Vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam xảy ra ngày 4/4/1975, khi một chiếc máy bay vận tải C-5A Galaxy của Không quân Mỹ mang theo hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam trong chiến dịch Babylift đã đâm xuống đất.
Có 155 người, gồm 98 trẻ em, trong số 328 người trên máy bay đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này.
Về sự kiện này, kênh truyền hình NatGeo của Hiệp hội Địa lý quốc gia (Mỹ) đã thực hiện một phóng sự tư liệu ghi lại lời kể của các nhân chứng và diễn biến của chuyến bay định mệnh.
Tháng 4/1975, chính quyền Sài Gòn rơi vào hỗn loạn. Quan quân Sài Gòn tranh giành, tìm mọi cách chạy ra nước ngoài. Giữa lúc ấy, chính phủ Mỹ thông báo sẽ điều máy bay qua Việt Nam di tản hàng ngàn trẻ mồ côi, con lai Việt- Mỹ mất cha mẹ trong chiến tranh. Tổng thống Gerald Ford, người “bấm nút” chiến dịch Babylift ngày 2/4/1975 dự kiến sẽ đón chào chiếc máy bay khi nó đến San Francisco.
Hình ảnh tang thương trong chuyến bay định mệnh Babylift |
“Hôm ấy là ngày 4/4/1975”, cơ trưởng, đại úy Dennis "Bud" Traynor nhớ lại. Chiếc vận tải cơ C-5A, lớn nhất thế giới thời bấy giờ (và hiện vẫn là máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới) đậu sừng sững trên sân của phi trường Tân Sơn Nhất.
Nhiệm vụ của Traynor là vận chuyển trẻ em mất cả cha lẫn mẹ trong bom đạn, con ngoài giá thú của lính Mỹ và trẻ bị bỏ rơi. Về chiến dịch Babylift, tác giả Danny Schechter nhận định trong cuốn sách Giải phẫu tin tức: “Có vẻ những người thiết kế chiến dịch mong muốn giảm nhẹ phần nào những khổ đau mà người Mỹ đã gây ra trong một cuộc chiến thất bại”.
Bên trong máy bay trước khi bay |
Ngoài 150 trẻ em, từ mới sinh đến 3-4 tuổi, trên chuyến bay này còn có một số nhân viên đại sứ quán Mỹ được di tản một cách bí mật. Thậm chí nếu diễn ra suôn sẻ, chuyến bay vẫn hứa hẹn một hành trình kéo dài 20 giờ chẳng mấy dễ chịu tới Philippines, rồi bay tiếp tới San Francisco, Mỹ.
Những đưa trẻ tò mò nhìn ra cửa |
12 phút sau khi cất cánh, lúc phi cơ đang ở độ cao gần 29.000 feet (gần 10km, nơi không khí rất loãng, không đủ để con người hô hấp), việc không ngờ tới đã xảy ra. Cánh cửa hậu, nằm ở bụng dưới, nơi chất hàng của máy bay C-5A bung ra và bị thổi bay. Ngay lập tức, tình trạng giảm áp suất diễn ra nhanh chóng. Hành khách bị xô ngã, rất nhiều người bị thương. Một vài nhân viên phi hành đoàn ngồi gần cửa bị hút bay ra ngoài phi cơ. Những người còn lại đều bất tỉnh do thiếu dưỡng khí.
Chỉ it phút sau khi cất cánh máy bay đã lao xuống đất nổ tung |
Traynor và lái phụ quyết định quay về sân bay Tân Sơn Nhất ngay lập tức. Lúc này họ đang ở không phận của Vũng Tàu. Hai phi công tìm cách vật lộn để đưa chiếc máy bay to lớn quay lại Sài Gòn.
Trong lúc ấy, tại khoang hành khách, một số người đã tỉnh, nhờ máy bay hạ độ cao đáng kể. Họ giúp trẻ em đeo mặt nạ dưỡng khí, chiếc C-5A không phải là một máy bay hành khách nên các mặt nạ không được thiết kế cho trẻ em. “Chúng tôi phải bế các em lên cao, gắn mặt nạ dưỡng khí vào”, Linda Adam, một y tá quân y nhớ lại.
