Binh pháp Tôn Tử viết: “Bao vây quân địch nên chừa một lối thoát cho chúng, địch cùng khốn thì không nên quá bức bách chúng”. Giờ là lúc nên chừa cho Trung Quốc một lối thoát để họ đỡ mất mặt mà làm càn.
Không để cho Trung Quốc làm càn! |
“Cách Trung Quốc phản ứng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc một phần vào những hành động của Mỹ và Philippines” – Bà Bonnie Glaser, học giả chuyên nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Theo bà Glaser, “Hoa Kỳ cần có sự cân bằng giữa việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài với việc gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thực thi phán quyết đó. Trong cùng thời gian đó, Washington cũng nên để chừa một không gian ngoại giao cho Trung Quốc… để họ lách ra khỏi cái thế bí mà họ đã tự đặt mình vào”.
Hoa Kỳ cần tiếp tục tuần tra quân sự trong khu vực, kể cả tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng không cần phải công bố công khai.
Đồng quan điểm với bà Glaser, Jeffrey Hornung, một chuyên gia thuộc Quỹ Hòa bình Sasakawa Mỹ cũng cho rằng: Điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm là không hả hê quá về phán quyết của PCA hay thất bại của Trung Quốc.
Không ai hi vọng Bắc Kinh sẽ tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye, khi mà chính phủ Trung Quốc đã kiên quyết bác bỏ thẩm quyền của tòa và tỏ rõ sự coi thường phán quyết. Nhưng vấn đề là chúng ta muốn Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào: Sẽ chỉ đáp trả một cách hạn chế bằng cách phát đi những bình luận cay nghiệt, thù địch hay là đáp trả bằng hành động quân sự.
Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines và biến nó thành một tiền đồn quân sự. Việc này có khả năng dẫn đến một cuộc xô đẩy, đụng độ giữa các tàu hút bùn Trung Quốc và tàu của Philippines, sau đó kéo theo sự tham gia lực lượng quân sự của hai bên.
Trong trường hợp lạc quan nhất, Bắc Kinh sẽ nhận ra họ đang “tự đào hố chôn mình”, họ đang bị khu vực xa lánh vì những hành động hung hăng, hiếu chiến của mình và cần phải dừng lại việc đào bới làm cho cái hố đó sâu thêm đến nỗi không thoát ra ngoài được.
Vì vậy, nếu Mỹ và Philippines “nói nhẹ” với Trung Quốc, họ có thể cho ông Tập Cận Bình một lối thoát để lựa chọn con đường hòa bình hơn. Sự hả hê, tung hô ồn ào quá lớn về chiến thắng của Philippines và sự thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài có thể sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, tạo áp lực khiến chính phủ Bắc Kinh mất kiểm soát và có những hành động leo thang.
Chuyên gia Glaser cho rằng, “dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cường điệu về những sai lầm của họ trong quá khứ, bao gồm cả cái gọi là “sự mất mát lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông”. Việc thỏa hiệp sẽ rất khó khăn vì nó được miêu tả như một tín hiệu của sự yếu đuối”.
Tuy nhiên, theo bà Glaser, cũng không phải là không có triển vọng về sự thỏa hiệp, khi Trung Quốc đã mở lời muốn đàm phán với Philippines. Mặc dù Trung Quốc có “tiền sử” dùng các cuộc thảo luận một – đối – một để gây sức ép với các quốc gia nhỏ hơn, nhưng trong trường hợp này, “Mỹ nên cho chính phủ mới của Philippines có cơ hội để đàm phán song phương với Trung Quốc”. Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là người khá xa rời với lập trường chống Trung Quốc, ủng hộ Mỹ của người tiền nhiệm Benigno Aquino III. Ông ta nhiều khả năng sẽ thỏa thuận với Trung Quốc.
Còn Trung Quốc nếu khôn ngoan ra thì họ nên đồng ý mở các cuộc đàm phán với Philippines mà không cần điều kiện tiên quyết là Manila phải “lờ” phán quyết của PCA. Hai bên có thể thảo luận về cách để xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp về khu vực đánh cá. Trong khi đó, Trung Quốc nên ngừng quấy rối ngư dân Philippines đang đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế.
Tất nhiên, cho dù Philippines và Trung Quốc có thể thỏa hiệp với nhau, cho dù kịch bản lạc quan nhất xảy ra, thì cũng chẳng thể tin được rằng Bắc Kinh sẽ đánh giá lại chiến lược bá quyền của họ. Người Trung Quốc có câu “Anh hùng trả thù 10 năm chưa muộn” – họ tự hào về sự kiên nhẫn chiến lược của mình, những gì họ không giành chiến thắng ngày hôm nay thì ngày mai, hoặc nhiều năm tới, họ vẫn nuôi mưu đồ giành chiến thắng cuối cùng.
Bắc Kinh có thể sẽ tái tập trung vào tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, hoặc vào các mục tiêu khác trên thế giới, trong khi vẫn âm thầm tiến hành chiến thuật “vùng xám” (Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng mà không công khai sử dụng vũ lực, thường xuyên sử dụng các tàu dân sự và bán quân sự) và chiến thuật “cắt lát salami” (ban đầu chỉ là những hành động nhỏ, có tính chất tăng dần, không đủ để tạo ra sự cố, nhưng sẽ tích tụ dần dần để trở thành những thay đổi lớn) ở Biển Đông, bởi tham vọng bá quyền của họ là bất biến.
Theo Petrotimes