Hình ảnh tràn ngập mạng xã hội những ngày gần đây là những người trẻ ngày đêm đua nhau đi bắt Pokémon. Trước đây người ta đã từng cảnh báo về một lớp người sống vật vờ không phương hướng, hết ôm smartphone lại đến ngồi đồng ở quán cà phê, quán nhậu.
Cơn say Pokémon đã thật sự là một tiếng còi báo động: Một lớp trẻ sống không lý tưởng, chỉ chạy theo những trò nhảm nhí, tầm thường.
Các bạn trẻ chìm trong thế giới ảo bắt Pokémon Go tại Công viên Tao Đàn, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Trào lưu như sóng, xô hoài không dứt
Trước game Pokémon Go đã có nhiều game thu hút. Từ những năm 2000, giới game đã điên đảo với các game online. Nhân vật ảo, tài sản ảo, vật phẩm ảo... nhưng thời gian và công sức bỏ ra đều thật.
Giới trẻ không chỉ bị cuốn hút vào game mà còn vào các mạng xã hội. Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định việc chém gió, câu like, tự sướng, hay share những thứ “tào lao”... trên mạng xã hội cũng là một trào lưu mà giới trẻ “đu” theo. Giới trẻ nhanh nhạy, tò mò, thích khám phá và cũng hay theo trào lưu, đó là sở thích của họ, mọi người cũng cần tôn trọng nhưng phải giúp họ hạn chế mặt tiêu cực, định hướng để họ đừng sa đà vào nghiện game hay ham mê các trò giải trí tiêu cực khác.
Xác định được nhu cầu của mình, biết được mình giải trí đến đâu là quan trọng, anh Trần Lâm, một chuyên viên kỹ thuật, chia sẻ câu chuyện chơi game của mình. “Tôi chỉ chơi cho biết. Có game nào mới mà bàn tán nhiều thì tôi đều chơi thử. Nhưng cái tính mình thích công nghệ chứ mình không ghiền game. Tôi đã chơi Pokémon Go được ba ngày vì muốn xem công nghệ game thực tế ảo, đạt level 5 là không muốn chơi nữa”.
Anh cũng khẳng định: “Chơi game nhiều hay ít phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Người trẻ thì có nhiều thời gian để phung phí, còn giới văn phòng, công sở thì ít hơn. Nếu công ty, công sở nghiêm ngặt thì nhân viên không có cửa chơi game, chém gió, lướt mạng xã hội câu like”.
Chị Hồng Ngân (quận Tân Phú) thì chia sẻ cảm giác lo lắng khi hai con tuổi teen của mình thường tỏ ý muốn theo trào lưu. “Đứa lớn thì mới vô đại học, chương trình học khá nhẹ so với gánh nặng thi cử năm lớp 12 nên cháu có vẻ học lơ là. Thêm nhiều bạn mới, hôm thì rủ nhau đi ăn món nướng, hôm thì tụ tập cà phê bệt, hôm thì đua nhau tăng level mì cay Hàn Quốc. Dẫu biết giới trẻ thường theo trào lưu nhưng các trào lưu của bọn trẻ thì cứ như sóng, xô hoài không dứt, lơ là một chút có lẽ sẽ ngã mất!”.
“Đẩy” con vào công việc
Điều đáng lo ngại là những hoạt động tích cực khác lại khó thu hút được giới trẻ. Chị Ngân kể có lần chị cố tình rủ con đi thăm trẻ mồ côi để tặng quà và chơi với các em. “Cháu cũng thích thú đi nhưng tôi biết là cháu không đặt hết tâm trí vào hoạt động. Dường như cháu chỉ đi cho biết, đi vì mẹ rủ chứ không quan tâm tìm hiểu đến việc mình đang làm”.
Sau đó, chị Ngân tìm hiểu các biện pháp ứng xử với con. Chị khuyến khích con đi làm, cắt đi một phần tiền chi tiêu của con, hỗ trợ mua cho con món đồ con thích bằng cách cho con trả góp hằng tháng. Con trai chị xin phụ việc cho một nhà hàng. “Có việc làm, có thu nhập, có đồ dùng, lại đúng sở thích ẩm thực nên cháu đã hạn chế được thời gian la cà quán xá với bạn bè, lại học được cách làm khá nhiều món. Gần đây cháu nói về việc có thể tự kinh doanh món ăn qua Facebook. Mặc dù chưa có vốn, chưa đủ kinh nghiệm nhưng nghe con nói đã thấy cháu khác trước nhiều, đó là nhờ có công việc làm, không phung phí thời gian của mình nữa” - chị Ngân chia sẻ.
Cách làm của chị Ngân không quá mới. Những người chơi game, la cà, chém gió... cả ngày là vì họ có quá nhiều thời gian để phung phí, không có việc làm. Không có việc làm mà vẫn sống được có lẽ đang được cha mẹ chu cấp. Nếu các bậc cha mẹ cắt chu cấp, để con hiểu giá trị của thời gian và tiền bạc thì sẽ hạn chế phần nào sự phung phí thời gian của giới trẻ.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, ĐH KHXH&NV, cho biết cũng có những trường hợp kiếm tiền nhờ chơi game, giải trí. Nhưng đấy là số rất ít người, công việc gắn bó với game hoặc công nghệ giải trí. Còn chơi game không thôi thì không thể kiếm tiền được.
