“Năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu: “Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh”. Gần 30 năm qua, hoạt động Quốc hội (QH) đã có những bước tiến vượt bậc. Nhưng liệu QH đã thực sự thoát khỏi là “cây cảnh” chưa?”. Đó là vấn đề mà chúng tôi đã đặt ra với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm VPQH.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm VPQH |
Thưa ông, trong cuộc đời hoạt động QH của mình, điều gì làm ông nhớ nhất?
- Tôi tham gia Quốc hội 4 khóa, từ khóa VIII, năm 1987 đến khóa XI, năm 2007. Trong 20 năm tham gia hoạt động QH có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tuy nhiên có 2 sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi.
Ấn tượng thứ nhất là việc bầu người đứng đầu Chính phủ. Nhiều người còn nhớ, ngày 18/6/1987, tại kỳ họp thứ nhất, QH khoá VIII bầu đồng chí Phạm Hùng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT). Ngày 10/3/1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột qua đời lúc đang chỉ đạo công tác ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hội đồng Nhà nước đã họp và quyết định cử Phó Chủ tịch thường trực HĐBT Võ Văn Kiệt làm quyền Chủ tịch HĐBT cho đến khi QH bầu Chủ tịch mới.
Tháng 6/1988, trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 3 QH khoá VIII có vấn đề bầu Chủ tịch mới của HĐBT. Trung ương giới thiệu đồng chí Đỗ Mười khi ấy đang là Thường trực Ban Bí thư. Tuy nhiên khi ra QH thì nhiều đoàn đại biểu giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. Ý kiến của đại biểu QH được những người lãnh đạo trực tiếp của QH là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch QH Lê Quang Đạo đồng tình và được Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhất trí. Sau khi thảo luận dân chủ về danh sách đề cử, QH đã quyết định đưa ra hai ứng cử viên để đại biểu lựa chọn và bầu một người giữ chức Chủ tịch HĐBT. Kết quả là đồng chí Đỗ Mười trúng cử chức vụ Chủ tịch HĐBT.
Trong sự kiện có tính lịch sử ấy, có vai trò hết sức quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đó cũng là bài học sâu sắc trong hoạt động của QH mà các đại biểu QH và nhân dân đang mong muốn sẽ được tiếp tục thực hiện trong các cuộc bầu cử khác.
Còn ấn tượng thứ hai là vào kỳ họp giữa năm 1994 của QH khóa IX, QH tiến hành truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển hết sức quan trọng trong tiến trình sinh hoạt dân chủ trong QH. Còn với người dân thì đây là lần đầu tiên họ được xem truyền hình trực tiếp, nghe phát thanh trực tiếp những buổi chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là sự thể hiện hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đối với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người rất tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, và luôn đề cao vai trò của cơ quan dân cử. Ông từng có câu nói nổi tiếng thời bấy giờ “Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh”. Vậy, theo ông hiện nay QH có còn là “cây cảnh” nữa không?
- “Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh!”. Đây là ý kiến thể hiện bản lĩnh của một cán bộ lãnh đạo chân chính, có chính kiến rõ ràng về vấn đề đổi mới tổ chức, hoạt động của QH.
Quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tác động rất lớn đến vai trò của QH. QH đang ngày càng dân chủ hơn, thể hiện rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trước đó, nhiều vấn đề đưa ra QH đều phải được duyệt. Tuy nhiên từ phiên họp thứ nhất QH khóa VIII, đồng chí Nguyễn Văn Linh, thay mặt Bộ Chính trị, giao cho đồng chí Võ Chí Công chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của QH trước Đảng. Bộ chính trị không thảo luận kỹ từng vấn đề cụ thể nữa. Những vấn đề nào cần thiết lắm QH mới xin ý kiến Bộ chính trị. Vì vậy, có thể nói sự đổi mới mối quan hệ giữa Đảng và QH ở khóa VIII là tuyệt vời nhất.
