Người ta thường nói muốn giàu sang phải có tướng có số, nhà cửa phải hợp phong thủy, vậy tại sao có người không được điểm gì vẫn giàu sang.
Có một câu chuyện xưa trong dân gian truyền lại như sau
Ngày ấy, có ba ông thầy, mỗi ông chuyên sâu một môn: thầy xem Tướng, thầy tính Số, thầy xem về địa lý phong thủy. Ba thầy hợp lại đi chu du khắp nơi. Với họ không phải chỉ là kiếm tiền mà chủ tâm vào nghiên cứu học hỏi.
Tướng không tốt, số không lành, phong thủy thất cách vì sao có người vẫn giàu sang? |
Thầy bước tới cổng thấy một người đàn ông oai vệ, thầy cất tiếng: “Xin chào ông chủ, ba chúng tôi lỡ đường xin được nghỉ tại điền trang đêm nay”.
Người đàn ông chắp tay nói: “Dạ thưa, ông chủ ở trong kia, tôi chỉ là người gác cổng. Mời ba ngài vào tệ xá”.
Trên đường đi, thầy Tướng không khỏi phân vân. Khi vào phòng khách, chủ nhà chào đón rất chân tình. Chủ nhà sai người dâng trà, sau đó làm bữa cơm thịnh soạn thiết đãi. Trong khi ăn, thầy Số hỏi chủ nhà về gia cảnh và xin cho biết Bát Tự (can và chi của giờ, ngày, tháng, năm, sinh, là 8 chữ) của ông. Chủ nhà hoan hỷ phúc đáp từng ý của thầy. Ba thầy được nghỉ đêm trong một phòng khách bài trí hài hòa, đồ đạc giản dị, gọn gàng ngăn nắp.
Trước khi ngủ, thầy Tướng cho biết: “Thiên hiệp hề tiện yểu túc ác. Nghĩa là trán hẹp, lệch, tướng yểu, nghèo khổ. Ngũ quan phá tướng chẳng tốt”.
Thầy Số cho hay: “Ông này Mệnh Triệt, thân Tuần. Ba cung tam hợp Mệnh, Tài, Quan không tốt, có song Hao cư tại Phúc Tài là không giữ được tiền của. Chỉ được cung Phúc tại Tuất có sao Thái âm, cung xung chiếu tại Thìn có sao Thái dương là hai sao cư Đắc cách. Như thế Tướng không tốt, số chẳng lành. Tại sao giàu có làm ông chủ? Người có tướng làm ông chủ lại là người canh cổng kia??? Phải chăng nhờ mồ mả ông bà được táng nơi âm trạch tốt Đại phát? Sáng mai xin chủ nhà dẫn đi xem Âm trạch ra sao”.
Ba thầy nằm thao thức mong trời mau sáng.
Sáng hôm sau, ba thầy dùng trà, ăn sáng. Sau đó đích thân chủ nhà dẫn ba thầy đi đến nơi an táng ông bà, cha mẹ. Đường đi vòng vèo khá xa mới tới khu mộ được táng, nơi này có suối chảy qua.
Thầy Địa lắc đầu: “Đây là nơi thủy xuất, chẳng tụ, có thể nói là không đẹp. Long hổ dữ thủy thuận, gia trung tài dụng tận”.
Sau đó mọi người ra về, khi về thì đường rất gần, chẳng vòng vèo như lúc đi.
Ba thầy hỏi: “Sao khi đi ông không đi đường này mà đi vòng chi cho xa?”.
Ông chủ nhà từ tốn đáp: “Khi dẫn ba thầy ra ngoài cổng tôi thấy hai mẹ con người nông phu đang cắt trộm lúa của tôi. Nếu tôi đi qua đó họ sẽ bỏ lúa mà chạy. Tôi cũng chẳng xuống ruộng lấy lại lúa, chuột sẽ ăn, họ lại bị đói nên mới làm vậy!”
Cả ba thầy đều đồng thanh:
“Ồ, vậy ngài được chữ ĐỨC, chính ĐỨC đã thay đổi vận mệnh của ngài. Đức minh minh chi chung”.
Vậy chữ ĐỨC khiến vận mệnh người ta thay đổi thế nào?
Đức trong đạo phật không phải là đức nói suông. Đức là những hành động thiện, lời nói thiện, suy nghĩ thiện.
Phật chia chữ ĐỨC thành 2 loại: Bi Đức và Trí Đức
Bi đức
Bi đức là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn. Trí đức là trí tuệ cao cả không gì sánh bằng, ví dụ như trí tuệ của Phật tổ. Tịnh đức là trước mặt, sau lưng, tâm của Phật vẫn như như vậy, không thay đổi.
Bi đức, trí đức, tịnh đức là ba đức tánh của Phật nên khi ta lạy Phật là ta lạy ba đức tánh này.
Kẻ thù của tâm bi là sự độc ác, thờ ơ. Ta đến với Phật là học bi đức, học tu theo hạnh của Phật. Bi là hài hòa, dễ thương, không ác ý, không ngã mạn, không độc tài…Có bi đức, cuộc sống sẽ tự tại, hạnh phúc. Có bi đức, ta được nhiều người quý trọng. Trong kinh nói chư thiên - những người vô hình - cũng ngưỡng mộ người có bi đức.
Đức Phật dạy: tất cả chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ nên tránh đừng xúc phạm người khác. Có tâm đại bi thì tâm sân si, ghen tức, ngã mạn sẽ lắng dịu. Nếu tâm đại bi không phát triển thì những phiền não hằng ngày làm người ta đau khổ. Phiền não, ghen tức, ích kỷ, giận hờn nhiều chừng nào sẽ khổ nhiều chừng đó, ức chế nhiều, đường tăng, huyết áp tăng. Gương mặt người khi ghen tuông rất xấu. Lo sợ nhiều khiến ta cười không nổi, mặt lúc nào cũng hằm hằm vì ta mất khả năng cười. Cười là biểu lộ tâm hoan hỷ. Răng cứng, lưỡi mềm nhưng răng rụng trước lưỡi. Khi người ta chết lưỡi mới chết theo. Cứng quá sẽ gãy sớm. Cho nên, ai có hàm răng đẹp hãy cười, luôn luôn cười cho đời vui hơn. Cười biểu lộ tâm hoan hỷ. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Cười không đúng chỗ thì lỗ mười thang. Người biết cười là người có tâm đại bi.
Trí Đức
Trí đức là sự thông minh sáng suốt. Phật đạt trí đức nhờ tu thiền. Niệm phật, ngồi thiền giúp cho ta có trí huệ. Người có trí đức thấy và tin nhân quả, nghiệp báo luân hồi, tin tứ diệu đế để không dễ duôi.
Nhờ có trí đức, con người ta vừa giữ được cái tâm, vừa giữ cho mình cái nhìn thông suốt về vạn vật. Nhờ chữ ĐỨC vận mệnh con người có thể thay đổi tốt đẹp hơn rất nhiều?
Theo Phụ Nữ Today