Thứ Bảy

Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc

Nếu không có sự vào cuộc của truyền thông, Hà Tĩnh có tự mình phát hiện ra những sai phạm của Formosa như ông Dương Tất Thắng khẳng định?

Sau khi báo chí vào cuộc phanh phui chuyện chôn chất thải rắn của Formosa tại một trang trại ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo “hoả tốc”  đến Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.

Chất thải đóng gói ngập tràn Formosa (Ảnh nguồn: Vietnamnet.vn)


Các cơ quan này đã “ngay lập tức” có buổi làm việc với Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Trả lời truyền thông, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Để xảy ra vấn đề này, không thể không nói tới trách nhiệm của Formosa.

Trước hết Formosa phải kiểm tra chặt chẽ những đơn vị này có đủ chức năng hay không, việc giám sát trong quá trình triển khai như thế nào?”. [1]

Yêu cầu một doanh nghiệp nước ngoài “kiểm tra chặt chẽ” các doanh nghiệp trong nước có “đủ chức năng hay không” khi thuê vận chuyển, xử lý chất thải đương nhiên là việc phải làm.

Tuy nhiên trong làm ăn kinh tế với người Trung Quốc, nếu không nhìn trước vấn đề, phần thiệt bao giờ cũng đổ vào đầu doanh nghiệp Việt Nam; đấy là chưa nói đến những trường hợp vì hám lợi mà quên đi nghĩa vụ đối với quốc gia, dân tộc.

Giá như ông Phó Chủ tịch Hà Tĩnh “trước hết” quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý địa phương như Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… thì chắc chắn sự việc sẽ không khiến phải tốn nhiều giấy mực của báo chí và công sức của các cơ quan có trách nhiệm.

Việc chôn lấp mấy trăm tấn chất thải không thể diễn ra chỉ trong một đêm, không thể chỉ trong một cái hố nhỏ, vậy chính quyền địa phương Kỳ Anh, cảnh sát môi trường bận việc gì?

Tin cho hay trong tổng số 267 tấn chất thải dạng bùn (chất thải rắn) đã được đưa ra khỏi khu vực công ty Formosa có 189 tấn chất thải công nghiệp, còn lại là chất thải sinh hoạt thông thường.

Điều đáng lưu tâm là việc vận chuyển chất thải công nghiệp rắn mà Formosa ký với Công ty cổ phần xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty Kỳ Anh) do ông Lê Quang Hoà làm Giám đốc, được ký vào tháng 4/2016, đây chính là thời điểm mà vùng biển ven bờ bốn tỉnh miền Trung bị đầu độc bởi chất thải lỏng Formosa  đổ ra biển Vũng Áng.

Trong số hàng trăm tấn chất thải công nghiệp mà Công ty môi trường Kỳ Anh đã chôn lấp, có hay không các chất thải độc hại tạm thời chưa bàn ở đây.

Câu hỏi đặt ra là sau gần ba tháng biển Hà Tĩnh bị đầu độc, vấn đề được cả thế giới quan tâm chứ không chỉ tại Việt Nam, vì sao chỉ sau khi truyền thông vào cuộc thì lãnh đạo Hà Tĩnh mới “hỏa tốc” chỉ đạo cơ quan chức năng trong tình hình xem xét?

Nếu không có sự vào cuộc của truyền thông, liệu Hà Tĩnh có tự mình phát hiện ra những sai phạm của Formosa như ông Dương Tất Thắng khẳng định?

Nếu những người - cơ quan có trách nhiệm ở Hà Tĩnh tự đặt ra câu hỏi: “chất thải lỏng độc hại Formosa đã xả theo đường ống ra biển, vậy cặn còn lại được xử lý như thế nào?” thì việc chôn lấp chất thải rắn chắc chắn sẽ được kiểm tra làm rõ.

rả lời phỏng vấn của phóng viên Thiện Lương – Duy Tuấn (Vietnamnet.vn 13/7/2016) về trách nhiệm trong vụ chôn lấp chất thải rắn của Formosa tại Kỳ Anh, ông Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh đã rất vô tư tuyên bố 3 không: “không nắm, không biết, không phải”, nguyên văn đối thoại của ông Tá: [1]

“Tôi là Giám đốc phụ trách cái tổng thể, nên cụ thể tôi không thể nắm hết được”?