Giải trí là nhu cầu và quyền của cá nhân nhưng sa đà vào game, vào hàng quán, nhậu nhẹt... gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân và xã hội. Định hướng cho giới trẻ như thế nào phụ thuộc vào nhà trường, gia đình, xã hội, trong đó cách ứng xử của mỗi gia đình khác nhau tùy thuộc vào đặc thù của mình.
Xã hội: Cấm cản là việc không nên làm
Hầu như các lĩnh vực giải trí đều có sự chi phối của pháp luật về điều kiện hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh game online phải đưa ra nhiều biện pháp hạn chế người chơi như hạn chế thời gian chơi của các tài khoản, hạn chế thưởng điểm nếu vượt quá giờ chơi... Các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, vũ trường, karaoke thì bị giới hạn về giờ hoạt động.
Bởi vì giải trí là nhu cầu của con người, là bản năng nên ngành kinh doanh giải trí là một ngành lợi nhuận lớn, cạnh tranh cao, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định.
Cấm game hay cấm bất cứ trò giải trí nào cũng đều là không khả thi. Cấm game này sẽ có game khác. Thậm chí cho là cấm toàn bộ game thì những trò giải trí khác cũng sẽ cuốn hút con người.
Vấn đề là lý trí của người chơi như thế nào. Đó là bài toán khó mà mỗi gia đình phải xử lý. Giới trẻ được quyền giải trí nhưng cần được định hướng và lôi kéo con em mình vào các trò giải trí lành mạnh, ít tiêu tốn thời gian hơn, ông Minh nhận định.
Ông HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính:
Mỗi gia đình tự có biện pháp để định hướng lôi kéo con em mình
Vì người chơi tập trung đông đảo ở một số địa điểm như công viên, trung tâm thương mại... nên chúng ta nhìn thấy và cảm giác ngộp nhưng có ai đếm được số người ngồi nhậu hằng đêm ở các hàng quán, hay số người nằm chơi game online tại nhà? Chưa biết số nào áp đảo số nào!
Đương nhiên, không vì vậy mà để mặc cho con em, người thân trong gia đình chơi game điên đảo, nghiện game. Mỗi gia đình tự có biện pháp để định hướng lôi kéo con em mình tham gia các hoạt động khác, giải trí những trò khác. Các biện pháp cấm hay cản đều không hiệu quả, vì ham mê giải trí là nhu cầu bản năng của con người, nhất là của giới trẻ.
Việc chơi game Pokémon Go những ngày qua có gây ra một số hình ảnh xấu như người chơi dừng đậu xe bên lề đường, người ăn uống và người buôn bán vứt rác ra đường, vừa lái xe vừa chơi... Nếu thế thì nên nghĩ ra biện pháp điều chỉnh, chế tài phù hợp, chứ cấm game là không khả thi.
Việc xây dựng những mạng xã hội lành mạnh, các công trình vui chơi giải trí, các công tác cộng đồng... để thu hút giới trẻ là cần thiết và đã có làm chứ không phải không có. Tuy nhiên, xây dựng những hoạt động này không có nghĩa là nó chắc chắn thu hút được sự say mê của giới trẻ. Phòng gym cũng có, thiết bị tập thể dục ngoài trời cũng được cho lắp ở nhiều nơi nhưng các ông vẫn cứ đi nhậu chứ không đi tập thể dục đấy thôi?!
Bất cứ game nào cũng có giai đoạn của nó, mới đầu thì thu hút, rồi phát triển nhưng sau một thời gian thì mất sức hấp dẫn, sẽ bị thay thế bằng game khác, như hái nấm, bắn súng, nông trại, ngay cả flappy bird gần đây... Đặc biệt với tính cách giới trẻ ở nước ta, thường tò mò khám phá công nghệ mới ra, thiết bị mới bán, game mới tải... Họ say mê, dễ bị cuốn vào trào lưu nhưng cũng nhanh chóng chán nó.
Dưới góc độ kinh tế, game là một ngành kinh doanh. Chúng ta cũng không thể phê phán doanh nghiệp kinh doanh game vì họ làm ra game, vì game của họ khiến người chơi điên đảo. Không thể quy kết đạo đức hay trách nhiệm xã hội ở đây. Nếu có chăng, chỉ có thể khuyến khích các nhà sản xuất game đưa các nội dung tích cực vào game. Ở góc độ hỗ trợ ngành thương mại thì game thực tế ảo có thể phát triển mạnh hơn nữa. Ví dụ, nhà sản xuất sẽ phát triển game lên một cấp độ thương mại khác, khi đó các cửa hàng mới khai trương có thể liên hệ với nhà sản xuất game để được đặt điểm pokestop, thu hút người chơi đi đến cửa hàng tạo nhận diện thương hiệu, tạo sự đông đúc, sôi động..., từ đó có thể phát sinh nhu cầu mua sắm.
Theo Pháp Luật Online