Trần Thủ Độ là nhân vật nhiều tranh cãi trong lịch sử Việt Nam. Cách hành xử của ông với gia tộc nhà Lý hay cách ông ép hôn Trần Thái Tông Trần Cảnh với vợ của anh trai là Trần Liễu khiến nhiều người không phục. Nhưng về tài trị quốc, đánh giặc của Trần Thủ Độ thì hết sức đáng ca ngợi.
Trần Thủ Độ không cất nhắc anh trai, không e ngại Trần Quốc Tuấn |
Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: "Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua".
Tuy quyền lấn át vua nhưng Trần Thủ Độ chưa bao giờ là người có dã tâm để làm chuyện đại nghịch mà một lòng phò tá nhà vua, giữ vững bờ cõi không khác gì chuyện Y Doãn, Chu Công mà những người theo Nho học thời xưa hay ca ngợi về những gương quyền thần không ngại điều tiếng giúp vua.
Khi là người đứng dưới một người, trên muôn người ở triều Trần, Trần Thủ Độ là phụ trách việc cất nhắc quan lại. Có nhiều giai thoại đến sự công tâm của Trần Thủ Độ khi đề bạt các quan. Trần Thủ Độ không vì mình là quan to mà để anh em ruột trong nhà nắm quyền.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: 'An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần, thị thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng thì việc triều đình sẽ ra làm sao ?'. Vua bèn thôi".
Cũng có thể Trần Thủ Độ ngại việc anh em cùng làm quan to trong triều thì sẽ bị thiên hạ gièm pha chuyện Tư Mã Sư - Tư Mã Chiêu chuyên quyền thời nhà Ngụy bên Tàu, sau con Tư Mã Chiêu cướp ngôi nhà Ngụy lập ra nhà Tấn. Những lời đồn như thế sẽ xáo động nhân tâm, ảnh hưởng đến triều đình xã tắc. Đừng quên câu chuyện được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Một người thấy ông có nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ, nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói". Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy". Cũng vì ngại điều tiếng như thế mà sử sách sau này chép khá ít về Trần An Quốc, Trần An Hạ - hai anh trai của Trần Thủ Độ.
Vì phép công, Trần Thủ Độ không ít lần cự tuyệt vợ là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (từng là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông và là mẹ của Lý Chiêu Hoàng). Theo sách Việt sử giai thoại, Thiên cực công chúa (sau khi nhà Lý mất thì bà bị phế khỏi ngôi Hoàng hậu xuống làm Thiên cực công chúa. Sau vua Trần Thái Tông phong bà là Quốc mẫu) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư?”. Trần Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: "Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa", sau đó ban thưởng cho người này.
Rồi khi Thiên cực công chúa có xin riêng cho một người làm Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: "Ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt." Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa".
Những câu chuyện giai thoại như vậy để chỉ ra rằng Trần Thủ Độ là người dù ngôi cao nhưng dùng người rất nghiêm, ông không chịu để mang tiếng dùng anh em thân thích cùng làm quan to, không để người thân tác động trong cách dùng người của mình. Và một bằng chứng rõ ràng hơn cả trong cách dùng người của Trần Thủ Độ chính là ông tạo điều kiện để cho Trần Quốc Tuấn được giữ binh quyền, thể hiện tài năng mà không hề sợ nguy cơ sau này.
Cần nhớ, Trần Quốc Tuấn chính là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, người đã bị Trần Thủ Độ ép bỏ vợ là Thuận Thiên công chúa để... nhường cho Trần Thái Tông. Trần Liễu rất căm hận chuyện này nên đã từng dấy binh làm phản nhưng thất bại. Năm 1251, lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăn trối rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được"
Nếu Trần Thủ Độ mà e ngại Trần Quốc Tuấn về sau nắm quyền báo thù thì ông thừa đủ quyền lực để trù dập. Nhưng năm 1257, Trần Quốc Tuấn đã được nắm trọng trách trong cuộc kháng Nguyên lần nhất. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Quốc Tuấn".
Mãi đến năm 1264, Trần Thủ Độ mới qua đời. Nếu Trần Thủ Độ là người ích kỷ hẹp hòi chỉ biết dùng người thân tạo vây cánh thì e rằng Đại Việt khó có Trần Hưng Đạo và 2 cuộc kháng Nguyên rực rỡ sau này.
Một thế giới