Oan, oan cho các bác ấy quá. Xưa bị oan, Thị Kính còn đến cửa Phật mà nương nhờ, nay thì chẳng biết các bác ấy nương nhờ, trông cậy vào đâu? Mà phải ngậm nỗi oan đến suốt cuộc đời thì đau đớn quá. Mà theo các bạn, việc bổ nhiệm ấy là do “cái gì gì đó” hay là bởi tinh thần trách nhiệm “ngút ngát trời xanh” của các bác ấy nhỉ?
“Chuyến tàu vét” và hiện tượng ồ ạt kéo nhau làm… lãnh đạo! |
Bà Nga nói: “Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra như ở Thanh tra Chính phủ dư luận phản ánh nhiều, Bộ Công thương cũng có ý kiến phản ánh về việc bổ nhiệm. Việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được. Nên làm một cách rõ ràng để xác định có việc như vậy không, dư luận phản ánh có đúng không?”.
Thật ra, hiện tượng này không mới. Nó đã diễn ra từ lâu mà đỉnh điểm, phải kể đến kỉ lục của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền. Chỉ trong vòng khoảng 2 tháng trước khi nghỉ hưu, vị Tổng Thanh tra này đã bổ nhiệm 60 chức danh cấp vụ và tương đương.
Thua kém ông Truyền một chút, tại TP HCM, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Thành Rum trước khi “hạ cánh” cũng bổ nhiệm 30 chức danh trưởng, phó phòng và tương đương trong khoảng thời gian một tháng.
Gần đây, việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trên con đường thăng tiến cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Vì thế, có lẽ việc kiểm tra để trả lời câu hỏi có hay không là không cần thiết vì chắc chắn đến 101% là có hiện tượng này. Bà Nga cũng nói rất đúng, rằng “việc kiểm tra này không hẳn quá khó khăn vì ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện có thể biết được” nên vấn dề là có kiểm tra hay không? Và kiểm tra rồi xử lý như thế nào?
Do đó, câu hỏi cần phải trả lời, đó là “Tại sao cuối nhiệm kỳ một số Bộ, ngành lại bổ nhiệm cán bộ ồ ạt?” như tên bài báo được đăng tải trên Infonet của Bộ Thông tin – Truyền thông ngày 12/7.
Câu hỏi này có hai luồng ý kiến trái chiều nhau.
Một phía thì cho rằng, việc ồ ạt bổ nhiệm mang lại một nguồn lợi to lớn cho cả hai phía, người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm. Tóm lại, luồng ý kiến này cho rằng có vấn đề gì gì đó về cái gì gì đó được đựng trong cái… gì gì đó.
Tuy nhiên, còn một ý kiến khác và mình thuộc “phe” này. Đó là khâm phục, rất khâm phục các vị ấy ở tinh thần trách nhiệm với những người kế nhiệm.
Này nhé, cái khó nhất của người làm lãnh đạo là tạo dựng một guồng máy hoàn chỉnh để có thể vận hành trơn tru nhất, kể cả khi họ không có mặt.
Thế nhưng trong khi đương nhiệm, họ quá bận mải nên không, hoặc quên chưa nghĩ đến điều trọng đại này. Khi gần về hưu, còn một hai tháng nữa chẳng hạn, mới “giật mình ngã ngửa” biết mình không trong cơ cấu, trong khi đó thì bộ máy chưa chưa hoàn chỉnh.
Thế là lập tức, họ vò đầu bứt tóc, là nghĩ ngày, nghĩ đêm để làm sao tạo lập được một guồng máy hoạt động hiệu quả.
Và thế là hàng loạt cán bộ “bỗng dưng” thăng tiến, ồ ạt kéo nhau làm… lãnh đạo.
Khổ. Gian nan thế, vất vả thế, hết lòng, hết sức vì thế hệ sau, vậy mà thiên hạ nỡ lòng nào nghi này, ngờ nọ nhỉ?
Dư luận còn đặt vấn đề “có hay không chuyến tàu vét”, ví việc cố “chén” đến miếng cuối cùng trước khi “tàn bữa tiệc” bằng ngôn ngữ của dân cờ bạc mới đau.
Mà không phải dư luận, một đại biểu rất uy tín là bác Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời báo chí cách đây 2 năm (10/2014) cũng nói:
“Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan thông tin và cơ quan quản lý là nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án. Đó chính là phòng ngừa. Chừng nào không phòng ngừa thì vẫn còn xảy ra vì ai cũng nghĩ rằng chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”.
Oan, oan cho các bác ấy quá. Xưa bị oan, Thị Kính còn đến cửa Phật mà nương nhờ, nay thì chẳng biết các bác ấy nương nhờ, trông cậy vào đâu? Mà phải ngậm nỗi oan đến suốt cuộc đời thì đau đớn quá.
Mà theo các bạn, việc bổ nhiệm ấy là do “cái gì gì đó” hay là bởi tinh thần trách nhiệm “ngút ngát trời xanh” của các bác ấy nhỉ?
Bùi Hoàng Tám/ Dân trí