Theo tin trên TTXVN, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang chuẩn bị gửi văn bản yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ game Pokemon Go không thả Pokemon ở khu vực nhạy cảm, gồm cả các khu vực gây nguy hiểm như đường cao tốc, khu vực có qui định riêng về trang phục như đền thờ, chùa, di tích lịch sử...
Việt Nam yêu cầu không thả Pokemon khu vực nhạy cảm |
Ông cũng cho biết, Bộ TT-TT đã có liên hệ phối hợp chặt chẽ với các công ty phát hành như Apple, Google, Microsoft… trong việc xử lý một số game và các công ty này cũng từng có văn bản trả lời sẽ phối hợp xử lý, gỡ bỏ nếu game vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp nhà sản xuất Pokemon Go không hợp tác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu nhà phát hành gỡ bỏ game hoặc đưa ra các giải pháp khác để bảo vệ người chơi.
Bộ TT-TT cũng đã tham khảo kinh nghiệm và thông tin của nhiều nước đã phát hành trò chơi này để ban hành một bản khuyến nghị về chơi game Pokemon Go. Trong đó, trước hết sẽ khuyến nghị người chơi phải cẩn trọng bảo vệ quyền lợi của mình, cân nhắc khi chơi vì đây là trò chơi chưa được pháp luật bảo hộ, lưu ý thận trọng đối với nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, không chơi trong khu vực nhạy cảm (đền, chùa...), nguy hiểm (lòng đường, đường cao tốc); không chơi khi tham gia giao thông; cẩn trọng khi cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm không rõ nguồn gốc để hỗ trợ cho game… Các khuyến nghị này được xây dựng dựa trên tham khảo của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp…
Trên thế giới, hiện có Iran là nước đầu tiên ra lệnh cấm hoàn toàn game Pokemon Go. Theo BBC, Uỷ ban câp cao về các không gian mạng Iran, cơ quan chuyên giám sát các hoạt động trên mạng đã cấm hoàn toàn việc sử dụng Pokemon Go trong phạm vi nước này.
Theo CNN, giới chức sắc tôn giáo tại Ả Rập Xê Út đã ban lệnh chống Pokémon Go, lên án trò chơi này là "phi đạo Hồi".
Tại Mỹ, Thống đốc bang New York đã đề nghị nhà phát triển game Niantic tìm biện pháp cấm các tội phạm tình dục chơi Pokemon Go, do nhận thấy nguy cơ trẻ em có thể theo dấu Pokemon mà đến các địa chỉ của tội phạm tình dục.
Campuchia cũng vừa ban hành một chỉ thị nhằm ngăn chặn những game thủ chơi Pokemon Go lai vãng đến bảo tàng diệt chủng Tuol Seng. Các địa danh trong khu vực bảo tàng chính là những chứng tích của diệt chủng man rợ mà chế độ Khmer Đỏ đã gây ra, nơi mà 12000 người bị tra tấn và sát hại dã man. Tuy nhiên dường như một sai sót của công ty phát triển Niantic đã đưa ít nhất 2 phòng tập Gym và 4 địa điểm PokeStops vào địa danh này, khiến những người vốn đã trải qua thời kì đen tối nhất trong lịch sử Campuchia cảm thấy phẫn nộ. Hiện tại, bất cứ du khách nào cầm theo các thiết bị điện tử thông minh sẽ được các nhân viên bảo vệ buộc phải rời đi.
Tương tự như ở Campuchia, Niactic trước đây đã chọn rất nhiều vị trí nhạy cảm, bao gồm cả các trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan, Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ, và đài tưởng niệm bom Hiroshima Atomic tại Nhật Bản. Trước những bức xúc từ chính quyền và người dân thì công ty này mới rút 2 địa điểm nhạy cảm ra khỏi khu vực có thể tương tác thực tế phục vụ cho việc chơi Pokemon Go.
Tại Indonesia, Malaysia, Đài Loan đều đang cấm học sinh mang điện thoại tới trường để chơi Pokemon Go. Thái Lan đã ra lệnh cấm cảnh sát, binh sĩ chơi Pokémon Go khi đang thực hiện nhiệm vụ do lo ngại rò rỉ thông tin.
Tại Đài Loan, hàng ngàn người bị phạt vì chơi Pokémon khi lái xe. Cục Đường sắt Đài Loan thậm chí ban lệnh cấm chơi tại nhà ga hoặc trên xe lửa.
Nhật Bản, Brunei, Mỹ chỉ đưa ra cảnh báo người dân cẩn thận khi chơi, nhất là trong lúc lưu thông trên đường phố.
Tại Đức, nhiều tập đoàn lớn như Volkswagen, ThyssenKrupp cấm nhân viên chơi trong giờ làm việc…
Tại Việt Nam, đã có những công ty cấm nhân viên chơi Pokémon Go trong giờ làm việc cũng như chơi trong khuôn viên cơ quan, xí nghiệp.
Theo TTXVN