Thời gian qua trên báo chí liên tục thông tin về những “dòng họ làm quan” ở một số địa phương. Đáng lưu ý, tất cả các vị trí, chức vụ khi được bổ nhiệm đều rất đúng qui trình. Đúng qui trình nhưng tại sao lại trở thành “tâm bão” dư luận, lại khiến nhiều người bức xúc, bức bối, nghi ngờ. Nhiều người nhà cùng làm quan thì liệu trong làm việc có “chí công vô tư” và ai là người kiểm tra "năng lực, hiệu quả làm việc" của những người này? Và mấu chốt là nếu dòng họ ấy không có một ông làm chức cao thì những người kia có được qui hoạch, đề bạt hay không?
Cả họ làm quan: Chọn người tài hay gài người nhà? |
Trở lại thực tế, nhiều con em, họ hàng của những người làm quan to đều được đề bạt, cất nhắc đúng qui trình, vậy qui trình ấy là gì mà có uy lực lớn đến vậy? Phải chăng quy trình chính là cái áo chống đạn mà người ta thường dùng khi xảy ra sự cố? Qui trình ấy khiến một người có thể thao túng được cả một hệ thống. Khi dư luận “sờ” đến yêu cầu giải thích rõ việc bổ nhiệm anh em, họ hàng thì qui trình đó được họ giải trình rất hợp lý, không bắt bẻ vào đâu được.
Quy định, qui trình đã có, khi thấy có điều “gợn” trong công tác cán bộ, dù được giải thích là đúng qui trình nhưng người ngoài nhìn vào vẫn thấy nó nực cười và lộ rõ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở đây. Giả sử, ông A, chị B không phải là em ruột, là họ hàng thân thích của lãnh đạo X, Y… thì có được cất nhắc, đề bạt vào những vị trí chủ chốt hay không? Hay nếu đằng thẳng thì những người này chỉ muôn đời là nhân viên quèn không hơn?
Nhìn vào cái qui trình “thần thánh” kia thì những kẻ “thân cô thế cô” dù có tài năng, có chuyên môn vững vàng cũng khó mơ một ngày nào đó mình được để mắt tới.
Câu chuyện về cả họ làm quan ở Mỹ Đức (Hà Nội) đã từng gây tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới và dư luận cũng mong muốn đi tới tận cùng sự thật. Và sự thật đã được Thành ủy Hà Nội làm rõ rằng: ở huyện Mỹ Đức có gần 10 người quan hệ họ hàng là do… ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc này cũng thiếu thận trọng và gây dư luận cho rằng không khách quan. Thành ủy yêu cầu huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo huyện; nghiêm túc kiểm điểm việc điều động, bố trí cán bộ, gây tư tưởng chưa tốt cho cán bộ đảng viên; xử lý lại chưa kịp thời.
“Kiểm điểm nghiêm túc” là như thế nào? Sao khó hình dung đến vậy? Dư luận đang hướng đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trong đó có một phần liên quan đến việc điều động, bổ nhiệm cán bộ; trường hợp nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức đã bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo doanh nghiệp do Bộ Công thương trực tiếp quản lý. Và những vụ việc này, bổ nhiệm cán bộ cũng rất đúng qui trình đấy thôi.
Sau hàng loạt vụ việc, có thể thấy một điều, những người làm công tác cán bộ khi đã chủ ý đưa con em, họ hàng thân thích của một vị quan chức nào lên thì họ sẽ bám rất sát qui trình. Và hệ quả là gì? Dễ thấy nhất là giảm niềm tin của dân với hệ thống công quyền, chất lượng đội ngũ cán bộ suy yếu về năng lực, phẩm chất, những người tài thì không muốn lên tiếng. Rốt cuộc cái quy trình nể nang và quan hệ như hiện nay sẽ đưa đất nước về đâu?
Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Nhưng, công cuộc này có thành công hay không thì vai trò nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng. Cùng với đó là việc minh bạch, cạnh tranh trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Nếu lãnh đạo cơ quan, đơn vị nói không với việc bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ” thì cấp dưới sẽ chắc chắn sẽ không dám làm bừa. Còn nếu vẫn có chuyện ông bí thư này, bà chủ tịch nọ bổ nhiệm em ruột hay em họ, cháu con như đang xảy ra ở một số địa phương thì công tác cán bộ sẽ còn dài dài chưa chắc có chuyển biến. Chúng ta cũng phải nghiêm túc xem xét lại qui trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang “lỗi” ở đâu để kịp thời điều chỉnh, tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua./.
Theo Vũ Hạnh/ VOV