Theo TS Nguyễn Đình Cung, thời điểm hiện nay, cộng cả yếu tố nội sinh (cải cách) yếu tố ngoại lực (sự canh tranh, hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới) đang tạo cho Việt Nam những cơ hội vàng để chuyển nhanh, mạnh nền kinh tế sang cơ chế thị trường đầy đủ.
Phát biểu tại hội nghị mới đây tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng cho rằng: Về lý thuyết, Việt Nam đang có cơ hội tốt nhất, là thời điểm dứt khoát chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường đầy đủ.
Cải cách khu vực DNNN, nơi chiếm nhiều nguồn lực nhất lại có sự tăng trưởng chậm nhất, giá trị gia tăng không tương xứng với lợi ích vốn có (ảnh minh họa) |
Theo ông Cung, thời gian qua chính sách phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam còn mâu thuẫn và ngáng trở bởi chưa xác định được cơ chế kinh tế, trong đó vẫn lấy mô hình kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Tuy nhiên, từ Đại hội 12 của Đảng, điều này đã khác.
"Chúng ta muốn phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn muốn kinh tế Nhà nước phình to, lớn mạnh. Trong khi đó, kinh tế tư nhân chưa được chú trọng, hỗ trợ phát triển đầy đủ. Muốn đi lên nền kinh tế thị trường đầy đủ, Việt Nam phải thay đổi về tư duy, não trạng của chiến lược kinh tế. Giảm dần vai trò, tác động của kinh tế Nhà nước bởi nhiều lĩnh vực, kinh tế Nhà nước tăng trưởng về quy mô, nhưng không hiệu quả kinh tế, chiếm dụng nguồn lực, có thị trường và cơ chế nhưng không gia tăng giá trị, khiến thị trường thiên lệch méo mó", Viện trưởng Cung nói.
Theo vị chuyên gia này, cần coi cạnh tranh, minh bạch và năng suất của nền kinh tế là trọng đầu tiên. Vấn đề cải cách cấp thiết nhất.
Về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nút thắt lớn về quyền và lợi ích, chúng ta cần tách DN khỏi các bộ, phải lập 1 lực lượng đối trọng, buộc các DNNN cạnh tranh, chứ không thể như hiện nay rất thiên lệch. Quan điểm của tôi, phải cải cách đồng loạt trên tất cả mọi lĩnh vực, tạo tính tương hỗ, không giằng xé lẫn nhau và mới nhanh được.
"Hiện, các rào cản gia nhập thị trường đối với khởi nghiệp, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ quá lớn, quá nhiều. Ngay việc kinh doanh vận tải ô tô khách, mỗi DN muốn đăng ký kinh doanh phải có 20 đầu xe (thành phố) và 10 đầu xe (nông thôn). Về quản lý Nhà nước, 10 xe hay 20 xe không có ý nghĩa gì bằng việc quản lý chất lượng, giá và nhu cầu thị trường. Hay mới đây, việc quy định DN đầu mối xăng dầu phải có lượng vỏ bình, khu chứa xăng dầu lớn mới được kinh doanh, làm ăn. Hay Thông tư 20 cơ bản chỉ cho DN nhập khẩu ô tô chính hãng, DN lớn được quyền nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô.... Đó là những bất minh của rào cản mà thị trường yêu cầu phải loại bỏ", TS Cung nói.
Theo đánh giá của ông Cung, hiện cơ cấu thị trường rất kém cạnh tranh, các DN lớn chiếm thị phần đa số không muốn cải thiện chính sách dịch vụ, giá cả vì không có đối thủ cạnh tranh. Giá đắt như điện, xăng dầu nhưng người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác buộc phải mua. Thị trường đang được quyết định bởi lợi ích của DN lớn.
Cơ hội vàng để thay đổi chính mình
Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã có những cơ hội cải cách rất lớn, trong đó nguồn lực cơ cấu dân số vàng đến nay. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của chúng ta vẫn là lao động giá rẻ, hướng chủ yếu là gia công, lắp ráp. Nền kinh tế giá trị gia tăng vẫn thấp, nhỏ và chưa có xu hướng rõ rệt. Chủ trương bắt đầu từ cải cách giáo dục, nguồn lao động chưa thực sự mạnh mẽ và hiệu quả.
Theo cảnh báo của một chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), nếu trong hơn 20 năm nữa, Việt Nam không thay đổi chiến lược cải cách, phát triển từ tăng trưởng theo chiều rộng, theo quy mô, thâm dụng vốn, lao động giá rẻ sang tăng trưởng sâu, bền vững và năng suất cao. Việt Nam không chỉ không tận dụng tối đa hiệu năng của cơ cấu dân số vàng (dân số trẻ, người trong độ tuổi lao động chiếm phần đông số dân) thì còn phải đối phó với xu thế già hóa dân số. Nền kinh tế chưa tích lũy được phát triển là bao, trong khi lại phải lo gánh nặng của y tế, chất lượng cuộc sống và các vấn đề xã hội nảy sinh.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nói Việt Nam đang ở thời điểm cơ hội vàng để thay đổi chính mình, thay đổi thời cuộc, rất đúng và rất trúng, bởi: "Yếu tố nội sinh, trong đó nhu cầu khách quan của người dân, của thị trường đang đòi hỏi cơ chế kinh tế phải thay đổi, đột phá và thích ứng với cái mới. Song song với đó, nỗ lực quyết tâm của những người đứng đầu bộ máy mới, tạo động lực, thêm niềm tin cho cải cách, kiến tạo cái mới. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần có, còn để tạo ra một xã hội đổi mới, phải đổi mới ngay tư duy, cách làm và bộ máy cơ sở. Như vậy, quyền lực chính sách mới được thực thi hiệu quả, đúng và trúng".
Thứ hai đó là nguồn ngoại lực quốc tế. Việt Nam đang được hưởng lợi thế quốc gia đi sau, những bài học kinh nghiệm, những giá trị mới cần học hỏi, làm theo và đúc rút. Việt Nam đang là điểm đến trong trung tâm vùng động lực tăng trưởng mới của châu Á, vùng đất mới với cơ hội kết nối hàng hóa, quan hệ thương mại đi xa. Do đó, cần có những cải cách mạnh mẽ, xứng đáng với vai trò ấy.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia sân chơi với thế giới, với các đối tác lớn, mạnh và khó tính. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chơi theo luật chung, thói quen chung từ tư duy, hành động và môi trường. Hơn 20 năm trước, Singapore hay Hàn Quốc đã thay đổi nhiều từ việc thay đổi cơ chế kinh tế để trở thành những trung tâm mới, động lực mới của xu thế toàn cầu hóa sản phẩm mình.
"Singapore chấp nhận đổi mới mình để xây dựng, kiến tạo thành trung tâm tài chính từ những nỗ lực chính sách, con người. Hàn Quốc từ một xó nhà quê, chuyên gia công, lắp ráp cho các hãng công nghệ Nhật, Mỹ, chấp nhận là nước tiếp nhận vòng đời sản phẩm sau nhưng không cam chịu, họ đã hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trong nước mua các công nghệ mới nhất, những ứng dụng mới nhất để tìm ra đường đi cho mình", chuyên gia Thành cho hay.
Nguyễn Tuyền/ Dân Trí