“Chỉ vì đói khát thì nhân loại không bao giờ tạo ra được những giá trị tinh thần vô giá còn đến ngày nay bởi nhân loại đã phải trải qua những thời gian đói khát khủng khiếp. Nhưng chính tinh thần và văn hóa đã đưa con người thoát khỏi con đường của hoang thú và dựng lên những lâu đài văn hóa kỳ vĩ của nhân loại”, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đúc kết từ thực tiễn..
Bây giờ, tôi muốn bạn hãy xem lại hai thực đơn này mà lâu nay bạn cũng như xã hội vẫn dùng. Chúng ta đang chạy đua nhiều lúc quá sức cho thực đơn thể chất của chúng ta. Chúng ta tìm mọi cách để có được những thực phẩm tốt nhất, ngon nhất và lạ nhất để phục vụ mình.
Vô cảm, độc ác từ thiếu dinh dưỡng tinh thần |
Khi chúng ta kiếm được tiền thì hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ vật chất như ăn uống, mua sắm, tích lũy mà chúng ta quá ít nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống tinh thần.
Nhiều người khi có được một mảnh đất rộng thường xây một ngôi nhà càng to càng tốt mà không nghĩ đến một mảnh vườn để trồng cây và hoa và để chim chóc đến ở.
Trong rất nhiều ngôi nhà chúng ta không thấy một tủ sách, không thấy một bức tranh hay những đĩa nhạc. Có một thời, nhiều nam thanh nữ tú thuộc con cái của những gia đình giàu có tham gia các cuộc đua xe và sẵn sàng chết. Họ bỏ phanh xe, quấn khăn lên đầu và phóng xe điên rồ từng đoàn trên phố.
Tôi đã nói chuyện với một thanh niên quen biết đã tham gia đua xe. Chàng trai đó nói anh không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và anh muốn phá tan cái cảm giác u uẩn đó. Có một bóng mây u ám nào đó đang phủ kín tâm hồn họ và họ muốn xóa tan đám mây đó. Nhưng họ không biết cách nào giải phóng tâm hồn họ ngoài những hành động điên rồ như vậy hoặc lao vào ma túy và những thú vui vật chất khác. Vật chất chỉ có thể thỏa mãn những đói khát xác thịt còn văn hóa mới giải phóng được tâm hồn.
Năm 2010, tôi đến nước cộng hòa Yakutia. Ở đó, lần đầu tiên tôi nghe thấy Bộ Phát triển Tinh thần. Đó là một Bộ quan trọng bậc nhất của quốc gia này. Bộ này làm nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Chính phủ đưa ra các dự án đa dạng để làm cho đời sống con người của quốc gia đó có được một đời sống tinh thần tốt nhất, để họ có thể tìm thấy hạnh phúc trong chính những khó khăn nhất định nào đó đang bao vây họ.
Mới đây, tôi xem một bộ phim nói về một dự án của các sinh viên thuộc một số trường đại học ở Tokyo Nhật Bản. Những sinh viên này lập ra một dự án có tên Dự án Phục hồi Kỷ niệm. Công việc của dự án là tìm lại những bức ảnh của các gia đình bị trận sóng thần trước đó cuốn đi.
Người Nhật không tìm lại những phương tiện đắt tiền hay vàng bạc, kim cương và đồ trang sức giá trị, nhưng họ muốn tìm lại những bức ảnh liên quan đến những người thân trong gia đình.
Có một người cha chỉ có duy nhất một đứa con gái nhưng đã bị sóng thần cướp đi sinh mạng. Ông không còn bất cứ tấm ảnh nào của con gái mình. Dự án Phục hồi Kỷ niệm đã tìm lại được một tấm ảnh của con gái ông.
Với ông, tấm ảnh đứa con gái bé bỏng của mình đã trở thành tài sản quí báu nhất của ông và làm cho nỗi đau đớn mất con của ông vơi đi rất nhiều. Vật chất và đời sống đầy đủ của nước Nhật đã không thể mang đến cho người cha kia hạnh phúc nhưng một ký ức đẹp đã cứu ông khỏi đau đớn và tuyệt vọng.
Sau trận sóng thần san phẳng thành phố, những người dân yêu cầu chính quyền địa phương giúp họ xây dựng lại những ngôi nhà cũ với cả việc phục hồi vị trí của từng cái cây. Bởi tất cả những thứ đó đã lưu giữ biết bao kỷ niệm và bao câu chuyện trước đó trong đời sống của họ chứ họ không nhân dịp đó để xây một ngôi nhà to hơn. Cả hai quốc gia Yakutia và Nhật Bản đã thấu hiểu hạnh phúc là gì. Bởi thế mà họ đã làm những gì phải làm cho hạnh phúc.