Cũng tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa VIII, trong bài phát biểu của mình, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định về mặt nhà nước phải được đưa ra QH bàn bạc dân chủ, không được đặt QH trước việc đã rồi. Nghị quyết của QH là mệnh lệnh tối cao mang tính pháp lý, không một tổ chức hoặc cá nhân nào được phép thay đổi hoặc không thực hiện”. Qua 20 năm hoạt động QH của mình, theo ông có bao nhiêu phần trăm các quyết định của QH bị “đặt trước việc đã rồi”?
- Thực ra nói như vậy thôi, nhưng thực tiễn mà tôi được chứng kiến trong 20 năm thì QH được quyền chủ động quyết định khá nhiều. Tuy nhiên có nhiều việc QH không thể tự quyết định, tôi nói ngay như Nhà máy lọc dầu Dung Quất chẳng hạn, khi đưa ra QH thảo luận thì đa số các đại biểu muốn xây dựng Nhà máy lọc dầu ở Long Sơn (Vũng Tàu). Vì khai thác dầu thô đưa về đấy lọc, chế biến là thuận tiện nhất, chỉ trong hai năm xây dựng là có thể khai thác được ngay. Việc đặt khu lọc dầu ở Dung Quất rất tốn kém mà lại không hiệu quả.
Thực ra khi quyết định đặt Nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, về mặt tình cảm là rất tốt, vì khu vực miền Trung còn rất khó khăn, muốn đặt một khu công nghiệp tại đây để nâng kinh tế miền Trung lên. Đáng ra ta phải xét đến khía cạnh khoa học, kinh tế để làm, còn nếu muốn đầu tư cho miền Trung thì bằng cách khác. Đấy là một quyết định đặt QH vào chuyện đã rồi.
Chuyện thứ hai là đường Hồ Chí Minh. Thực ra đường đó rất cần làm, nhưng là trong tương lai chứ không phải thời điểm đó. Tại thời điểm đó đáng nhẽ phải dành nguồn kinh phí để nâng cấp Quốc lộ 1A thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Để không thành cây cảnh: QH cần làm gì?
Năm 1992 QH ra nghị quyết về cổ phần hóa, yêu cầu tách doanh nghiệp ra khỏi sự quản lý của các bộ để hoạt động theo cơ chế thị trường. Tiếp đó, năm 1993, QH thông qua một nghị quyết cực kỳ quan trọng về chống tham nhũng, kèm theo đó là Quy chế về việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quy chế này nêu rõ: “Ba tháng Thủ tướng, Chủ tịch QH phải họp với nhau về vấn đề này. Sáu tháng phải báo cáo cho đại biểu QH biết về vấn đề này”. Nhưng tiếc là sau đó QH đã không thực hiện quy chế này và cũng chưa bao giờ tổng kết việc thực hiện các nghị quyết trên. Phải chăng trong một số vấn đề quan trọng QH lại tự biến mình thành “cây cảnh”?
- Đây là vấn đề thực hiện chưa nghiêm. QH có quyền đó rồi, nhưng lại không thực thi đầy đủ quyền của mình. Đáng ra QH phải giám sát việc Chính phủ thực hiện nghị quyết của QH về CPH, về chống tham nhũng. Chẳng những Chính phủ không thực hiện rốt ráo việc CPH mà còn thành lập ra các Tổng công ty 90, 91, rồi thì các tập đoàn kinh tế mạnh nữa. Kiểm điểm lại thì thấy QH còn rất nhiều việc chưa làm được.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy trình làm luật và chất lượng các bộ luật của chúng ta hiện nay?
- Quy trình làm luật của chúng ta hiện nay, về cơ bản, vẫn là Chính phủ xây dựng, chiếm từ 90 đến 99%. Sau khi nhận được, Ủy ban Thường vụ QH giao cho các ủy ban chuyên môn hoàn thiện, thẩm tra, trước khi trình ra QH. Có thể nói, các luật được đưa sang QH có chất lượng chưa cao. Bản thân các Ủy ban chuyên môn của QH cũng cần phải nâng cao trình độ chuyên môn hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Kết quả là các văn bản luật của chúng ta vẫn mang tính luật khung. Vì thế, sau đó cần rất nhiều những Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành mới thực thi được. Rồi thì chất lượng giám sát cũng nhiều vấn đề cần phải cải cách.