Những hình ảnh hốt hoảng của các tử thi nhỏ |
Gần tới Sài Gòn, Traynor quyết định hạ độ cao để hạ cánh. Tân Sơn Nhất hiện ra phía chân trời. Khi còn cách sân bay 5km, Traynor quyết định hạ càng, cua vòng để đưa chiếc C-5A hướng về phi đạo. Nhưng thật không may, máy bay bắt đầu mất độ cao nhanh chóng. Nó lao xuống đất ầm ầm với tốc độ 500km/giờ, gấp đôi tốc độ hạ cánh thông thường.
“Tôi cố điều khiển chiếc máy bay ngóc lên nhưng không thể”, Traynor nhớ lại, mắt đỏ hoe. “Lúc ấy tôi đã nói lời tạm biệt vợ”. Chiếc C-5A khổng lồ quết bụng xuống một cánh đồng, bật lên không trung lần nữa rồi rơi xuống đồng lúa ở khu vực Cát Lái (nay là quận 2, TPHCM), trước khi đâm vào một cái mương thủy lợi và vỡ làm bốn mảnh. Bộ phận buồng lái rời khỏi thân, văng ra xa gần 100m. “Sau một tiếng ầm, mọi vật trở nên yên tĩnh”, Traynor nhớ lại.
Một đội phóng viên truyền hình, khoảng 20 phút trước còn quay những cảnh vẫy tay cười nói khi người ta lên chiếc C-5A ở sân bay thì nay lại có mặt để ghi lại cảnh tang tóc với những xác chết nằm vương vãi trên bùn đất.
Tuy nhiên, tổng thống Ford vẫn không mất cơ hội chụp hình với những người di tản. Một chiếc máy bay khác đã tới được San Francisco và một nhiếp ảnh gia của Nhà Trắng đã có mặt ở đó.
Điều tra
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nhà điều tra của Không lực Mỹ cho rằng có bàn tay của những kẻ phá hoại. Hãng sản xuất Lockheed thì đổ cho không quân không bảo dưỡng máy bay đúng cách, còn các luật sư thì bóng gió rằng Lockheed có sơ suất trong thiết kế.
Trong cuốn Giải phẫu tin tức, Danny Schechter viết: Ngày 5/4, ngay sau khi tổng giám đốc Lockheed Larry Kitchen, người sau này trở thành chủ tịch của hãng chế tạo vũ khí khổng lồ này, đến gặp tướng Carlson của Không lực Mỹ, tướng Warner Newby, người có quan hệ mật thiết với hãng Lockheed và cũng chính là chủ dự án C-5A của Không lực Mỹ, được giao chủ trì cuộc điều tra cho tới nay vẫn trong vòng bí mật.
Một sỹ quan Không lực sau này đã thừa nhận ông đã đốt bỏ hầu như toàn bộ các bức ảnh chụp hiện trường, trừ những bức ảnh chụp phần thân phi cơ nơi có nhiều người sống sót nhất. Ông này nói đã nhận được lệnh hủy những tài liệu “không thích hợp”. Khi vụ việc được đưa ra tòa án, đã có thẩm phán gọi vụ này là “sự phá hoại có chủ ý” và “rất đáng đặt câu hỏi”.
Sau này, người ta tiết lộ rằng không phải tất cả trẻ em trên máy bay là trẻ mồ côi. Một số là con em những người bị cho là “đồng cảm” với Cộng sản miền Bắc bị bắt cóc. Việc điều tra vụ rơi máy bay C-5A còn kéo dài mãi tới những năm 1990.
Dù có vụ rơi máy bay thảm khốc, chiến dịch Babylift diễn ra trong tháng 4 và 5/1975 đã đưa 2.678 trẻ em Việt Nam và Campuchia qua Mỹ. Trong số này, không ít đã có dịp thăm lại quê hương và đến viếng những người đồng hành kém may mắn hơn mình.
Theo TIỀN PHONG ONLINE