Mới đây, những anh em trong nhóm “Nhân sỹ Hà Đông” chúng tôi đã mang những đạo sắc phong của làng Hậu Xá, Ứng Hòa, Hà Nội bị đánh cắp mà chúng tôi mua lại để dâng lại cho dân làng.
Những cụ già trong làng đón nhận các đạo sắc phong đó và nói: “Đình làng chúng tôi hiện nay được tu sửa và mua sắm nhiều thứ rất đắt tiền do những người làng có điều kiện cung tiến nhưng chúng tôi vẫn thấy trống rỗng. Chỉ khi nhận lại các đạo sắc phong thì đình làng chúng tôi mới có hồn”. Câu nói của một người nông dân rất đơn giản nhưng đã chạm đến cái lõi của văn hóa, của một đời sống tinh thần.
Tôi có thể trở thành kẻ bất nhẫn ở một khía cạnh nào đó khi nói đến hạnh phúc hay nói đến thực đơn tinh thần nếu đất nước chúng ta đang sống trong một đời sống mà họ chỉ có trong tay một thực đơn thể chất với một món duy nhất: ĐÓI.
Nhưng thực tế, đời sống vật chất của người dân chúng ta đã được cải thiện gấp trăm lần so với nửa thế kỷ trước. Cơn đói cơm áo không còn đe dọa hầu hết người dân chúng ta nhưng cơn đói tinh thần đang mỗi ngày một lan rộng.
Có một điều mà tôi tin mọi người đều nhận thấy là sự vô cảm đang tăng lên, sự độc ác đang tăng lên. Hai điều tôi vừa nói hầu hết không bắt nguồn từ nguyên nhân đói khát. Bởi nếu chỉ vì nguyên nhân đói khát mà gây ra sự vô cảm và độc ác thì năm 1945 người Việt Nam sẽ lên đến đỉnh điểm của vô cảm và độc ác.
Và chỉ vì đói khát thì nhân loại không bao giờ tạo ra được những giá trị tinh thần vô giá còn đến ngày nay bởi nhân loại đã phải trải qua những thời gian đói khát khủng khiếp. Nhưng chính tinh thần và văn hóa đã đưa con người thoát khỏi con đường của hoang thú và dựng lên những lâu đài văn hóa kỳ vĩ của nhân loại.
Một cái dạ dày ngập tràn thức ăn chỉ giúp con người tồn tại như mọi thể thức sống khác còn một tâm hồn ngập tràn cái đẹp sẽ đưa chúng ta tới ánh sáng của hạnh phúc.
Nguyễn Quang Thiều
Chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Trong suốt 7 năm bền bỉ đến với công chúng yêu nhạc, dù một năm duy nhất (năm 2014) bị gián đoạn, “Điều còn mãi” sẽ lại tiếp tục đến với công chúng yêu nhạc thông qua các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc của các nhạc sỹ gạo cội trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Trở lại năm 2016, hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2016” dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, người nhiều năm qua sống và chỉ huy dàn nhạc tại Macedonia.
Các ca sĩ như Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng “Điều còn mãi 2016”.
Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình bao gồm: Quốc ca Việt Nam (Tác giả: Văn Cao; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Chào mừng (Tác giả Trọng Bằng; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Đàn bầu: Bùi Lệ Chi); Người là niềm tin tất thắng (Tác giả Chu Minh; Biểu diễn: Tùng Dương); Cảm xúc Tháng Mười (Tác giả Nguyễn Thành & Tạ Hữu Yên; Biểu diễn: NSƯT Hồng Vy); Bốn bức tranh (Tác giả Đặng Hữu Phúc; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Tình ca Tây Bắc (Tác giả Bùi Đức Hạnh; Biểu diễn: Lê Anh Dũng); Hồ trên núi (Tác giả Phó Đức Phương; Biểu diễn Tùng Dương); Bạch Đằng Giang (Tác giả Trần Mạnh Hùng; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Chào sông Mã anh hùng (Tác giả Xuân Giao; Biểu diễn: Đăng Dương); Quảng Bình quê ta ơi ( Tác giả Hoàng Vân; Biểu diễn: Thành Lê); Tình yêu của Biển (Tác giả Phú Quang; Biểu diễn: Solo Flute NSƯT Diệu Hồng & Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Dáng đứng Việt Nam (Tác giả Nguyễn Chí Vũ; Biểu diễn: Lê Anh Dũng).
Kết thúc chương trình sẽ là bài Đất nước trọn niềm vui (tác giả Hoàng Hà), Dàn hợp xướng ĐHSPNT TW – các Ca sỹ và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Theo Tannamtu