Thứ Bảy

Cơ chế thị trường hay cái lý lùn của việc tăng học phí?

Nhiều người chỉ lựa chọn một vài logic thị trường để biện minh cho việc tăng học phí, nhưng lại phớt lờ những đặc tính cơ bản khác của nó.

 Cơ chế thị trường hay cái lý lùn của việc tăng học phí?
Tôi xuất thân từ một gia đình không giàu có. Bố và mẹ đều làm công nhân. Nếu phải trả hàng chục triệu mỗi năm cho hai đứa con học đại học, gia đình tôi chắc chắn không kham nổi.
Nhưng đại học, với tôi hay nhiều bạn bè cùng lứa, câu chuyện đáng kể duy nhất chỉ là “đỗ” hay “không đỗ”. Học phí thời tôi đi học, chỉ là 1,8 triệu đồng mỗi năm. Nếu không học đại học, tôi vẫn thành người, nhưng sẽ rất khác so với bây giờ. Vì vậy, tôi thực sự tri ân cơ hội do mức học phí ấy mang lại.

Nhiều bạn thí sinh trúng tuyển năm nay có lẽ sẽ không được nhẹ nhõm như vậy. Họ sẽ phải bận tâm nhiều hơn đến một vấn đề hệ trọng khác: tăng học phí.

Sau khi được trao quyền tự chủ tài chính, hầu hết các trường thí điểm đều cho học phí tăng mạnh, với lý do phải tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Ở trường Kinh tế Quốc dân, học phí tăng lên đến 30%, đạt ngưỡng cao nhất - 26,5 triệu đồng một năm học. Đó chắc chắn sẽ là gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, đặc biệt là như cha mẹ tôi, không chỉ có một đứa con học đại học.

Là một người học kinh tế, tôi hiểu lý lẽ của các trường về nguyên tắc cung - cầu, về giá cả của dịch vụ giáo dục. Thế nhưng, tôi cho rằng nhiều người chỉ lựa chọn một vài logic thị trường để biện minh cho việc tăng học phí, nhưng lại phớt lờ những đặc tính cơ bản khác của nó.

Thứ nhất, cơ chế thị trường đòi hỏi “thuận mua vừa bán”, với mức giá được thống nhất khi quyết định thực hiện hợp đồng. Sẽ không công bằng cho sinh viên, nếu như trường thay đổi mức giá mà chưa nỗ lực để cho các em biết cụ thể mức tăng sẽ như thế nào lúc đưa ra quyết định. Điều này giải thích vì sao sinh viên “sốc” khi được thông báo phải đóng mức học phí mới, dù nhà trường cho rằng đã đăng tải thông tin trước đó. Khi sinh viên đã vào năm thứ hai, thứ ba, rõ ràng việc từ chối dịch vụ, tức bỏ học, vì không chấp nhận mức giá mới là không thể. Nó cũng tương tự như khi bạn đi ăn một bát phở giá 50 nghìn, nhưng chan nước dùng xong, chủ quán mới tuyên bố rằng: nếu ngồi ăn trong quán, sẽ phải trả thêm 30 nghìn nữa. Đã lỡ gọi phở rồi, bạn sẽ không thể bê cái bát nóng bỏng tay ấy đi về nhà hoặc sang hàng trà đá cách đó 500 mét để ngồi ăn.

Thứ hai, cơ chế thị trường đòi hỏi tính minh bạch trong giao dịch. Nếu coi sinh viên là người mua, nhà trường phải trao quyền cho các em giám sát chất lượng dịch vụ mà các em bỏ tiền ra mua. Cụ thể, nhà trường phải công khai báo cáo tài chính, liệt kê cụ thể khoản thu - chi và việc sử dụng các khoản tăng thu từ học phí như thế nào.

Đây là điều mà các trường đại học lớn trên thế giới như nhóm Ivy League ở Mỹ, vốn có học phí cao ngất ngưởng, thực hiện. Thêm vào đó, sinh viên phải có quyền thay đổi hay từ chối dịch vụ nếu như chất lượng không đảm bảo yêu cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên có quyền thay giảng viên nếu thấy không phù hợp, đòi hỏi giảng đường có điều hoà, hay được đánh giá khoá học một cách nghiêm túc (thay vì kiểu giảng viên phát giấy và sinh viên xếp loại như hiện nay).

Tất nhiên, các trường sẽ cho rằng đó là câu chuyện quả trứng và con gà. Nếu mức học phí như cũ, trường sẽ không đủ kinh phí để thực hiện những thay đổi đó. Nhưng nếu coi giáo dục là một dịch vụ, và nhà trường tìm cách để bán dịch vụ đó một cách tốt nhất, thì việc đi vay để đầu tư là điều đương nhiên. Bạn không thể yêu cầu khách hàng trả 50 nghìn/cốc cà phê khi giá trị của nó chỉ là 20 nghìn, với hứa hẹn rằng số tiền thặng dư đó được dùng để trồng ra các giống cây cà phê chất lượng hơn cho họ trong tương lai. Nếu muốn sinh viên trả học phí cao hơn, các trường phải chứng tỏ được dịch vụ của mình là “đắt xắt ra miếng”.

Điều thứ ba, theo tôi là quan trọng nhất, thị trường giáo dục không chỉ là mối quan hệ giữa bên bán (trường đại học) và bên mua (sinh viên). Đây là một dịch vụ đặc thù, bởi bên được hưởng lợi từ dịch vụ này không chỉ là người trực tiếp mua mà còn là xã hội nói chung. Việc những môn như Kinh tế chính trị và Tư tưởng Hồ Chí Minh là môn bắt buộc, chiếm nhiều tín chỉ, là bằng chứng cho định hướng này: đây không hoàn toàn là quan hệ mua bán, mà còn nhằm tạo ra những con người phục vụ cho mục tiêu chính trị của đất nước.

Dù theo cơ chế thị trường, Đức và một số nước Bắc Âu miễn học phí ở trường công cho công dân. Dù theo cơ chế thị trường, Đại học Harvard, một trường tư thục, miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình có mức thu nhập thấp, dưới 60.000 USD mỗi năm (thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ là khoảng 52.000 USD). Tăng học phí để đưa thị trường về đúng điểm cân bằng là điều phải làm, nhưng mục tiêu tốt không đảm bảo cách làm đúng. Khi các trường chưa nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa minh bạch chi tiêu, và xã hội chưa tạo ra những cơ chế “chống sốc” hiệu quả cho sinh viên, việc tăng học phí theo kiểu phi mã như hiện nay sẽ có hại hơn là có lợi.

Cơ chế thị trường không thể được coi là chiếc áo màu nhiệm để che đậy những yếu kém tự thân của mình.

NGUYỄN KHẮC GIANG (VNEXPRESS)