Thứ Sáu

Chuyện buồn về một thế hệ người Việt nhỏ bé và yếu ớt.

Môn thể dục, dưới góc nhìn của tôi, là cực kỳ quan trọng, nhưng thực tế nó vẫn chỉ mang sứ mệnh duy nhất là đảm bảo đủ số đầu điểm cho một cuốn học bạ, để phụ huynh nhìn vào có thể yên tâm rằng con em mình đã được đào tạo một cách toàn diện cả trí và lực.

Chuyện buồn về một thế hệ người Việt nhỏ bé và yếu ớt.
Đầu năm học mới, tôi cân thử chiếc ba lô của cô con gái lớp 4. Gần 7 kg.
Riêng môn Tiếng Việt có tới 4 cuốn sách và 4 cuốn vở. Tôi cố thuyết phục cháu bỏ bớt ra cho đỡ nặng nhưng không thành công, vì cháu bảo cô giáo yêu cầu phải có đủ chừng đó sách vở.

Tôi mới thực hiện một khảo sát nhỏ, lấy đối tượng là khoảng 100 học sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở ở Hà Nội.

Các câu hỏi và kết quả như sau:

- Em có tập đều đặn một môn thể thao nào không? (Hơn 90% trả lời là “không”).

- Bố mẹ có định kỳ đo chiều cao cân nặng của em không? (Hơn 90% trả lời là “không”).

- Bố mẹ có khuyến khích em tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao không? (Hơn 90% trả lời là “không”)

- Bố mẹ có cho em đi học thêm các môn như văn, toán, ngoại ngữ… không? (Gần 100% câu trả lời là “có”).

Môn học nào là quan trọng đối với học sinh, nhất là ở độ tuổi 11 đến 15, độ tuổi vàng của đời người để phát triển tầm vóc và thể lực? Không nhiều phụ huynh đề cao môn thể dục. Rất ít người có ý thức dành cho con một quỹ thời gian bắt buộc trong cái lịch học triền miên kín mít để chơi thể thao. Dù nhiều người vẫn nhận thức được rằng một trong các yếu tố quyết định tầm vóc và thể lực chính là chế độ tập luyện tốt.

Hơn 10 năm nay tôi làm việc cho một dự án giáo dục của Nhật Bản. Nhiều lần tôi và các chuyên gia người Nhật đứng hàng giờ để quan sát giờ thể dục tại các trường học. Điều khiến họ rất ngạc nhiên là tại sao cả lớp đều tập một môn giống nhau như đánh cầu lông, đá cầu hoặc chạy, trong khi việc lựa chọn một hoạt động theo sở thích, phù hợp thể chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ là điều cực kỳ quan trọng.

Tôi chỉ có thể lý giải rằng, ở các trường công lập, cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn lực tài chính hạn hẹp lại không được huy động phụ huynh đóng góp, thì thầy cô có cố gắng và tâm huyết đến mấy cũng không thể tạo cho các em môi trường rèn luyện thể chất một cách bài bản và hiệu quả.

Tôi cũng từng nhiều lần đến thăm các trường học ở Nhật Bản. Môn thể dục được xếp vào giờ ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa như vậy gọi là bukatsudo, được tổ chức dựa trên nhu cầu, khả năng và sở thích của học sinh. Vì vậy mỗi môn như bắn cung, bơi lội, bóng chày… đều có sự tham gia của học sinh các khối, các lớp. Có rất nhiều môn để học sinh lựa chọn nên không có sự bắt buộc một em không thể chạy phải tập chạy, hay một em sợ nước phải tập bơi.

Giáo dục thể chất hoàn toàn không được coi trọng và đầu tư xứng đáng, cũng như hoàn toàn không có cơ hội và điều kiện để làm đúng, làm tốt vai trò của nó: góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc, thể trạng của học sinh. Đây là sự thật tồn tại ở toàn bộ hệ thống trường công tại Việt Nam. Môn thể dục, dưới góc nhìn của tôi, là cực kỳ quan trọng, nhưng thực tế nó vẫn chỉ mang sứ mệnh duy nhất là đảm bảo đủ số đầu điểm cho một cuốn học bạ, để phụ huynh nhìn vào có thể yên tâm rằng con em mình đã được đào tạo một cách toàn diện cả trí và lực.

Trong hơn 100 học sinh lớp 9 mà tôi đã tiến hành khảo sát, tỷ lệ béo chậm, uể oải hoặc thấp còi, gầy yếu chiếm đa số. Tôi lấy làm lạ, bố mẹ có thể không tiếc tiền đầu tư cho con ăn, học. Ước mơ của bố mẹ là nhồi nhét vào đầu con càng nhiều kiến thức sách vở càng tốt, mà quên mất rằng điều kiện tiên quyết giúp con gánh vác được những áp lực học hành, thi cử, cũng như giúp con đối chọi được mọi thử thách trong cuộc sống sau này, đó chính là sức khỏe, sự dẻo dai và tinh nhanh… Những thứ đó không phải tự nhiên mà có.

Một thống kê mới đây cho biết, người Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới. Ở Đông Nam Á, chúng ta chỉ cao hơn Philippines, Indonesia và thấp hơn hẳn Campuchia. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng tôi cho rằng, kết quả này có thể góp phần lý giải cho hiện tượng năng suất lao động của người Việt luôn ở mức thấp của thế giới và ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Bởi hiệu quả học tập hay năng suất lao động không thể được tạo ra từ một chủ thể suy nhược.

Con tôi, nói rộng hơn là con của chúng ta, có thể vẫn sẽ vác được chiếc ba lô 7 kg hàng ngày đến lớp. Nhưng trong tương lai, chúng sẽ gánh vác được những gì trên chính đôi vai mình mới là điều quan trọng. Muốn trả lời tốt câu hỏi đó, tôi thực sự mong các con chúng ta được chuẩn bị tốt về nền tảng thể chất, để chúng trước hết, không phải là những người Việt nhỏ bé và yếu ớt.

ĐỖ SÔNG HƯƠNG (VNEXPRESS)