về với gia đình. Thuyền trưởng của chuyến trở về, cựu trung tá hải quân VNCH Trần Đình Trụ, đã cùng gia đình sang lại Mỹ năm 1991.

Phần lớn các con tàu của hải quân VNCH sau đó được hải quân Philipines đổi tên và cho vào biên chế. Dù đa số được Mỹ đóng từ Thế Chiến II, các tàu này vẫn được sử dụng hàng chục năm sau đó. Tàu Thị Nại được cho nghỉ hưu năm 2001, nhưng nó không phải là tàu được sử dụng lâu nhất. Tàu Vạn Kiếp II còn được sử dụng đến tận 2010, và nổi tiếng nhất có lẽ là tàu Mỹ Tho, được hải quân Philippines cho “mắc cạn” tại Bãi Cỏ Mây (Quần đảo Trường Sa) từ 1999 đến nay, làm tiền đồn cho nhóm lính thủy đánh bộ trú ngụ.
Tàu Mỹ Tho (HQ-800), Philipines gọi là BRP Sierra Madre, đang “mắc cạn”

THUYỀN NHÂN.

Nhiều người khác thấp cổ bé họng chỉ còn cách duy nhất: họ dùng đủ các loại thuyền khác nhau, chèo ra các tàu Mỹ ngoài khơi. Một số tàu Mỹ ở lại tiếp tục trục vớt trong những ngày sau đó. Ít lâu sau thì Mỹ chính thức ngừng trục vớt.

Tuy vậy, từng đợt người ra đi không dừng lại. Trong suốt thập kỉ sau đó, vì các lý do chính trị, kinh tế, và cả tâm lý, ước tính cả triệu người tiếp tục lén lút hoặc đưa tiền để ra đi mà không biết đầy đủ về những hiểm nguy phía trước, trên những chiếc thuyền mong manh, hoặc vượt rừng núi hiểm trở sang Campuchia và Thái Lan, dẫn đến nhiều thảm cảnh tồi tệ.
Thuyền nhân Việt Nam trên bãi biển Malaysia - 1979 (Ảnh: Terry Fincher)
Nhiều năm sau, cuối cùng Hoàng Thị Oanh Oanh và các anh chị em cũng sang Mỹ trên một trong những chiếc thuyền như vậy. Sau này, cô kể lại câu chuyện không thể nào quên của mình cùng nhiều người khác trong cuốn sách Thuyền nhân.

KẾT

Cuối cùng thì Mỹ cũng hỗ trợ được gần 14 vạn người (chính xác là 138.869 người) di tản trong mấy tuần ngắn ngủi, bằng Chiến dịch Không vận Trẻ em, các chiến dịch di tản đường hàng không trước đó, và Chiến dịch Gió Lốc của Mỹ, cộng với những người đi theo máy bay Không quân và đoàn tàu Hải quân và dân sự VNCH. Trong đó, “1 nửa cần đi đã không đi được, còn 1 nửa trong số đã đi lại không cần đi” - theo lời một nghị sỹ Mỹ. “Cả 1 làng chài đã tranh thủ lên được các chuyến tàu”.

Dẫu sao thì đó cũng chỉ là một góc của Sài Gòn. Còn lại, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Ngay trong cái đêm tháo chạy của người Mỹ, đèn đường vẫn sáng, đèn giao thông vẫn hoạt động, và bạn vẫn có thể đến nhà hàng dùng bữa kèm một chai rượu vang ngon lành. Sáng ngày hôm sau, nhiều người đổ ra đường, xem và vẫy chào đoàn quân giải phóng.

Theo Măng Cụt