Thứ Tư

Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích

Đó là một trong những điều mà nhiều người nhận ra sau vụ học sinh lớp 6 phải về học lại từ lớp 1.

Câu chuyện em học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng, L.S.V không biết đọc, không biết viết bị nhà trường buộc phải trả về học lại lớp 1 đang gây bão trong dư luận.

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành trả lời phỏng vấn Chuyển động 24h, vtv.vn, ảnh chụp màn hình
Qua câu chuyện này, người ta lại phanh phui thêm một số trường hợp khác tương tự.

Trong khi một nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với báo giới, còn rất nhiều trường hợp khác nữa, nhưng chỉ có điều nó vẫn ẩn nấp đâu đó và được che đậy một cách kỹ càng. [1]

Không ít phản hồi của bạn đọc về thông tin này tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Thậm chí nhiều người cho rằng chuyện tương tự như em L.S.V ở Sóc Trăng không phải là hiếm.

Còn theo phản ánh của tác giả Tuệ Nguyên trên báo Thanh Niên ngày 4/10, căn bệnh ngồi nhầm lớp vẫn chưa chữa được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện ra căn bệnh này có lẽ từ năm 2006, khi phát động phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục."

Thời điểm đó, có những địa phương số học sinh ngồi nhầm lớp lên tới gần chục ngàn em.

Bộ cũng ra rất nhiều văn bản chỉ đạo khắc phục tình trạng này, bao gồm cả mô hình "sáng (lớp) 5, chiều (lớp) 1" đối với học sinh ngồi nhầm lớp.

Tới cuối năm ngoái 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục có văn bản gửi các sở để chấn chỉnh tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp". [2]

Như vậy có thể thấy căn bệnh này đã vô cùng trầm trọng, bất thường đến mức vô cảm vì trở thành "bình thường" với nhiều người ối dào, biết rồi, khổ lắm nói mãi.

Giọt nước mắt tủi hổ của em V. cùng với con số "chục ngàn" học sinh ngồi nhầm lớp ở một địa phương từ 2006 mà báo Thanh Niên ngày 4/10 nêu ra khiến người viết giật mình, hoảng sợ thực sự.

Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm với tương lai của những học trò như S, học 5 năm không biết đọc, không biết viết?

Nhiều người đã nhắc đến trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và thày cô bộ môn trực tiếp giảng dạy em V. trong 5 năm tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành.

Trong số đó, người đầu tiên lên án giáo viên là Hiệu trưởng trường này, bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh.

Tất nhiên, dù có nói thế nào đi nữa, thì trách nhiệm của những người trực tiếp dạy em S trong 5 năm học ở trường Lý Đạo Thành là không thể tránh khỏi. Bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh.

Hiện tại chưa thấy thầy / cô nào trực tiếp dạy em V. lên tiếng. 

Tuy nhiên, em V. không phải trường hợp cá biệt, hãn hữu, mà lại là một trong số nhiều nạn nhân của sự dối trá trong môi trường sư phạm.

Và thời gian ấy diễn ra quá lâu, 5 năm không ai nói ra, ngoài chính gia đình em, người mẹ không được học hành đã chủ động xin cho con ở lại lớp ít nhất 2 lần không được.

Vì thế, sẽ là bất công cho V. cũng như các giáo viên đứng mũi chịu sào trong việc dạy dỗ em, cùng nhiều giáo viên và học sinh khác bị lộ và chưa bị lộ, nếu như không tìm ra những người phải chịu trách nhiệm đẩy giáo viên, đẩy học sinh vào bước đường cùng này.

Người viết rất ấn tượng với chia sẻ của một giáo viên Trường Tiểu học Lý Đạo Thành được báo Thanh Niên dẫn lời cho biết:
Giọt nước mắt em V. ám ảnh người viết, ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.
"Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường...

Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích." [3]

Một kết luận thật chua chát: Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích!

Nói thẳng thường khó nghe. Nhưng thiết nghĩ để chữa tận gốc căn bệnh này, ngành Giáo dục và các địa phương, những người làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục cùng toàn xã hội nên bắt đầu bắt bệnh, bốc thuốc từ đây.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành không thể chối bỏ trách nhiệm

Bài báo của tác giả Việt Tường trên báo điện tử Zing ngày 4/10 cho biết, trả lời phỏng vấn của báo này, bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho hay:

Nam sinh lớp 6 bị Trường THCS Lê Vĩnh Hòa trả về đã được bố trí vào lớp 5/2. Sau buổi học lại, V. tỏ ra vui vẻ với bạn bè, không còn mặc cảm như nửa tháng trước.

