Xã hội muốn phát triển phải có nhiều người tốt, tài năng đích thực, làm ra nhiều tiền của - những đồng tiền được người dân ghi nhận, đất nước đón chào - đồng thời cũng phải kiên quyết loại bỏ những “đồng tiền bẩn”, chiếm đoạt của dân, không để “vàng thau lẫn lộn”.
Tiền là phương tiện của người làm ăn chân chính nhưng lại là mục đích của kẻ làm ăn phi pháp. |
Trên thực tế, người giàu hiện nay được quý trọng là các doanh nhân chân chính, người lao động giỏi, các nhà khoa học, nghệ thuật tài năng... Cái đáng quý là đồng tiền của họ làm tăng thêm của cải cho xã hội, mở thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Tiền bạc không lấy bậy của ai mới gọi là giàu và mới được trân trọng. Đó là sự giàu sang do sản xuất, lao động và sáng tạo.
Và cũng không ít người có tiền mà bị người dân coi thường. Tiền của họ được coi là “tiền bẩn”, tài sản bất chính. Để có tiền, những người này không từ một thủ đoạn đen tối nào trong làm ăn. Trong thực thi công vụ hễ ngửi thấy “mùi tiền” là họ quên trọng trách lớn lao của mình đối với tập thể, xã hội và đất nước.
Gần đây, dư luận xã hội hết sức lo lắng việc Nhà nước mất mát, thất thoát hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỉ đồng vào tay những kẻ mất lương tri và bất chấp luật pháp.
Đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm làm thất thoát hàng nghìn tỉ ở Ngân hàng Xây dựng làm ai cũng sững sờ. Sao việc quản lý kinh doanh tiền nong lại dễ dàng để cho một nhóm người thao túng như vậy?
Trên thực tế cũng đang diễn ra chuyện không ít người đặt đồng tiền cao hơn sự nghiệp, mất hết lòng tự trọng của con người.
Đã có không ít người lợi dụng chức quyền của mình để kiếm tiền bằng mọi giá như báo chí đã nêu: cấp phép khống 800 giấy phép lưu hành thủy sản để thu tiền bất chính; ba thanh tra giao thông nhận hàng tỉ đồng tiền “bảo kê”; gian dối trong việc thực hiện dự án BOT trong lĩnh vực giao thông và thu phí khiến người dân phiền lòng; buông lơi quản lý và làm ngơ cho lâm tặc phá rừng...
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng diễn ra ở Hà Nội vào ngày 12-7 vừa qua, con số tham nhũng gây thiệt hại đã được đưa ra là 60.000 tỉ đồng nhưng chỉ mới thu hồi được gần 5.000 tỉ đồng. Nói vậy mới biết tham nhũng gắn bó với đồng tiền thành một thế lực ghê gớm.
Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hi sinh vì tiền bạc, vì nhân nghĩa, đạo lý sống là đức hạnh của bao con người cao quý. Nhưng cũng có kẻ tin rằng tiền bạc làm được mọi thứ nên dám làm mọi sự để có tiền bạc bất chấp danh dự, đạo lý, pháp luật.
Vì tiền, họ sẵn sàng bán rẻ lợi ích của nhân dân, đất nước. Họ kiếm tiền quá dễ nên sinh ra mọi sự hư đốn từ việc sử dụng đồng tiền: tập hợp băng nhóm làm ăn, chạy chức chạy quyền, chạy dự án, ăn chơi sa đọa... Tiền bạc của họ chắc chắn sẽ không thể là thước đo mồ hôi, nước mắt của họ làm ra.
Thế mới biết, trong cuộc sống có nhiều phương tiện để làm giàu nhưng không phải phương tiện nào cũng lương thiện. Lòng yêu mến con người, tình yêu quê hương đất nước và việc chạy theo đồng tiền để làm giàu nhiều khi rất khó gặp nhau.
Vậy nên, xã hội muốn phát triển phải có nhiều người tốt, tài năng đích thực, làm ra nhiều tiền của - những đồng tiền được người dân ghi nhận, đất nước đón chào - đồng thời cũng phải kiên quyết loại bỏ những “đồng tiền bẩn”, chiếm đoạt của dân, không để “vàng thau lẫn lộn”.
Theo TUỔI TRẺ ONLINE