Việc Thủ tướng Anh quyết định hoãn dự án hạt nhân với sự đầu tư từ Trung Quốc là cú giáng mạnh vào quan hệ hai nước.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley. Ảnh: EDF |
Dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân trên có đối tác chính là Tập đoàn Năng lượng Pháp EDF và đầu tư từ Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Nó từng được xem là một thành tựu của cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong việc mở cửa nước Anh đối với các nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Tuy nhiên, hôm 29/7, chỉ vài giờ trước khi lễ kí kết diễn ra, chính phủ của bà May đã tuyên bố sẽ xem xét lại sự án.
Anh và EDF đạt được thỏa thuận thương mại về dự án Hinlley Point trong năm 2013. Hai năm sau đó, Trung Quốc mới tham gia dự án trong bối cảnh ông Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm xây dựng “Kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Cameron từng cho biết ông muốn xây dựng một "tình bạn lâu dài" với Bắc Kinh, trong khi cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne đặt mục tiêu đưa nước Anh thành "đối tác tốt nhất ở phương Tây" của Bắc Kinh, ngay cả khi các quốc gia phương Tây khác luôn thận trong với các nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Do vậy, quyết định hoãn dự án trên được cho là một cú huých mạnh vào những nỗ lực tăng cường mối quan hệ với nước Anh của Bắc Kinh.
Động thái từ chính phủ mới của Anh đã nối dài thêm danh sách các quốc gia ngưng dự án của Trung Quốc trong thời gian qua.
Đầu tháng 6/2016, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI).
Thông báo hủy bỏ được đưa ra chỉ 9 tháng sau khi thỏa thuận đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc tại Mỹ này được thông qua.
Phía XpressWest nói rằng quyết định chấm dứt quan hệ với CRI chủ yếu do những khó khăn liên quan tới thi công và thách thức CRI phải đối mặt trong việc đáp ứng những yêu cầu cần thiết về ủy quyền hoạt động. Công ty tư nhân này của Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng thách thức lớn nhất của họ là những yêu cầu của chính quyền liên bang đòi hỏi các tàu cao tốc phải được sản xuất trong nước để đảm bảo sự phê chuẩn.
Trước đó, tháng 3/2016, Thủ tướng Thái Lan quyết định sẽ tự đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì vay vốn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Indonesia vào cuối tháng 1 năm nay cũng thông báo tạm dừng thi công dự án đường sắt cao tốc giữa nước này với Trung Quốc.
Năm ngoái, Sri Lanka thông báo ngưng dự án bất động sản 1,5 tỷ USD và xem xét xử phạt Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) vì các cáo buộc vi phạm luật pháp và gây tổn hại môi trường.
Dự án bị điều tra là dự án phát triển thành phố cảng Colombo với thiết kế có các trung tâm mua sắm, khu thể thao dưới nước, sân golf, khách sạn, căn hộ và bến du thuyền.
Tháng 2/2015, Bộ trưởng Năng lượng Philippines tuyên bố sẽ ngừng dự án Trung Quốc tham gia vận hành kinh doanh mạng lưới điện quốc gia của nước này do nguyên nhân an ninh quốc gia. Các kỹ sư Trung Quốc hiện đang làm việc tại mạng lưới điện quốc gia Philippines sẽ phải về nước.
Hiện tượng nhiều dự án Trung Quốc bị ngưng trong một thời gian ngắn chỉ là sự ngẫu nhiên, tuy nhiên, có lẽ các quốc gia đã cân nhắc kỹ giữa cái được và cái mất, lợi nhuận và rủi ro trước khi đưa ra quyết định.
An Nhiên (Tổng hợp)/ Báo Đất Việt