Thứ Sáu

Về câu hỏi “tiền ở đâu ra” của cử tri Nguyễn Trọng Lô

Lương ư! Không. Kinh doanh ư! Không. Di chúc cha ông để lại ư! Cũng không nốt. Thế thì tiền ở đâu mà ra nhỉ? Chịu. Bởi nói họ tham nhũng thì phải có chứng cứ. Vả lại, nếu có cơ hội đăng đàn, họ sẽ nói rất hay, rất hùng hồn về đạo đức cách mạng, về sự liêm khiết, về tệ nạn tham nhũng… vân vân và vân vân.

Lương ư! Không. Kinh doanh ư! Không. Di chúc cha ông để lại ư! Cũng không nốt. 
Theo phản ánh từ báo chí, tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hải Phòng ngày 3-8, sau khi dẫn lời Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày 1/8: “Chúng ta tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”, ông Nguyễn Trọng Lô, một cán bộ hưu trí đã thẳng thắn phát biểu:

“Rất nhiều trường hợp người nhà chứ không phải người giỏi, có nhiều người giỏi hơn sao không chọn cứ chọn con mình, cháu mình, bạn mình, con bạn bè mình. Tôi có thể kể ra hàng chục trường hợp ở Thành phố này”- Ông Lô nói.

Không dừng ở đó, sau khi phản ánh những thực tế đang diễn ra tại Hải Phòng, ông Lô còn bày tỏ:

“Lâu nay, chúng ta cứ nói kê khai tài sản nhưng dân có thấy công khai gì đâu? Tôi biết nhiều cựu lãnh đạo Thành phố này giàu lắm nhưng chẳng thấy ai tới hỏi xem (tiền- NV) ở đâu mà ra. Họ lương bằng tôi mà họ giàu thế thì phải có tham nhũng chứ”.

Những điều bức xúc của ông Lô cũng là bức xúc của người dân hôm nay.

Về tuyển chọn, đề bạt cán bộ, tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan không phải hiếm. Không chỉ tại các làng xã, mà ở các cấp cao hơn đã và đang xuất hiện tư tưởng “cả họ làm quan”. Vụ gia đình ông Bí thư ở Mỹ Đức từng rúng động dư luận không phải là duy nhất.

Thực ra, đây là điều rất tế nhị. Nếu như những con em cán bộ thực sự có năng lực, không cho họ cơ hội thì vô hình trung, chúng ta lại sa vào chủ nghĩa lý lịch mới. Thực tế cho thấy, không ít con cháu một số vị lãnh đạo hiện nay là những cán bộ có năng lực và phẩm chất thực sự. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mà người dân gọi là “đồng chí này con đồng chí nào?”.

Bi kịch của việc tuyển chọn 4 ệ “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” và cuối cùng mới là trí tuệ chính là rào cản sự phát triển của đất nước. Những người thiếu năng lực làm lãnh đạo đã là bi kịch thì những lãnh đạo kém năng lực lại là “con cháu các cụ”, bi kịch càng lớn bởi họ hoàn toàn có thể ỷ thế mà cản bước những người có năng lực.

Thứ hai, việc kê khai tài sản mà ông Lô nêu cũng là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Đặc biệt là câu hỏi “tiền ở đâu mà ra?”.

Làm cán bộ, với mức lương hiện nay, cao lắm cũng chỉ mươi mười lăm triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu hiện tại, nếu có dư giả thì cũng chẳng đáng là bao. Thế nhưng nhiều vị lãnh đạo khi đương chức thì bình thường thôi nhưng khi về hưu rồi mới bộc lộ là giàu, thậm chí rất giàu.

Tất nhiên, chẳng phải ai cũng có “cô em họ” tài trợ hay “làm thối móng tay” như ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Thử hỏi tiền đâu ra? Lương ư! Không. Kinh doanh ư! Không. Di chúc cha ông để lại ư! Cũng không nốt. Thế thì tiền ở đâu mà ra nhỉ? Chịu. Bởi nói họ tham nhũng thì phải có chứng cứ. Vả lại, nếu có cơ hội đăng đàn, họ sẽ nói rất hay, rất hùng hồn về đạo đức cách mạng, về sự liêm khiết, về tệ nạn tham nhũng… vân vân và vân vân.

Thế nhưng họ giàu, rất giàu. Tiền ở đâu mà ra nhỉ?

Tất nhiên, tiền chẳng thể “từ trên trời rơi xuống” và giống như mọi vật chất, nó cũng chịu chi phối bởi qui luật “không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi”. Nó chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác hoặc từ túi nhà nước, sang túi… cá nhân.

Thế nhưng gần đây, bằng cả những lời nói và hành động của Đảng và Nhà nước, đã cho thấy hiện lên bóng dáng của một Chính phủ liêm chính. Một khi có một Chính phủ liêm chính thì chắc chắn, sẽ có một xã hội trong sạch và lúc ấy, câu hỏi “tiền ở đâu ra” của ông Nguyễn Trọng Lô sẽ được giải đáp, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám/dantri.com.vn