Dường như những gì Hà Nội nhất cũng cứ ngày một phai nhạt đi, như thể những cổ thụ cứ thay nhau ngã xuống để hoa sữa mọc lên như một ám ảnh khôn cùng.
Trước nhà tôi có một khoảng sân nhỏ. Cứ khoảng sau 7h tối khoảng sân lại líu ríu tiếng cười của những đứa trẻ ra chạy chơi và hóng mát. Những bậc ông bà, bố mẹ vui vẻ ngồi quanh nhìn khung cảnh sinh động và đầy sức sống của những đứa trẻ thơ.
Ám ảnh khôn cùng 'Hà Nội của hoa sữa' |
Xung quanh sân có khoảng 6 cây hoa sữa lúc lỉu những chùm hoa. Và không khí đặc quánh một thứ mùi hắc khó chịu với rất nhiều muỗi và các loại côn trùng khác. Không có một trận mưa nào. Mùi hoa sữa trở nên dày đặc khiến mọi người khó thở và bị chảy nước mắt. Một không gian vui chơi đã bị giết chết vì hoa sữa không hề “ngọt ngào” như trong câu hát.
Những cây hoa sữa bắt đầu được trồng cách đây 8 năm, khi ông Nguyễn Thế Thảo bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Thời gian này Hà Nội lại di dời, đốn hạ hơn 100 cây xanh trên phố Kim Mã để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội. Dự án này cũng được bắt đầu trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Thế Thảo.
Còn nhớ tháng 3.2015 Hà Nội đã tiến hành kế hoạch chặt khoảng 6.700 cây xanh theo đề án cải tạo và thay thế cây xanh. Vụ việc này đã gây bức xúc rộng lớn trong xã hội vì nhiều cây cổ thụ như những chứng tích của Thủ đô đã ngã xuống. Giờ đây, để có thể hoàn thiện tuyến đường sắt trên cao, không biết bao nhiêu cây xanh sẽ tiếp tục hy sinh bất chấp giá trị lịch sử và văn hóa.
Trong khi đó theo tiêu chuẩn đất cây xanh công viên đô thị thì với đô thị đặc biệt diện tích cây xanh phải đạt từ 7-9 m2/người, đô thị loại 1 và 2 thì cần 6 - 7,5 m2/người, đô thị loại 3 và 4 thì tiêu chuẩn cần có 5 - 7 m2/người, đô thị loại 5 thì quy định tiêu chuẩn 4 - 6 m2/người.
Tại Hà Nội diện tích cây xanh chỉ đạt không đầy 5 m2 bao gồm cả vườn hoa, đơn vị ở, sân chơi và các công viên. Một thủ đô ngàn năm văn hiến nhưng điều kiện tự nhiên chỉ tương đương với một đô thị loại 5.
Sau vụ đốn hạ 6.700 cây xanh ông Thảo khi đó còn là Chủ tịch UBND TP Hà Nội có viết: “Với trách nhiệm Chủ tịch UBND thành phố, tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Cũng trong thời gian đó, Hà Nội có tốc độ phát triển các khu đô thị trung bình khoảng 4% một năm. Đây là tốc độ phát triển vượt xa các thành phố khác trên thế giới. Và Hà Nội biến thành Thủ đô của các đại đô thị. TP. Hồ Chí Minh có 1.400 dự án khu đô thị mới với diện tích khoảng 4.490 ha.
Hà Nội chỉ có hơn 800 dự án khu đô thị mới nhưng có diện tích lên tới 75.189 ha. Số dự án đô thị mới tại Hà Nội chỉ bằng phân nửa thành phố Hồ Chí Minh nhưng diện tích lên tới gấp gần 20 lần. Giá bất động sản tại Hà Nội cũng được liệt vào hàng đắt nhất thế giới dù theo tính toán theo mức thu nhập trung bình thì một người phải tiết kiệm khoảng 100 năm mới có thể mua được một căn nhà.
Quá trình đô thị hóa mãnh liệt này tạo nên những dãy phố mới, những khu đô thị mới và những nhu cầu mới. Những con đường được mở, những cánh đồng biến mất, đường sắt trên cao cũng được thực hiện để giải quyết các bài toán giao thông bức bách.
Và cùng với tiến trình này, dưới góc độ cây xanh, những cây cần chặt thì được trồng và những cây cần giữ thì bị chặt.
Ngày 10.10.2016, sau 71 năm giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Thế Thảo được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Cũng trong những ngày này không khí Hà Nội được đánh giá là có mức ô nhiễm lên đến đỉnh điểm. Theo thông số độc lập của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi vào khoảng 388. Chỉ số này tương đương với các vùng ô nhiễm nhất tại Trung Quốc và ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe của người dân.
Đây là một hệ quả tất yếu. Từ năm 2012, Hà Nội đã được đánh giá là thành phố có mức ô nhiễm hàng đầu Châu Á. ARIA Technologies, một công ty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng đưa ra thông số thể hiện mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil và Karachi, hai trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thế nhưng ngoài việc phát triển diện tích đô thị một cách ấn tượng Hà Nội không làm gì để bảo vệ thiên nhiên và cuộc sống con người.
Có thể người ta kiếm được tiền tại Hà Nội nhưng Hà Nội có còn là một thành phố đáng sống nữa không? Ngàn năm Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội sẽ đi đâu về đâu? Có một sự phân bổ ngẫu nhiên. Hoa sữa được trồng rất nhiều ở những khu đô thị mới, những tuyến đường mới được phát triển dưới như Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Ninh…
Còn những cây cổ thụ thuộc về những dãy phố với lịch sử ngàn năm của Thăng Long Hà Nội.Và dường như những gì Hà Nội nhất cũng cứ ngày một phai nhạt đi, như thể những cổ thụ cứ thay nhau ngã xuống để hoa sữa mọc lên như một ám ảnh khôn cùng.
Theo Dân Việt