Mấy ngày nay, việc Công ty CP tập đoàn Hoa Sen sẽ xây dựng khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Nà – Ninh Thuận đang gây ra tranh cãi lớn.
Nhưng bạn biết tôi thất vọng nhất ở chỗ nào không? Không phải chuyện tranh cãi đúng sai mà ta đang thấy ở đây, mà là phản ứng đầu tiên của những độc giả bình thường khi nghe tin dự án thép này xây bên bờ biển. Các cmt hôm đó, tôi xin được trích lại như sau:
Bức ảnh các bạn đang xem, là bãi biển Bình Ba mà tôi đi du lịch hồi năm ngoái. |
- Tôi cảm thấy tin tưởng những gì doanh nhân Phật tử Lê Phước Vũ nói và làm!
- Doanh nhân Việt Nam. Mình ủng hộ100%.Nhất là ông Vũ. Một người có tấm lòng vì người nghèo. Một người có tâm huyết vì tổ quốc...
- Chú Vũ làm thì tôi yên tâm !
- Hoàn toàn ủng hộ dự án của ông Lê Phước Vũ. Là người VN chắc chắn là phải có trách nhiệm với quê hương, đồng thời anh Vũ là người có tâm và có tầm nên tôi hoàn toàn tin tưởng những gì anh ấy làm. Nhà nước hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh ấy hoàn thành dự án và làm rạng danh nước Việt.
- Vị này là Phật tử, doanh nhân ăn chay trường. Tôi tin tưởng vị này có cái tâm khi thực hiện dự án.
1 tuần sau, ông Lê Phước Vũ phát biểu trong đại hội cổ đông: “vị trí đặt dự án được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới hiện nay”.Ông Vũ cũng cho rằng nếu nhìn thấy Hòa Phát một quý lời đến 2.000 tỷ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.
Kể từ sau phát biểu trên, ông Lê Phước Vũ nhận bão từ dư luận. Nhìn lại những lời bình luận ở bên trên, tôi thấy nó kệch cỡm vô cùng. Đó là khi tôi nhớ lại một câu chuyện cũ, cũng tương tự. Sự hời hợt khủng khiếp một ngày sẽ quay mũi giáo đâm vào chúng ta.
***
Một người bạn tôi khi chứng kiến một vị quan chức sắp từ nhiệm đã viết “Tạm biệt ông. Sau 9 tháng 10 ngày cùng nước nhà. Không hiểu sao nhìn ông đi. Một công dân như mình lại thấy buồn”.
Bên dưới là các cmt “Ông xứng đáng đi vào lịch sử hùng tráng, một con người lẫy lừng.”
Tôi xin lưu ý với các bạn, họ chẳng phải dư luận viên gì. Họ rất bình thường, thậm chí lâu lâu cũng bình luận về tham nhũng, tệ nạn xã hội này nọ. Nhưng họ vẫn viết vậy. Thực ra đây không phải là hình ảnh duy nhất tôi cười buồn trong những ngày cuối nhiệm kỳ của người đàn ông ấy. Cũng không phải là đầu tiên.
Sự hời hợt chính trị khủng khiếp của người trẻ đã khiến họ nhìn nhận một cách ngây thơ. Cộng với thói a dua khi không tìm hiểu kỹ đã đưa đến những câu bình luận đó.
Không. Có lẽ họ chỉ là nạn nhân. Nạn nhân của một thói quen đáng sợ đè nặng lên người trẻ Việt Nam. Thói quen ấy, bất kỳ ai bàn chính trị, nói chuyện thế giới thì bị những kẻ ấy bĩu môi là ăn rau muống, rồi đăng stt chế giễu người bàn chính trị, trong khi bản thân họ lại cho thấy sự non kém so với thế giới.
Sự hời hợt ấy, không gì quá đáng, khi chính họ phải trả giá cho những con cá mà họ đã ăn bởi đã đặt niềm tin vào một người sẵn sàng ký một hợp đồng nguy hiểm cho dân tộc.
Và câu nói "ăn rau muống" quay lại đập chính họ. Chứ có cá đâu mà ăn nữa?
***
Ngoài kia, Biển Đông vẫn nói chuyện Hoàng Sa- Trường Sa. Nhưng ta đang đâm trọng thương ta ở trong này rồi.
Sự đâm trọng thương ấy, còn vì chính ta bằng nhận thức sai lầm, sự hời hợt, và hơn cả: người Việt hại người Việt.
Phải từ sau khi ông Vũ nói câu “ngu gì không làm thép”. Các chuyên gia, nhà khoa học mới trưng ra những bằng chứng cho thấy nhà máy thép hoàn toàn không hợp lý. Các lập luận được đưa ra, tôi xin tóm lược như sau:
- Ninh Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra là lấy đâu ra nước để phục vụ “siêu dự án” được đặt tại đây? Khi dân còn không đủ nước, lấy đâu nước cho thép. Không chỉ nước, mà còn điện. Nhà máy thép “ngốn” nhiều điện năng.Theo tính toán các nhà máy sản xuất thép trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã “ngốn” khoảng 60% sản lượng tiêu thụ điện ở địa phương.
- Theo nhận định về sự phát triển của ngành thép thời gian qua tại Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định sản xuất thép ở Việt Nam bằng các cụm từ: “Vỡ trận”, “chết lâm sàng”, “khủng hoảng thừa”...GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng nếu thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, VN không nên đầu tư vào ngành thép: “Vì quy luật cung cầu thế giới hiện nay là phân công chuỗi giá trị, nhiều nước cũng đang đóng cửa các nhà máy thép do nguồn cung dư thừa quá nhiều”
- Bản thân Ninh Thuận vừa có nhà máy điện hạt nhân, giờ lại thêm thép. Có lẽ cá tôm khó sống.
