GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) tin rằng việc đổi lại tên quốc tế của Biển Đông sẽ làm giảm sự hung hãn của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế cực lực phản đối hành vi lấp biển xây đảo, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc |
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Tôi phải nói ngay rằng về nguyên tắc tôi ủng hộ sáng kiến này. Trên thế giới, hiếm thấy một quốc gia nào hành xử kì lạ như Trung Quốc khi họ viện cớ rằng vì vùng biển có tên là "South China Sea", nên vùng biển đó thuộc về Trung Quốc!
Không hiểu chính phủ Trung Quốc nghĩ gì khi thế giới có biển tên là Indian Ocean, chẳng lẽ Ấn Độ đòi chủ quyền của toàn bộ Ấn Độ Dương? Tôi cũng biết bài báo của một tác giả trên Quartz về đề nghị đổi tên vùng biển mà chúng ta gọi là Biển Đông. Rất tiếc bài này xuất hiện trên một tạp chí không có tiếng, vì nếu được công bố trên một tờ báo nổi tiếng như New York Times thì chắc sẽ gây tác động đáng kể.
Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị đổi tên vùng biển này, vì sự đổi tên sẽ góp phần giải toả những ngộ nhận của nhiều người cũng như làm giảm sự hung hãn, ngang ngược của Trung Quốc.
PV: - Hiện nhiều nước đã và đang đặt tên một phần Biển Đông cho riêng mình. Chẳng hạn, Indonesia muốn đổi tên Biển Đông thành biển Natuna; Philippines từng đổi tên một phần Biển Đông trên bản đồ thành biển Tây Philippines, đồng thời sử dụng tên đó trong các công văn của chính phủ hay Việt Nam gọi là Biển Đông. Việc đặt lại tên quốc tế cho Biển Đông để thống nhất cách gọi thực sự cần thiết ra sao, thưa ông?
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Thỉnh thoảng vấn đề tên biển cũng gây ra vài tranh luận. Nhật Bản và Hàn Quốc từng tranh cãi về vùng biển hiện đang có tên là "Sea of Japan" mà Hàn Quốc gọi là "Biển Đông".
Đúng là Philippines quyết định gọi vùng biển đang tranh chấp hiện nay là "West Philippine Sea" (biển Tây Philippines), còn Indonesia thì đề nghị gọi là "Natuna" (tên một quần đảo ở Indonesia), còn ta thì đã gọi "Biển Đông" từ rất lâu.
Việc đổi tên gọi chỉ xảy ra ở những nơi có tranh chấp chủ quyền và chính trị, như giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở các nước không có tranh chấp thì chẳng ai quan tâm đến việc đổi tên. Chẳng hạn như chẳng có mấy người Mĩ tức tối khi vùng biển cạnh Mĩ có tên là "Gulf of Mexico" (Vịnh Mễ Tây Cơ), hay người Anh chẳng có vấn đề gì với "Irish Sea" (Biển Ái Nhĩ Lan).
Nhiều tên gọi có nguồn gốc lịch sử, và South China Sea cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng chỉ có vấn đề khi chính phủ Trung Quốc dùng cái tên đó để biện minh cho chủ quyền của họ, và đó là một sự phi lí.
PV: - Đã có đề xuất đổi tên Biển Đông thành biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea), Biển Đông Dương (Indochina Sea) hay biển ASEAN (Asean Sea), Nam Hải (South Sea)... Theo ông, nên có lựa chọn như thế nào và làm thế nào để hóa giải phản ứng của Trung Quốc?
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Gần đây, nhiều người Việt ở nước ngoài cũng từng đề nghị gọi tên vùng biển đó là "Southeast Asia Sea" (thay vì tên gọi "South China Sea" như hiện nay).
Tôi nghĩ chọn một cái tên mới cho Biển Đông là rất tế nhị. Chắc có lẽ người Việt chúng ta không hài lòng với tên Natuna do Indonesia đề xướng, hay Biển Tây Philippines do Philippines đặt ra, vì nó thiếu tính trung dung.
Tôi thấy tên "Southeast Asia Sea" có vẻ hợp lí nhất vì nó đáp ứng tiêu chí trung dung và phù hợp với địa lí.
PV: - Nếu muốn đổi lại tên quốc tế của Biển Đông thì phải thông qua cơ quan nào? Các bước thực hiện ra sao, thưa ông?
GS Nguyễn Văn Tuấn: - Theo tôi biết thì tổ chức "International Hydrographic Organization" (IHO) có nhiệm vụ chuẩn hoá tên các vùng biển. Đây cũng là tổ chức mà Hàn Quốc đã gửi kiến nghị thay đổi tên gọi vùng Biển Nhật Bản trước đây.
Thành Luân/ Báo Đất Việt