Trong một phần tư thế kỷ qua, có một quốc gia đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, có nền kinh tế ngày càng tăng trưởng và trong tương lai có thể sẽ trở thành một nền kinh tế phát triển. Đó chính là Việt Nam, theo nhận định của The Economist.
Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đầu người nhanh thứ hai trên thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc. Nếu trong thập kỷ tới Việt Nam có thể đảm bảo tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 7%, rất có thể đất nước sẽ trở thành một “con hổ châu Á” như Hàn Quốc và Đài Loan. Đó sẽ là một thành tựu vĩ đại đối với một quốc gia đã phải trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và có tỉ lệ nghèo ngang Ethiopia vào những năm 1980.
Việt Nam: “Con hổ Châu Á” mới đang trỗi dậy |
Thêm vào đó, nền kinh tế của Việt Nam nhìn chung khá vững vàng. Chính phủ đã đề ra những chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy 63 tỉnh thành thi đua phát triển kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh đang có rất nhiều khu công nghiệp mới, Đà Nẵng trở thành nơi tập trung của các công ty công nghệ cao, còn ở miền Bắc đang thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài.
Cùng lúc đó, Việt Nam có đường hướng phát triển rõ ràng. Chính phủ chú trọng vào các hoạt động giáo dục, giúp thế hệ trẻ của Việt Nam được đào tạo bài bản, không thua gì nước ngoài. Việt Nam đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục, đồng thời đẩy mạnh huấn luyện giáo viên. Điều này rất quan trong để Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội mới, khi nhân công cần phải có kiến thức, có số lượng lớn và hiểu được những mệnh lệnh phức tạp. Việt Nam đang làm rất tốt điều này, trong khi Thái Lan, Indonesia và Malaysia lại không đảm bảo được nguồn nhân công có trình độ cao.
Là một quốc gia có thu nhập đầu người ở mức trung bình, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải làm để nâng mức thu nhập cao hơn. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại lớn với sự tham gia của 12 quốc gia (trong đó có Mỹ và Việt Nam), có thể sẽ không được chính phủ Mỹ chấp thuận. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn là một gánh nặng của nền kinh tế. Tình trạng xây dựng thừa cơ sở hạ tầng vẫn còn tồn tại. Không chỉ có vậy, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một chuỗi cung ứng đáng tin cậy trong nước.
Tuy nhiên, với những gì đã làm được, Việt Nam hoàn toàn có khả năng để trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển. Nhiều thỏa thuận thương mại với các nước châu Á và châu Âu đã và đang được thỏa luận. Chính phủ cũng đề ra dự thảo kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước mà không ảnh hưởng đến các công ty nước ngoài. Việt Nam có thể nói là hình mẫu để nhiều nước noi theo để phát triển kinh tế.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin của The Economist, đây là một ấn bản tin tức và các vấn đề quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành hàng tuần, The Economist được sở hữu bởi The Economist Newspaper Ltd, thành lập năm 1843. Ấn bản này dành sự ủng hộ cho thương mại tự do, toàn cầu hóa, sức mạnh của chính phủ và chi tiêu cho giáo dục.
Anh Tuấn (lược dịch)/ Infonet