Bà Hạnh được Zing dẫn lời nói rằng: "Chúng tôi theo dõi V. học lại và quay clip để xem thế nào thì thấy em này đọc, viết được nhưng chậm.

V. mắc chứng tự kỷ nên nhiều lúc ngồi cả giờ mà không chịu đọc, viết khiến mọi người hiểu nhầm. Khi tâm lý thật sự thoải mái, em vẫn làm được toán." [4]

Lần trước bà Hạnh giải thích mình "không biết vì giáo viên chủ nhiệm không báo cáo" trên Chuyển động 24h tối 1/10 một cách thiếu thuyết phục, ai cũng nghe thấy nếu xem chương trình này.

Điều đó cho thấy thái độ thiếu cầu thị, thiếu trách nhiệm cần có của một vị Hiệu trưởng.

Lần này bà Hạnh lại khiến người viết vô cùng thất vọng, nếu những lời báo điện tử Zing trích dẫn như trên là đúng.

Có lẽ bà Hạnh vô cảm với giọt nước mắt tủi phận của cậu học trò trường mình vì 5 năm học mà không biết đọc, không biết viết vẫn cứ phải lên lớp, không được ở lại lớp để học cho chắc, khi bà nói em "mắc chứng tự kỷ".

Đây là một hội chứng đặc biệt và phải được các chuyên gia y khoa về hội chứng này thăm khám, xác định để có phương án điều trị, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng, trong đó có hoạt động học hành.

Nếu em V. thực sự "mắc chứng tự kỷ" như bà Hạnh nói, thì khi nhận em vào học và phát hiện ra, trường Lý Đạo Thành cần trao đổi, tư vấn với phụ huynh học sinh về môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục phù hợp với em.

Trường Tiểu học Lý Đạo Thành không thể để em mỗi năm một lớp, đàng hoàng nhận giấy chứng nhận hoàn  thành chương trình tiểu học như thế.

Còn khi nhìn vào ánh mắt của V., hai giọt lệ rơi xuống vì tủi hổ, vì tương lai bất định, người viết không tin rằng em "mắc chứng tự kỷ".

Ngược lại, người nói em mắc hội chứng này có lẽ đã quá vô cảm trước giọt nước mắt ấy, vì áp lực dư luận, vì sợ mất ghế hay một lý do nào đó.

Do đó người viết thiết nghĩ, cá nhân bà Hạnh nên xét lại chính mình, bởi người làm giáo dục, dạy người tối thiểu phải có sự trung thực và trách nhiệm.

Người lớn nói dối khó mong trẻ em trung thực. Thày cô nói dối, làm sao dạy được học trò trung thực?

Còn về phần quản lý nhà nước, có lẽ ngành Giáo dục Sóc Trăng cũng cần có biện pháp xử lý cụ thể.

Chính quyền địa phương và sở, phòng Giáo dục - Đào tạo không thể vô can, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần loại bỏ cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật gây bệnh thành tích

Báo Vietnamnet ngày 4/10 cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng vừa ký văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh này phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác dạy và học trên địa bàn TP Sóc Trăng như phản ánh của báo chí trong những ngày qua. [5]

Như vậy có thể thấy chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh Sóc Trăng đã phản ứng khá nhanh nhạy trước phản ánh từ báo chí.

Tuy nhiên nếu chỉ một văn bản chỉ đạo chung chung thế này liệu có giải quyết được tình hình, khi hàng loạt văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với những biện pháp đi kèm còn chẳng ăn thua?

Báo Thanh Niên ngày 4/10 dẫn lời một cựu giám đốc sở GD-ĐT chia sẻ:

“Áp lực thành tích hầu như từ chính lãnh đạo địa phương.

Năm đầu tiên hưởng ứng phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ phát động, chúng tôi làm nghiêm và tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh chỉ đạt hơn 50%, lập tức ngành GD-ĐT phải giải trình với lãnh đạo tỉnh, rồi bị phê bình lên xuống.”

Có thể nói đây là một lời cảnh tỉnh đối với các vị lãnh đạo đứng đầu các địa phương về bệnh thành tích trong giáo dục.

Để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc như em V., thiết nghĩ chính quyền các địa phương và người đứng đầu, thay vì chỉ đạo chung chung thì cần cam kết trước dư luận địa phương mình rằng:

Không theo đuổi bệnh thành tích, không ép ngành giáo dục địa phương phải chạy theo thành tích, chỉ quan tâm tới chất lượng dạy và học thực sự. Yêu cầu dạy thật và học thật, tôn trọng kết quả thi thật, không lấy tỉ lệ lên lớp, đỗ - trượt của học sinh làm thành tích thi đua cho cá nhân, nhà trường, địa phương, đơn vị.