Chất lượng làm luật của chúng ta chưa cao còn có nguyên nhân là trình độ am hiểu về luật pháp của nhiều đại biểu QH chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng của các đại biểu chuyên trách ở các ủy ban cũng chưa cao. Thậm chí là một số vị phụ trách lĩnh vực, đa phần là những người được phân công, nên trình độ chuyên môn chưa sâu. Có vị sang QH đảm nhiệm chức vụ mới bắt đầu “học việc” và không ít trường hợp lại chưa “thuộc bài”. Tất cả những cái như vậy đều ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng làm luật của chúng ta.
Có ý kiến cho rằng, những quyền mà Ủy ban Thường vụ QH hiện nay đang đảm nhiệm phải thuộc về QH, vì theo nguyên tắc thì quyền lực phải thuộc về số đông, chứ không thể chỉ tập trung vào mấy chục Ủy viên thường vụ. Theo ông có nên cải cách vấn đề này để QH thực quyền hơn không?
- Theo tôi cần phải tiếp tục cải tiến hơn nữa, trả lại cho QH những quyền thực chất nhiều hơn nữa. Nhưng muốn vậy thì QH phải hoạt động thường xuyên hơn, thời gian QH hoạt động như hiện nay là không đủ. Đồng thời QH cũng cần phải đổi mới cách làm việc. Như vậy, trong tương lai, phải tiếp tục cải tiến hơn nữa và nâng cao hơn nữa vai trò của QH nói chung và các Ủy ban của QH nói riêng.
Số lượng các đại biểu QH như hiện nay có nhiều quá không và cách thức làm việc của QH tại hội trường, theo ông, có nên cải cách gì nữa không?
- QH phải thể hiện tính đại diện của nhân dân. Vì vậy, số lượng các đại biểu trên dưới 500 người, theo tôi, là hợp lý. Vấn đề là phải lựa chọn làm sao để có nhiều đại biểu am hiểu về pháp luật hơn nữa.
Còn thời gian họp của QH, theo tôi, không thể ít hơn được nữa. QH các nước người ta họp quanh năm. Tuy nhiên cách thức họp thì cần cải tiến rất nhiều. Thí dụ, không nhất thiết bắt buộc lúc nào cũng cứ phải 500 đại biểu ngồi trên hội trường. Giống như QH các nước người ta vẫn làm. Có phiên họ họp thâu đêm suốt sáng, những đại biểu nào có liên quan, có hiểu biết sâu sắc về luật, bộ luật ấy thì tham gia thảo luận thì ngồi dự ở hội trường để phát biểu. Các đại biểu khác có thể ngồi ở phòng làm việc của mình để theo dõi qua màn hình và làm những công việc khác. Khi nào bỏ phiếu thì ra hội trường bấm nút biểu quyết. Còn chúng ta cả 500 đại biểu đều phải ngồi ở hội trường cả tháng trời, quá mệt mỏi.
Xin hỏi ông câu cuối cùng, ông mong muốn gì ở QH khóa XIV sắp tới?
- Kỳ họp QH tới dự kiến chỉ có 10 ngày, chủ yếu là làm công tác nhân sự. Thông lệ lâu nay vẫn làm như vậy. Tuy nhiên, ở kỳ họp 11 của Quốc hội khoá XIII vừa qua vấn đề nhân sự đã được giải quyết một bước cơ bản, vì thế, theo tôi nên cải tiến để ngay ở kỳ họp thứ nhất này có thể bàn tới một số nội dung quan trọng, cấp bách. Ví dụ như: Quốc hội, Chính phủ công bố chương trình hành động cả nhiệm kỳ khoá XIV để các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước đóng góp ý kiến. Nếu làm được như vậy sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao sinh hoạt dân chủ của đất nước
Xin cám ơn ông!
Theo Hội Truyền Thông Việt Nam