“Công ty Phú Hà được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Công ty này được Bộ TN&MT cấp hay cơ quan nào đó cấp phép. Việc này tôi sẽ kiểm tra lại. Đương nhiên, sở TN&MT không có thẩm quyền cấp, còn cụ thể cơ quan nào cấp thì tôi sẽ kiểm tra lại (tức là không biết)”.

“Việc chôn cả trăm tấn chất thải trong trang trại ông Hòa mà Sở không biết thì cái này giám sát cũng rất là khó, kiểm tra thì không phải hằng ngày mình kiểm tra được”?

Có lẽ đi xuống tận nhà máy kiểm tra không phải là việc của Giám đốc Sở TN&MT, thậm chí không phải là nhiệm vụ của Trưởng phòng cấp huyện như ông Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn mà Bí thư Đinh La Thăng đã đề nghị cách chức!

Liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng “Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc đổ chất thải của Formosa và sở này đang làm rất tốt công việc của mình". [2]

Đọc kỹ phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ thấy hình như ý kiến của ông Hà trái ngược hoàn toàn ý kiến của ông Giám đốc Sở Hà Tĩnh: “Theo quy định, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại phải được cơ quan quản lý Trung ương cấp phép nếu chất thải đó thải ra đi nhiều tỉnh; nếu chỉ xử lý ở địa phương thì Sở TN&MT cấp phép”. [2]

Công ty môi trường Kỳ Anh chôn lấp chất thải ngay tại tổ dân phố Hoàng Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nghĩa là không phải “ngoài tỉnh”.

Không biết ông Giám đốc Võ Tá Đinh nghĩ sao về ý kiến: “nếu chỉ xử lý ở địa phương thì Sở TN&MT cấp phép” khi cho rằng “đương nhiên, sở TN&MT không có thẩm quyền cấp”?

Cũng cần nói rõ thêm là lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã khẳng định Công ty Phú Hà không hề chuyển chất thải độc hại của Formosa ra khỏi Hà Tĩnh, nó cũng chỉ nằm quanh quẩn đâu đó tại tỉnh nhà nhưng cho đến nay, có lẽ hàng trăm tấn chất thải độc hai này hóa thành “sâu” hết nên tìm mãi mà … “chưa biết nằm ở đâu”?

Từ ý kiến của Bộ trưởng và Giám đốc Sở người ta chợt nhớ đến câu chuyện ông Giám đốc Giao thông ngày nào phản pháo ông Bộ trưởng cùng ngành, đại ý “Bác Bộ trưởng nói thế cho vui chứ chắc chẳng có ý gì”?

Chắc hẳn nhiều người không quên chiến dịch tuyên truyền tiêu thụ bia Sài Gòn tại Hà Tĩnh, nếu chuyện quản lý môi trường cũng được “quán triệt” như bia thì chắc không đến nỗi hàng trăm tấn chất thải chôn lấp ngay gần khu dân cư tình nhà mà tất cả đều không hay biết.

Trở lại hợp đồng của Formosa và Công ty môi trường Kỳ Anh, đơn giá các đơn vị đủ năng lực và được cấp phép xử lý chất thải rắn Formosa đưa ra là 1.000đ/kg. Nếu Formosa ký với các đơn vị này thì với 267 tấn chất thải đã đưa trót lọt khỏi công ty họ sẽ phải chi trả 267 triệu đồng.

Đơn giá mà Formosa ký với Công ty môi trường Kỳ Anh là 800đ/kg, họ đã tiết kiệm được trên 50 triệu đồng tức là khoảng 2.500 USD. Đó là một con số quá nhỏ so với số vốn đầu tư nhiều tỷ đô la mà Formosa bỏ ra.

