Thanh Hóa là một trong những cái nôi của nền văn minh Lạc Việt, là vùng đất có lịch sử lâu đời với cái tên Ái Châu có từ triều nhà Lương (TK thứ 6) giai đoạn bắc thuộc. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, xứ Thanh luôn là điểm sáng trên bản đồ ái quốc của người Việt. Đặc biệt, Thanh Hóa là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có tất cả các nét đặc trưng về địa lý, khí hậu và văn hóa giống như một Việt Nam thu nhỏ.
Tượng đài Lê Lợi, TP Thanh Hóa về đêm |
Về mặt khí hậu, Thanh Hóa là tỉnh ở bắc Trung bộ mang nét đặc trưng nhất của khí hậu gió mùa, trong đó một năm được chia ra thành bốn mùa rõ rệt tại đồng bằng ven biển, trong khi đó trên khu vực miền núi, một năm chỉ có hai mùa là “mùa mưa” và “mùa khô” như các tỉnh miền nam. Về dân cư, Thanh hóa là tỉnh có nhiều các dân tộc anh em cùng nhau chung sống trong đó nhiều nhất là người Kinh, Mường, người Thái và người Hmông .v.v.v. Về văn hóa và con người thì có thể nói những gì Việt Nam có thì Thanh Hóa cũng có, từ gã chí phèo tại mỗi làng bản cho đến các danh nhân, trí sĩ và tầng lớp lãnh đạo.
Người xứ Thanh có lẽ là những người mang đầy đủ nhất các nét đặc trưng cả tích cực và tiêu cực của người Việt chúng ta – ở mặt tiêu cực điển hình là khách khí, câu nệ và gia trưởng, nông nổi, v,v, còn ở mặt tích cực thì hào khí, anh hùng, yêu nước và uyên thâm. Nếu bạn muốn biết rõ về Việt Nam thì điểm đầu tiên bạn chọn mẫu nghiên cứu nên là xứ Thanh, vì ở đó bạn sẽ dễ dàng tìm thấy một ai đó mang đầy đủ các tính cách và hành vi đặc trưng của người Việt, trong đó các tính cách thuộc nhóm tiêu cực thường hay được người khác chú ý. Tính “đại diện” rõ rệt này đã khiến cho dân xứ Thanh hay bị người tỉnh khác (đặc biệt ở phía bắc) kỳ thị. Vấn đề là người ta đã quên đi rằng đa phần người Việt Nam đều mang trong mình một phần các tính cách ấy, chẳng qua người Thanh hóa có tính đại diện cao hơn.
Cảnh làng quê bình yên ở Thanh Hóa – Ảnh Công Phúc |
Có rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để giải thích về chuyện “Thanh Vương” này, trong đó phần nhiều giải thích về phong thủy và long mạch của vùng đất nơi đây. Cũng có người giải thích về vị trí địa chính trị của xứ Thanh cũng như nơi đây là vùng đất có thể “thủ” rất tốt để chờ đợi thời cơ và tấn công lại kẻ thù xâm lược. Theo tôi thì ngoài vài nguyên nhân có phần “ưu đãi” kia ra thì yếu tố “con người” mới chính là nhân tố quyết định việc ai sẽ lãnh đạo đất nước. Khác với những người vùng khác, người Ái Châu đơn giản hơn, thực dụng hơn và có phần quyết đoán hơn. Trong khi kẻ sĩ Bắc hà vẫn còn miệt mài bàn về thơ phú và tầm chương trích cú thì người xứ Thanh có phần đơn giản hơn, ứng dụng triệt để các điểm mạnh của người khác để phục vụ cho sự nghiệp của mình và đi đến thành công.
Cầu Hàm Rồng xưa, vang bóng 1 thời hào hùng lịch sử xứ Thanh |
Về học thuật, từ thời nhà Hậu Lê về sau, xứ Thanh từng là quê hương của rất nhiều Tiến Sĩ có tên trên bia đá Văn Miếu tại Hà Nội và Huế, mà huyện Hoàng Hóa là một đại diện tiêu biểu nhất về truyền thống học tập của tỉnh Thanh. Riêng xã Hoàng Lộc, trong khoảng 400 năm từ thời vua Lê Thánh Tông đến thời Khải Định (1919), xã này đã có tới 12 người có tên trong bảng vàng khoa cử và 7 người trong số đó được khắc tên trong Văn Miếu. Ngoài ra Hoàng Lộc còn có tới 200 Hương cống (trong đó có Cống Quỳnh – tức Trạng Quỳnh),cử nhân và 140 Tú tài. Ngày nay xã này hiện có tới 40 Tiến Sĩ, 30 Thạc Sĩ và 600 Cử Nhân (nguồn www.thanhhoa.gov.vn). Người xứ Thanh chăm học và học giỏi chắc ai cũng biết và nếu xét về thành tích thi cử thì Thanh Hóa có thể nói là một trong những “đất học” của nước Việt chúng ta.
Bản đồ tỉnh Thanh Hóa |
Cũng giống như một Việt Nam thu nhỏ, người Thanh Hóa đi ra bên ngoài dường như thiếu sự đoàn kết và ít hợp tác, bảo vệ nhau. Ở trong tỉnh thì tính địa phương vẫn còn nặng nề trong khi đó khả năng dung hợp, cởi mở có thể được xem là một trong những điểm yếu của tỉnh Thanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người học hành đỗ đạt hay có tay nghề cao đều ít chịu về tỉnh nhà làm việc – Trong khi đó các chính sách chiêu hiền đãi sĩ của các lãnh đạo tỉnh Thanh vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều người xứ Thanh ra đi thành công rực rỡ nhưng vẫn còn chút ít ngần ngại khi muốn đầu tư về quê nhà vì các bất cấp về văn hóa và thực thi chính sách.
Du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa đang trên đà phát triển mạnh |
Chắc chắn rằng, một khi các lợi thế và tiềm năng của xứ Thanh được khơi gợi và phát huy đầy đủ, cùng sự đồng lòng và tinh thần cầu thị của lãnh đạo và người dân trong tỉnh, xứ Thanh sẽ nhanh chóng chuyển mình để không chỉ là một Việt Nam thu nhỏ trên phương diện địa lý, văn hóa mà còn là đại diện điển hình cho một Viêt Nam tươi trẻ, năng động và phát triển.
Trần Văn Tuấn/ Thanh Hóa