Lần cuối tôi đi Nhật đã khá lâu, cách đây 15, 16 năm gì đó. Ấn tượng lớn nhất đọng lại trong tôi đến tận bây giờ là hình ảnh một nhân viên nhà ga trẻ măng hướng dẫn người đi tàu xuống và lên tàu.
Do lượng người quá đông vào giờ đi làm buổi sáng nên cần có người hướng dẫn và duy trì trật tự đi tàu.
Một người bán hàng ăn ở Beppu, miền Nam Nhật Bản thông báo: Hãy mang túi ni lông riêng của bạn, để bảo vệ trái đất. Ảnh: Bình Minh |
Tôi để ý xem sự nhiệt tình, cần mẫn ấy ra sao, nhưng cái rút ra chính là vẫn như vậy, không thay đổi. Quả thực là cảm phục.
Lần này trở lại sau ngần ấy năm để xem có gì hay không. Nhưng trước hết hãy bắt đầu từ Hà Nội.
Đến sứ quán Nhật làm thủ tục visa. Đã từng đến vài sứ quán các nước làm visa và cũng đánh giá cao sự phục vụ tại đó, nhưng đến sứ quán Nhật mới thấy mức độ phục vụ là như thế nào.
Tôi đến hơi muộn, lấy số thứ tự xong, nhìn phòng đợi đông nghịt, nghĩ chắc buổi sáng không thể đến lượt. Quan sát hai nhân viên làm việc, tôi nhận thấy mình vẫn đến lượt vì tốc độ xử lý của nhân viên cực nhanh, họ đứng, không có ghế để ngồi, làm việc cần mẫn, lịch sự, thân thiện. Sự thân thiện từ ngoài thường trực tiếp tục được duy trì tại đây.
Lúc xong thủ tục của mình, tôi nhẩm tính mỗi nhân viên trong buổi sáng giải quyết được cỡ 150 đến 200 số - mà có số làm cho cả chục trường hợp. Năng suất lao động và thái độ phục vụ đáng nể. Điều mà Chính phủ Việt Nam, các cơ quan công quyền đang ra sức làm là nâng cao tính phục vụ của nền hành chính chính là đây, khỏi phải đi đâu nghiên cứu. Quả thực là cảm phục.
Sau mấy ngày ở Tokyo, cả nhà tôi đi Kyoto. Chiều hôm đó đi thăm một di tích nổi tiếng của cố đô. Đi xe buýt, đến nơi, sau một tiếng tôi phát hiện điện thoại di động của mình đã mất. Không biết mất lúc ăn trưa ở nhà hàng trong nhà ga chính Kyoto hay lúc đi xe buýt.
Tham quan xong, trở về nhà ga Kyoto đến nhà hàng hỏi không có kết quả. Đến bộ phận đồ bị mất trong nhà ga cũng không. Cuối cùng, đến Trung tâm thông tin du lịch. nhân viên rất thân thiện. Tôi nói đi chuyến xe số đó, hướng đó, thời gian khoảng đó. Nhân viên gọi điện liên hệ, sau một phút mỉm cười nói đã thấy và hướng dẫn đi đến trụ sở công ty xe buýt cách đó độ 45 phút đi xe buýt để nhận lại.
Họ không nói, nhưng tôi phỏng chừng có người đi xe nhặt được điện thoại, chuyển người lái xe, người này chuyển lại công ty và cuối cùng tôi liên hệ để nhận lại. Tính trung thực của người Nhật, sự tận tình của nhân viên lái xe và sự phục vụ của Trung tâm thông tin du lịch thật là đáng nể. Quả thực là cảm phục.
Và cái cảm phục của tôi về sự tận tâm, cần mẫn, chuyên nghiệp trong công việc của người Nhật cách đây mấy chục năm vẫn luôn hiện hữu lần này khi trở lại. Người nào việc nấy, không phân biệt việc lớn, việc nhỏ, việc sang, việc hèn, việc vất vả hay nhàn hạ, mỗi người đều làm đúng chức trách, phận sự của mình. Tôi nhìn thấy trong họ sự trân trọng nghề nghiệp, công việc, sự thể hiện hết sức để làm tốt việc được giao, công cũng như tư.
Cái đáng nể cuối cùng muốn nêu ở đây, đó là câu chuyện cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng. Ai hút thuốc lá mà đến Nhật thì là một thảm họa. Dạo trên các đường phố của Tokyo và Kyoto không thấy mẩu thừa thuốc lá nào. Mọi người thực hiện triệt để việc cấm hút ở nơi công cộng.
Đến các nước khác, ra khỏi nhà ga, nhà hàng... là có thể vô tư hút, nhưng ở đây là không thể. Chỉ được hút ở một vài địa điểm đã xác định. Ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật ở đây dường như ăn sâu vào tâm trí mọi người. Quả thực là cảm phục.
Có người có thể sẽ bảo, có gì mà cảm phục, Nhật mà lại.
Thì đúng là Nhật, nhưng đằng sau những cái nho nhỏ này lại toát nên nhiều cái lơn lớn làm nên những kỳ tích của người Nhật và đấy là cái đáng để khâm phục, học hỏi.
Theo Vietnamnet