Vấn đề có phải là Formosa chỉ đơn thuần nhằm tiết kiệm chi phí? 

Người viết cho rằng không phải như vậy? Ở đây, Formosa đã thực hiện một mũi tên trúng hai đích, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không phải chịu trách nhiệm nếu các chất thải đó là nguy hiểm cho môi trường và con người.

Thay vì tìm lỗi ở Formosa, hãy xem lại bản thân mình trước. Nếu không vì hám lợi, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường sức khỏe đồng bào mình thì ông Lê Quang Hoà đã không liều lĩnh chôn chất thải trong trang trại của mình kể cả khi đó chỉ là chất thải sinh hoạt.

Ngay rác thải sinh hoạt nếu không được xử lý đúng nơi, đúng cách cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân rất nhiều địa phương, thậm chí còn dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Hành động tiếp tay cho người nước ngoài làm ăn phi pháp, phá hoại môi trường, xuyên tạc lịch sử đất nước,… xuất hiện ngày càng nhiều.

Điều đặc biệt nguy hiểm không phải ở những kẻ giấu mặt mà lại là những người có chức có quyền, chẳng hạn một lãnh đạo cấp sở ở tỉnh Khánh Hòa khi còn đương chức.

“Công ty gia đình ông Trương Đăng Tuyến (Silent Bay) đã hợp đồng đảm bảo cung cấp chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thủ tục tạm trú hợp pháp, an toàn cho đội ngũ hơn 90 hướng dẫn viên và nhân viên người Trung Quốc” – báo Tuoitre.vn đăng tải ngày 22/6/2016.

Bao nhiêu người trong số 90 người mà công ty gia đình ông nguyên Giám đốc sở “bảo lãnh” đã xuyên tạc lịch sử Việt Nam, tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại Hán khi dẫn khách Trung Quốc du lịch tại Khánh Hòa?

Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND tỉnh gấp rút kiểm tra hoạt động của Silent Bay, đồng thời xem xét ông Trương Đăng Tuyến có vi phạm Luật phòng chống tham nhũng hay không trong việc để vợ và con trai góp vốn, điều hành công ty trên khi ông còn là Giám đốc sở. [3]

Việc để cho thương lái Trung Quốc luồn lách tới tận các hang cùng ngõ hẻm thu mua rễ cây hồi trước đây hay rễ cây hồ tiêu, hoa thanh long… hiện nay là lỗi của chính quyền phường xã, tổ chức Đảng cơ sở, lỗi của các tổ chức du lịch, lữ hành đưa người Trung Quốc vào Việt Nam.

Trên thế giới, chẳng có nước nào cho công dân nước ngoài sục sạo buôn bán không phải kiếm lời mà với mục đích phá hoại như chúng ta đang để cho thương lái Trung Quốc làm.

Những hành động đó thường được nhắc bởi cụm từ “buông lỏng quản lý” nhưng nói một cách nghiêm túc đó là tiếp tay cho người nước ngoài phá hoại kinh tế, môi trường đất nước mình.

Đã đến lúc những hành đông “tiếp tay” đó phải bị xem là bán nước hại dân, phải bị nghiêm trị chứ không chỉ nhắc nhở.

Người dân băn khoăn, người dân tự hỏi, rằng không biết với những cán bộ như nguyên lãnh đạo ngành Công Thương, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang,… bộ phận tham mưu cho lãnh đạo có cần phải đi tìm “bộ phận không nhỏ” mà lâu nay tìm mãi vẫn… không biết nằm ở đâu?

Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/315542/pho-chu-tich-ha-tinh-tam-dung-chuyen-chat-thai-khoi-formosa.html
[2]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/so-tn-mt-ha-tinh-dang-xu-ly-rat-tot-vu-chat-thai-formosa-20160714114248777.htm
[3] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160622/cong-ty-cua-con-giam-doc-so-lam-gia-ho-so/1122412.html