Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì vừa có văn bản xin dừng hoạt động cầu Hạc Trì sau 15 ngày tới nếu các cơ quan Nhà nước không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Đầu cầu Việt Trì có biển cấm, nhưng nhiều xe cơ giới vẫn đi vào để không phải nộp phí đường |
Lý do mà đơn vị này đưa ra là bởi vào lúc 10-11 giờ ngày 1/8 vừa qua, đã có hiện tượng người dân 2 bên đầu cầu đem thiết bị ra phá dỡ các ụ nổi, rào chắn (một phần hệ thống giao thông cầu Việt Trì cũ).
Các ụ nổi, rào chắn này là hệ thống kỹ thuật, được cơ quan có thẩm quyền lắp đặt để ngăn chặn tình trạng ô tô cố ý lưu thông qua cầu Việt Trì cũ nhằm mục đích đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông khi cầu Việt Trì cũ không còn đảm bảo an toàn cho việc lưu thông.
Thực tế, sau khi công trình cầu Hạc Trì được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, ngày 7/12/2015, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí theo phương án tài chính đã được các Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, Tài Chính và Giao thông Vận tải ký kết đồng thời tổ chức phân luồng giao thông khu vực có hệ thống biển báo cấm ôtô qua cầu Việt Trì cũ.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, nhiều xe ôtô vẫn cố tình đi bằng Cầu Việt Trì cũ để trốn phí mặc dù Cầu Việt Trì cũ đã được đặt biển cấm và thường xuyên có cảnh sát giao thông hướng dẫn phân luồng.
Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự địa phương và nguy cơ phá sản của phương án thu phí hoàn vốn, Công ty đã gửi nhiều văn bản đề nghị giải quyết đến nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo thực hiện biện pháp kỹ thuật (lắp đặt ụ nổi, rào chắn) kèm theo các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông để ngăn chặn ôtô cố tình vi phạm. Thế nhưng, một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc phân luồng giao thông như chuyên chặn xe xin tiền ở chân cầu Việt Trì cũ, khai thác cát trên Sông Lô, một số người buôn bán dưới chân cầu… tiếp tục kích động, quậy phá lôi kéo, thuê người dân địa phương ra biểu tình, nằm tại các làn thu phí, cản trở không cho xe lưu thông qua cầu Hạc Trì, không cho thu phí...
“Đặc biệt, các biển báo cấm xe lưu thông qua cầu Việt Trì cũ cũng nhiều lần bị nhóm đối tượng này đập phá, tháo dỡ,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì nêu rõ.
Người dân địa phương ra biểu tình, nằm tại các làn thu phí, cản trở không cho xe lưu thông qua cầu Hạc Trì, không cho thu phí |
Cụ thể, tại thời điểm tính toán, doanh thu thu phí cầu Hạc Trì năm 2016 theo phương án đã được phê duyệt phải đạt 138 tỷ/năm (tương đương 11,5 tỷ/tháng) nhưng thực tế thu phí hiện nay chỉ đạt 7-8 tỷ/tháng.
“Với doanh thu này thì không đủ lương cho người lao động địa phương, trả lãi ngân hàng và chi phí quản lý, khai thác cầu chứ chưa nói gì đến việc thu hồi vốn đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian thì công ty và các cổ đông của công ty có thể sẽ bị phá sản. Kéo theo hàng trăm người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi xây dựng phương án Tài chính, nhà đầu tư chỉ được tính toán giảm trừ các chế độ vé phí ưu tiên do Bộ Tài Chính phát hành và không có nghĩa vụ phải miễn giảm phí cho người dân vùng lân cận.
Tuy nhiên, khi đi vào khai thác thu phí, các cấp chính quyền từ Bộ tới địa phương yêu cầu nhà đầu tư phải miễn giảm phí cho người dân lân cận dự án. Trên tinh thần thiện chí, hài hòa, thông tin từ Công ty cho biết đã thực hiện chính sách miễn 100% phí cho người dân phường Bạch Hạc; giảm 60% cho xã Sông Lô và thành phố Việt Trì đối với xe ôtô con lưu thông qua cầu Hạc Trì và thực hiện nhiều chính sách xã hội tại địa phương…
Với sự an toàn khi tham gia giao thông của nhân dân, vì quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì kiến nghị các cấp lãnh đạo có các phương án và hình thức phù hợp để cấm triệt để việc các phương tiện ôtô lưu thông trên cầu Việt Trì cũ; trả lại nguyên hiện trạng (ụ nổi, rào chắn) là hệ thống kỹ thuật phân luồng giao thông tại cầu Việt Trì cũ, đảm bảo thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án đối với nhà đầu tư đồng thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo trợ an ninh trật tự đảm bảo an toàn tài sản tính mạng cán bộ công nhân viên công ty.
“Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, trong đó hệ lụy đến hàng trăm người lao động địa phương, đối tác, nhà thầu, ngân hàng thì công ty xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo,” văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì khẳng định.
Liên quan tới vấn đề cấm xe qua cầu Việt Trì, trước đó, ngày 11/4, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã ra quyết định tạm thời cấm các xe ôtô lưu thông qua cầu Việt Trì trên Quốc lộ 2 (thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ).
Tổng cục cũng giao Cục Quản lý đường bộ 1 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổ chức giao thông tại khu vực hai đầu cầu Việt Trì và khu vực đảm để bảo giao thông an toàn, thông suốt. Cục trưởng Cục quản lý đường bộ 1, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Theo ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ 1, cấm xe qua cầu Việt Trì là phải thực hiện vì hệ thống biển báo đã được lắp đặt. Cục sẽ phối hợp với các đơn vị của tỉnh Phú Thọ để hướng dẫn, phân luồng phương tiện đảm bảo lưu thông an toàn
Theo TTXVN