“Bộ máy phình to thế, dân nào nuôi nổi” như lời của ĐB Quốc hội XIII Trần Du Lịch thì trong bộ máy đó, “chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước” như lời bà Phạm Chi Lan thì thử hỏi, đến bao giờ đất nước mới ngóc đầu lên được?
1/3 cản trở, 1/3 ngồi chơi thì không 'hành (dân) là chính' mới lạ! |
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nếu theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương với 700.000 người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm. Báo cáo đánh giá năng suất lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) còn cho biết, năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Hội thảo trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể rằng khi bà trao đổi với một vị Bộ trưởng (đã về hưu), ông đưa ra con số thực tế: Chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước”.
“Nếu như vậy, có đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao đất nước phát triển được? Vấn đề này không chỉ "đẻ" thêm về ghế mà còn "đẻ" thêm cả bộ máy. Mà nhiều khi một việc cơ quan này làm không được còn kéo cả đơn vị khác vào làm cùng”. Bà Lan nói.
Thật ra, điều này đã được nhắc đến nhiều lần, đặc biệt là tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tháng 1/2013, ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó còn là Phó Thủ tướng Chính phủ nói: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Theo tính toán của ông Lợi, với con số 700 ngàn người “cắp ô”, mỗi năm mất đứt 17 ngàn tỉ đồng, một con số khủng khiếp được chi tiêu lãng phí từ nguồn đóng thuế của người dân.
Tuy nhiên, số tiền trên ông Lợi nêu ra mới chỉ là “phần cứng”, chưa tính tới hàng loạt các chi phí “mềm” khác như tiền nhà cửa, điện nước, văn phòng phẩm, ốm đau, ma chay… và một khoản tiền bảo hiểm khổng lồ được chi trả từ khi họ nghỉ hưu cho tới tận lúc chết.
Song, không chỉ tiền bạc mà điều nguy hại hơn, thành phần “sáng cắp ô đi, tối cắp về” còn là những vật cản trên con đường phát triển.
Lý do là số người này nếu không bất tài thì cũng là kẻ lười biếng. Mà gần như một qui luật, trong một tập thể những kẻ lười biếng luôn ghen ghét với người chăm chỉ bởi chính những người chăm chỉ là những “tấm gương” phản chiếu làm, lộ ra chân tướng của kẻ lười biếng.
Tương tự như vậy, kẻ bất tài luôn kèn cựa, ghen ghét với người có năng lực bởi chính những người có năng lực đã làm “lộ” rõ cái sự bất tài của họ.
Đã vậy, kẻ bất tài thường hay nhòm ngó, bới lông tìm vết những người có năng lực. Họ còn hay tỏ vẻ ta đây là “ông quan trọng”, từ đó dẫn tới quan liêu, hách dịch.
Kẻ bất tài và lười biếng lại thường khéo nịnh cấp trên, giỏi “tô vẽ” nên gặp những vị sếp quan liêu, khó có thể nhận biết. Chính điều này gây ức chế không nhỏ cho cả tập thể.
Kẻ bất tài, lười biếng còn là “động lực” làm thui chột những người chăm chỉ và có năng lực. Không ai muốn chăm chỉ, phát huy hết năng lực khi mà bên cạnh mình có những kẻ bất tài, lười biếng, làm ít lại được hưởng nhiều. Trong một cơ quan, những ai lười biếng và bất tài thường là những người hay kêu ca, đòi hỏi và yêu sách.
Nghiêm trọng hơn, trong đó có cả “Lý Thông” luôn luôn rình rập tranh công lao, cướp thành quả của những người tài trí, chăm chỉ.
Trở lại với con số mà ông Lợi đã nêu, trong khi “bộ máy phình to thế, dân nào nuôi nổi” như lời của ĐB Quốc hội XIII Trần Du Lịch thì trong bộ máy đó, “chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước” như lời bà Phạm Chi Lan thì thử hỏi, đến bao giờ đất nước mới ngóc đầu lên được?
Bùi Hoàng Tám/ Dân Trí