Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cố tình thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước. Và giờ đây, nước này đang phải vật lộn với chính đám cháy đó.
Ngày 12/7, Tòa trọng tài quốc tế tại Hague (PCA) đã đưa ra phán quyết cuối cùng sau thời gian dài chờ đợi, bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc. Sau khi PCA tuyên bố phán quyết vào khoảng 17h (giờ Bắc Kinh), rằng tuyên bố lịch sử của nước này không có tính pháp lý, một làn sóng giận dữ đã bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi "chủ nghĩa dân tộc" được dịp bộc lộ.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc hung hăng đòi chính phủ thực hiện những biện pháp táo bạo hơn. Nguồn: Getty |
Chỉ vài tiếng sau tuyên bố, cụm từ “tòa trọng tài về Biển Đông” đã trở thành xu hướng nổi bật trên Weibo, mạng xã hội tương tự Twitter ở Trung Quốc, và hàng trăm nghìn bình luận được đưa ra. Rất nhiều người bày tỏ sự tức giận trước phán quyết của PCA, trước Mỹ và Philippines, quốc gia đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa quốc tế vào năm 2013.
Một cư dân mạng miêu tả quyết định của tòa án là “phí giấy và chẳng có nghĩa lý gì”, cũng giống như các lãnh đạo Bắc Kinh trước đó từng tuyên bố sẽ không chấp nhận hay tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài.
“Chiến đấu cho từng tấc đất”, một người khác viết lại cụm từ được chia sẻ rộng rãi trên mạng sau phán quyết. Một người khác lại kêu gọi tẩy chay iPhone 7, với lý do đó là sản phẩm của Apple, một công ty đến từ Mỹ.
Các bình luận khác cũng bày tỏ sự giận dữ đối với Philippines. PCA không đưa ra phán quyết về chủ quyền trên Biển Đông nhưng cho rằng các đặc tính như rạn san hô hay đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa, gần Philippines, không đủ rộng để tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Tòa án cũng kết luận rằng Trung Quốc đã ngăn chặn trái phép tàu cá của Philippines quanh khu vực quần đảo Trường Sa.
“Những người bán chuối thì nên tiếp tục bán chuối, đừng khiến bản thân liên lụy vào cá của người khác”, một người dùng Weibo bình luận, trong đó nhắc đến loại sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Philippines sang Trung Quốc, đã thu hút được hơn 35.000 lượt thích. Một người khác viết: “Kể cả có Mỹ bên cạnh thì cũng chẳng tác dụng gì”.
Các cuộc thảo luận tương tự cũng chiếm đa số trên những trang mạng xã hội và hình thức truyền thông trực tuyến khác. Một bài viết trên ứng dụng điện thoại WeChat kêu gọi: “Cuộc chiến trên Biển Đông cần bắt đầu từ đêm nay’, nhận được hơn 100.000 lượt xem và các bài viết tương tự cũng được chia sẻ rộng rãi. Một bức hình meme phổ biến trên cả Weibo và WeChat là hình một tấm bản đồ Trung Quốc bao gồm cả “đường chínd đoạn” bên dưới với khẩu hiệu: “Trung Quốc, chúng ta không thể để mất dù một dấu chấm”.
Phoenix, một kênh truyền thông khá thân thiện về Bắc Kinh có trụ sở ở Hong Kong, thậm chí còn đăng tải một web game với tên gọi “Cuộc phiêu lưu trên Biển Đông”. Người chơi đóng vai một ngư dân Trung Quốc bị mất phương hướng trong một cơn bão trên Biển Đông. Dù đối mặt với đòi hỏi từ phía Hải quân Mỹ hay bị cầm tù bởi lực lượng vũ trang Việt Nam, người chơi sẽ được cứu bởi quân đội Trung Quốc với các căn cứ được xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo của Bắc Kinh.
Tất nhiên, bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh như thường lệ không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc. Không có gì ngạc nhiên khi các cơ quan kiểm duyệt đã xóa các bài viết trên Weibo có tư tưởng trái với nhà cầm quyền, ví dụ như một bài viết cho rằng “Biển Đông không thuộc Trung Quốc” kèm theo một bức ảnh người dân Philippines đang biểu tình chống lại những hành động của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo thông tin từ trang web chống kiểm duyệt Freeweibo, hầu hết các bài bị xóa không chỉ là của những người có tư tưởng không yêu nước mà còn của cả những người ái quốc thái quá, ví dụ như kêu gọi hành động quân sự chống lại Mỹ hay Philippines để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. “Chiến tranh cuối cùng sẽ nổ ra ở Biển Đông”, một người dùng viết và sau đó đã phải xóa đi.
Các bài viết khác bị xóa có nội dung như “Tối qua tôi quá là hào hứng đến nỗi không ngủ được”, “Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế là một sự sỉ nhục đối với Trung Quốc. Tại sao chúng ta phải chờ cái kết quả như vậy? Với một đội quân lớn, tại sao chúng ta không chiến đấu để lấy lại lãnh thổ”, “Chúng ta chắc chắn sẽ chiến đấu”…
Bắc Kinh đã tạo ra tình trạng mập mờ cho cả khán giả trong và ngoài nước về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông cũng như tấm bản đồ “đường chín đoạn” mà nước này tự ý vẽ ra. Năm 2012, Trung Quốc sửa lại hộ chiếu bao gồm một tấm bản đồ cho thấy khu vực Biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Năm 2014, chính phủ lại ban hành một tấm bản đồ thẳng đứng cho thấy Biển Đông là một phần liên tục của Trung Quốc, thay thế những bản đồ nằm ngang trước đó mà khu vực này chỉ là phần phình ra. Các bản tin truyền thông trung ương liên tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc “có chủ quyền không thể chối cãi” được đối với các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.
Mặc dù Bắc Kinh có ý định củng cố quyết tâm dân tộc và “trưng” một bộ mặt mạnh mẽ với thế giới bên ngoài song chiến lược này lại rất mạo hiểm. Nếu đảng cầm quyền không thể duy trì được toàn vẹn lãnh thổ, hoặc nếu không sẵn sàng đáp ứng kêu gọi sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn của người dân, thì chế độ này sẽ bị coi là quá yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Những người dân yêu nước có thể sẽ chuyển hướng sự tức giận sang chính quyền lãnh đạo. Bắc Kinh thường nhấn mạnh rằng hòa bình trong khu vực là sự sống còn đối với sự thịnh vượng của đất nước, ám chỉ rằng mặc dù những tuyên bố hàng hải là quan trọng song nước này sẽ không bắt đầu một cuộc chiến với Philippines hay Mỹ. Thế nhưng, lực lượng yêu nước thái quá có thể gây áp lực buộc chính phủ phải tiến hành các biện pháp táo bạo hơn.
Mặc dù các bài viết hay cách nói cực đoan không hoàn toàn bị loại bỏ khỏi các trang mạng Trung Quốc, nhưng việc cơ quan kiểm duyệt “ra tay” sau phán quyết của PCA giống như một lời nhắc nhở rằng giống như việc ngân sách an ninh nội địa Trung Quốc thường vượt quá chi phí quốc phòng của nước này, kể cả trong các vụ việc tranh chấp lãnh thổ chính, điều đó cũng có nghĩa là Bắc Kinh coi các mối đe dọa xuất phát từ bên trong đất nước nhiều hơn và nguy hiểm hơn các mối đe dọa từ bên ngoài.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.