- Và bạn biết khủng khiếp nhất là chỗ này. Báo Tuổi Trẻ cho biết, trong danh mục các dự án đầu tư ngành thép VN giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 ban hành kèm theo quyết định 694/2013 của Bộ Công thương về quy hoạch ngành thép, có tên 20 nhà máy được xây dựng giai đoạn 2007-2012 và 44 dự án đầu tư mới đến 2020-2025. Ninh Thuận không hề có tên trong danh sách này.Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng do bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt ngày 22-8, Ninh Thuận không có tên trong danh sách các địa phương sản xuất thép.
“Bùm” một phát, dự án này xuất hiện. Trả lời vì sao dự án Hoa Sen - Cà Ná được đưa vào quy hoạch ngành dù không được cơ quan thẩm định xem xét phù hợp với quy hoạch vùng đã đưa ra trước đó, ông Trương Thanh Hoài, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), khẳng định việc đưa dự án thép này vào quy hoạch là đúng quy trình (Vâng, cái từ rất quen thuộc). Theo ông Hoài, “thép là sản phẩm thuộc quy hoạch “mềm” (Xin lỗi tình yêu, “Quy hoạch mềm” – thêm một cụm từ mới).
***
Bức ảnh các bạn đang xem, là bãi biển Bình Ba mà tôi đi du lịch hồi năm ngoái.
Bạn thấy đấy, biển nước ta cực kỳ đẹp.
Một điều nữa, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử và diễn biến thế giới để hiểu rõ hơn. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Các quốc gia có sự phân định rõ ràng về lãnh thổ trên đất liền. Và đó là khi những tầm nhìn chiến lược của họ nhìn ra biển.
Bạn không nên quên một kiến thức khoa học thường thức: Trái đất có 3/4 là biển.
Phải, đất liền chỉ sở hữu 1/4 thôi. Tất cả các nước trên thế giới hiểu điều này, và chuyển hướng sang tranh giành các đại dương. Điều gì đã đem đến sự giàu mạnh của Châu Âu bây giờ? Cách mạng công nghiệp là gốc, nhưng chính vì những phát kiến hàng hải giong thuyền ra đại dương đã tạo ra cho họ một lượng tiền tệ lớn. Cùng với đó là sự phát hiện ra Châu Mỹ, sau đó là sự xâm chiếm thuộc địa.
Đại dương quan trọng như vậy đấy.
Biển đem đến ba lợi thế lớn. Quốc phòng là điểm quan trọng đầu tiên. Vận chuyển hàng hải là điểm quan trọng thứ hai. Và Kinh tế là điểm quan trọng thứ ba. Kinh tế thì có hai mảng nhỏ: người dân đánh bắt hải sản, địa phương khai thác du lịch.
Trung Quốc những năm qua phát triển mạnh về hải quân. Đội tàu biển là mũi nhọn kinh tế của Hy Lạp. Panama giàu lên nhờ kênh đào Panama. Thái Lan dùng biển làm du lịch.
Việt Nam làm khác. Việt Nam đặt một nhà máy thép ở biển. Đó là nhà máy gây ô nhiễm. Việt Nam bỏ ba lợi thế lớn về quốc phòng, vận chuyển, kinh tế.
Còn hai tập đoàn đóng tàu và kinh tế biển của Việt Nam thì sao: Đại án tham nhũng Vinashin, Vinaline gọi tên họ.
Tất cả các nước có biển đều giàu, trừ Việt Nam. Đấy là một sự thật phũ phàng.
Biển là tài sản lớn nhất của dân tộc này. Biển là món quà của thượng đế cho Việt Nam. Nhưng tư duy về biển của người lãnh đạo lại quá ngược thế giới.
Lời kết:
Formosa. Ngày phát hiện ra ô nhiễm ở biển, phó chủ tịch huyện bảo "Bà con cứ yên tâm tắm biển, ăn cá Vũng Áng". Sau đó, phát hiện chất thải chôn ở đất liền, thứ ấy đang được chôn ở trang trại của Giám đốc Cty Môi trường đô thị Kỳ Anh. Bi kịch nhất, trang trại ấy nằm ngay đầu thượng nguồn con nước chảy vào đập Mộc Hương (Kỳ Anh).
Chất thải Formosa đã giết biển, và giờ giết cả đất liền, giết cả nguồn nước, giết cả người dân.
Hà Tĩnh nếu vẫn còn giữ lấy Formosa. 20 năm nữa sẽ thành vùng đất chết. Chết từ ung thư, chết từ môi trường.
Và cái ngày đó, những kẻ bút máu bảo vệ Formosa trước những người phản đối. Những kẻ nhiệm kỳ chỉ 5 năm mà ký hợp đồng giết chết 70 năm sau. Những kẻ đem về địa phương của mình một con quái vật. Mà vùng đất ấy, do chính tổ tiên khai phá mà ra, không phải của họ.
Những kẻ ấy sẽ phải trả lời với Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh...ở dưới suối vàng. Những vị anh hùng đã đổ xương máu bảo vệ dân tộc, và những lãnh tụ đã sống bằng cả những tư tưởng đẹp nhất cho một ngày Việt Nam cất cánh. Đổi lại hôm nay, nhận về sự bội phản.
(Dũng Phan)/ The x file of history