Chính Hội đồng Nhân dân các tỉnh thành trực thuộc trung ương được Quốc hội phân bổ ngân sách trực tiếp cho giáo dục địa phương mình, chứ không phải Quốc hội rót cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Ngoài ngân sách, địa phương cũng là nơi quyết định biên chế giáo viên, đối với cấp mầm non, tiểu học và THCS là cấp huyện và THPT là cấp tỉnh, thì bệnh thành tích có trách nhiệm của chính các địa phương và người đứng đầu, chứ không riêng các trường hay Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chạy theo thành tích không hẳn đã là mong muốn của cơ sở, mà là mong muốn và áp lực từ cấp trên, ở đây là chính quyền các địa phương, như lời chia sẻ của một vị cựu Giám đốc sở GD-ĐT mà báo Thanh Niên phản ánh.

Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo người viết Bộ cần vào cuộc rà soát lại cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và loại bỏ triệt để các cơ chế, văn bản gây ra bệnh thành tích trong giáo dục.

Trong bài viết trước, người viết đã nêu ra 2 văn bản là Thông tư 59 về trường "chuẩn quốc gia", Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học mà mới được thay thế bằng Thông tư 22.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì không thể không có trách nhiệm trước hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp cùng những vấn đề bất cập khác.

Tuy nhiên với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là nơi hoạch định và ban hành chính sách, giám sát thực hiện chứ không phải làm những việc cụ thể của địa phương, như giải pháp "sáng 5 chiều 1" mà báo Thanh Niên nêu ra.

Người viết xin chép ra đây một số góp ý của bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo một số giải pháp để giải quyết tình trạng này, để lãnh đạo Bộ nghiên cứu:

"Tôi đề nghị Bộ Giáo Dục hủy bỏ việc khen thưởng thi đua dựa trên tiêu chuẩn số học sinh lên lớp. Trước hết đây là tiêu chuẩn bất công! Tại sao?

Thí dụ tôi giả sử trường A ở vào khu vực dân trí thấp (khu ổ chuột hay xóm lao động nghèo), cha mẹ tất bật còn không đủ ăn, chưa nói trình độ văn hóa thấp thì làm sao các em có điều kiện tốt để học tập (ngoại lệ nếu có rất ít).

Nếu áp đặt chỉ tiêu 90% cũng là quá cao so với năng lực của nhà trường. 

Nhưng nếu áp dụng chỉ tiêu ấy cho khu vực có mức sống từ trung lưu trở lên thì có thể.

Như vậy không thể nói khu vực trường A số học sinh lên lớp chỉ 60% (<90%) là kém so với Trường B ở khu vực trung lưu dù họ đạt trên 90%.

Thứ hai chỉ nên yêu cầu giáo viên đánh giá chính xác trình độ học sinh, và chỉ em nào đủ điều kiện mới lên lớp.

Giáo Dục VN cần phải làm cái gì cũng nghiêm chỉnh, kỳ thi phải nghiêm minh, trình độ phải chuẩn mực, chỉ cần thế thôi cũng là tốt lắm rồi." Bạn đọc Khainguyen chia sẻ.

Cá nhân người viết cho rằng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải thực hiện chế độ giải trình, xem xét trách nhiệm của chính các Thứ trưởng phụ trách các cấp học, các Vụ trưởng là người xây dựng, tham mưu và ký các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến bệnh thành tích và những bất cập nổi cộm khác trong giáo dục, kể cả đương chức hay nghỉ hưu.

Không thể để tình trạng khi làm đề án xin ngân sách hàng ngàn tỉ thì cứ hứa để xin bằng được, khi chương trình dự án trục trặc hoặc không thành công thì chẳng ai chịu trách nhiệm.

Tiền đầu tư cho giáo dục đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, tuy nhiên tiền chưa phải là điều quan trọng. Quan trọng là niềm tin của nhân dân, tương lai của dân tộc đang nằm ngay chính những thế hệ học trò, sản phẩm của ngành giáo dục.

Câu chuyện của em V. rồi chẳng mấy sẽ chìm nghỉm trong biển thông tin truyền thông.

Nhưng mối lo cuộc đời em và rất nhiều học sinh khác, cùng tương lai dân tộc nước nhà thì vẫn còn đó. Cần có hành động kịp thời và liên tục mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo Giáo Dục