Báo chí Mỹ sau khi cáo buộc tỷ phú Trump và Nga có mối quan hệ mật thiết thì giờ đây lại phát hiện bà Clinton cũng không kém khi có Ả rập Saudi đứng sau lưng.
Bà Hillary Clinton đang gặp phải cáo buộc có liên hệ với Ả rập Saudi |
Báo chí Mỹ gọi nhà tỷ phú là "gián điệp điện Kremlin" và cáo buộc phát ngôn của Trump là gây nguy hiểm tới lợi ích nước Mỹ và an ninh trật tự của phương Tây.
Cựu quan chức NATO Anders Rasmussen đã có một số lời công kích vào chiến dịch của Trump khi nói nhà tỷ phú đang có "quan điểm ngược dòng về cuộc xung đột ở Ukraine", bên cạnh việc ca ngợi "kẻ thù" của phương Tây là Tổng thống Nga Putin.
Giới quan sát nước Mỹ thừa nhận rằng, Donald Trump dường như rất cởi mở về ý tưởng đàm phán với Nga, thậm chí là hợp tác với Moscow để giải quyết một số thách thức lớn trên toàn cầu, bao gồm cả khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nếu điều này xảy ra, Trump sẽ là tổng thống đầu tiên 'thân thiện với Nga' kể từ năm 1945.
Mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục đi sâu tìm hiểu và đưa ra những cáo buộc mới, tuy nhiên hiện vẫn chưa có bằng chứng chứng minh rằng Trump đang có bất kỳ mối liên hệ mật thiết hay hoạt động sinh lợi ích nào từ Nga.
Lần gần nhất ứng viên đảng Cộng hòa đến Nga là vài năm trước đây để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Moscow. Trump cũng cố gắng trong việc xây dựng tòa tháp mang tên mình ở thủ đô nước Nga nhưng đã không thành công.
Nếu nói về nơi mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà tỷ phú thì Nga sẽ không phải là cái tên được đưa ra mà đó phải là Scotland, Dubai, hay một số quốc gia khác.
Cũng giống như đối thủ của mình, bà Hillary Clinton gần đây cũng đang gặp những nghi ngờ về mối quan hệ với Ả Rập Saudi khi một bài viết trên tờ New York Times đã lần theo đầu mối về số tiền ủng hộ lớn bất thường từ quốc gia này vào quỹ của cựu ngoại trưởng Mỹ.
Trong một số báo cáo được tờ The Times tiết lộ, Quỹ Clinton đã tiếp nhận hàng chục triệu đô la từ các quốc gia mà Bộ Ngoại Giao Mỹ nhiều lần chỉ trích vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Trong đó bao gồm Ả rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar, Kuwait, Oman, Brunei cùng với Algeria.
Trong số này, đáng chú ý nhất là Ả rập Saudi khi được mô tả là vô cùng hào phóng khi quyên cho Quỹ Clinon số tiền vào khoảng 10 đến 20 triệu USD, cùng với ít nhất 1 triệu USD được tặng bởi Tổ chức Những người bạn của Ả rập Saudi.
Vụ bê bối không kết thúc ở đó khi quản lý chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thồng đảng Dân chủ là Robby Mook đã không thể giải thích được lý do vì sao gia đình bà Clinton sẽ không dừng lại việc nhận tiền ủng hộ từ nước ngoài cho đến khí trở thành tổng thống. Thay vào đó Mook lái câu trả lời sang việc chỉ trích tỷ phú Trump không minh bạch trong việc tiết lộ tài chính cá nhân.
Ngoài ra một số thông tin được truyền thông bảo thủ Mỹ, Anh cũng bới móc về việc Huma Abedin - người bạn lâu năm và ủng hộ nhiệt tình cho bà Clinton trong cuộc đua tổng thống từng có thời gian làm việc cho một tạp chí Hồi giáo trong vòng 10 năm. Người phụ nữ này từng bị cáo buộc nhiều lần về việc có mối liên hệ với các tổ chức Hồi giáo và là trung gian giữa các tổ chức này với một số nhân vật của Mỹ.
Với việc đang bị nghi ngờ có dính líu tới Ả rập Saudi, bà Clinton có thể vấp phải sự phẫn nộ của nhiều người dân Mỹ khi một báo cáo từng công bố trước đây của Ủy ban 11/9 từng tiết lộ các quan chức Ả Rập Saudi đã hỗ trợ những tên không tặc thực hiện tấn công vào tòa tháp đôi của Mỹ hồi năm 2001.
Tuy nhiên với một số người tỉnh táo theo dõi cuộc đua bầu cử Mỹ năm nay lại nhận định rằng tất cả những suy đoán nói trên dù nghe có vẻ hợp lý nhưng vẫn chỉ dừng lại ở "thuyết âm mưu", đôi lúc nó có thể là sự thật nhưng đôi khi nó chỉ đơn giản là chiêu trò công kích đối thủ được cả hai phe đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ dựng lên.
Minh Vũ/ Người Đưa Tin