'Thế lúc mẹ sống anh có nuôi mẹ được ngày nào không? Tôi ít ra cũng nuôi mẹ được 1 tuần, giờ mẹ về ở với tôi là hợp lý nhất'…
Thấy bà Hạnh còng lưng hái đi hái lại đám rau cằn cỗi được trồng trước vườn, bà hàng xóm đi ngang qua chép miệng bảo:
Dù đã già nhưng bà Hạnh vẫn phải sống một mình (MH) |
– Nhìn nó già thế nhưng vẫn ăn được bà ạ. Tôi không còn gì ăn cả, chân đau quá chả đi xa được mà mua đồ, tính gửi bà Bê thì bà ấy lại đi chợ sớm quá. Thôi ăn tạm cái này cũng được.
Bà hàng xóm thấy bà Hạnh nói vậy thì chép miệng rồi lắc đầu. Bản thân bà Hạnh có 5 đứa con, ai cũng giàu có, đứa nào cũng có nhà lầu, xe hơi và sống ở thành phố, vậy mà bà vẫn phải ở một mình dưới quê. Nhiều người hỏi thế con cái bà có gửi tiền về cho bà sinh hoạt không thì bà gật đầu nhưng thực ra mấy năm nay rồi bà không nhận được đồng nào từ các con. Họ để mặc cho bà sống cô quạnh một mình, cũng chẳng gửi tiền về vì đứa này tị nạnh đứa kia, không ai nhận trách nhiệm nuôi mẹ. Họ cũng chẳng đón bà lên chơi vì sự xuất hiện của bà trong căn nhà của các con chẳng khác gì một thứ trang sức không hợp mốt.
Bà Hạnh có 5 người con, một mình bà tần tảo nuôi chúng thành người sau khi chồng mất. Bà làm đủ nghề để cho con đi học, kể cả việc đi làm ô sin cho nhà giàu trong xóm. Cũng may là trời thương nên lần lượt các con của bà đều học giỏi, thành đạt. Chúng ở lại thành phố lập nghiệp và nhanh chóng trở nên giàu có. Nhìn 5 đứa con ai cũng giàu, bà Hạnh chảy nước mắt vì sung sướng, thế là công sức bà bỏ ra đã không vô ích.
Thế nhưng từ ngày các con bà giàu có, họ không muốn người mẹ nghèo khổ đó xuất hiện trong nhà mình. Họ đùn đẩy trách nhiệm, lúc đầu họ quyết định “chuyền tay nhau”, mỗi người nuôi bà một tuần, rồi sau đó là mỗi người một ngày. Cũng vì việc đó mà họ đánh nhau, chửi nhau ầm ĩ. Sau vụ đó, bà Hạnh bị con trả về quê cho sống một mình vì không ai chịu nổi cái tính nhà quê tiết kiệm quá mức của bà.
Hơn 70 tuổi, không có ai bên cạnh, bà Hạnh phải tự nuôi mình. Bà có một mảnh vườn nhỏ, ngày nào bà cũng lầm lũi cuốc đất rồi trồng đủ thứ ở đó. Không còn nhiều sức khỏe nên bà chỉ dám làm một sào ruộng để lấy gạo ăn. Hàng xóm thấy bà đi làm ruộng vất vả thì xúm vào giúp, ai có cái gì ngon cũng cho bà, họ thấy ức thay bà vì bà có đến 5 đứa con giàu có mà không ai chịu nuôi mẹ.
Năm nào vào ngày giỗ chồng, nhà bà Hạnh cũng đông đúc. Ô tô của mấy đứa con về xếp thành hàng dài ngoài đường. Họ phô trương sự giàu có và hiếu thảo của mình bằng cách mua về những thứ quà mà chỉ ở thành phố mới có. Sau hôm đó, ai sẽ về nhà nấy, để mặc mẹ già ngồi khóc một mình vì nhớ con.
Đợt ấy bà Hạnh bỗng dưng bị ốm, nhà không có điện thoại. Hàng xóm thấy vậy bèn hỏi số rồi điện cho các con bà về. Nhưng 3 ngày sau cũng chẳng thấy ai về thăm mẹ. Chỉ có mấy người xung quanh đến, lúc thì hỏi han, lúc thì cho bà thức ăn. Mới ốm có mấy ngày mà bà Hạnh trông teo tóp hẳn đi. Gọi cho con bà nhưng ai cũng kêu bận chưa về được.
Đến khi bà Hạnh mất, cả 5 người con lại giành nhau di ảnh mẹ về để thờ (MH) |
Thế nhưng vừa đưa tang mẹ xong thì người ta lại nghe bên nhà bà Hạnh có tiếng chửi nhau loạn xa. Họ hàng ở đó không ai can được. Hàng xóm chạy sang thì thấy mấy đứa con đang giành nhau tấm di ảnh của bà Hạnh. Đứa con cả hét lên:
– Tao là anh cả, tao thờ mẹ là đúng rồi còn gì?
– Thế lúc mẹ sống anh có nuôi mẹ được ngày nào không? Tôi ít ra cũng nuôi mẹ được 1 tuần, giờ mẹ về ở với tôi là hợp lý nhất – đứa con thứ lên tiếng.
– Các anh nuôi mẹ một tuần chứ em nuôi mẹ 1 tháng đây này, em còn gửi 1 triệu về cho mẹ mua thuốc. Giờ mẹ nên về với em.
Cãi nhau không xong, họ lao vào đánh nhau chí chóe, tấm di ảnh của bà Hạnh vừa mới được đặt lên chỗ thờ chưa được bao nhiêu đã bị lôi xuống rồi lăn lông lốc dưới sàn. Tiếng chửi nhau, tiếng khóc, tiếng kể công của các con bà vang lên chát chúa. Hàng xóm thấy vậy chạnh lòng nhưng không thể làm được gì. Họ thương cho bà Hạnh có con mà như không. Khi sống thì cô quạnh, khi chết cũng không được yên vì bị con cái lấy ra để tô vẽ cho cái tiếng hiếu thảo của mình.
Cuối cùng, họ thống nhất với nhau rằng mỗi người sẽ “thờ” mẹ 1 tháng. Sau khi lo liệu xong xuôi lễ tang, các con của bà Hạnh cũng tìm người mua đất rồi bán luôn mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình để lấy tiền chia nhau. Người trong làng ai biết chuyện cũng chép miệng thương cho cái số đau khổ của bà Hạnh, sống thì cực khổ mà chết cũng chẳng được yên với lũ con bất hiếu.
Theo Ngôi Sao